Dạy trẻ bằng tình yêu thương và sự sáng tạo

Thứ sáu, 03/03/2023 15:54
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Với phương châm cùng chơi, cùng học, cùng chia sẻ, từ việc ứng dụng công nghệ thông tin qua mỗi bài học, các em được tham gia vào các trò chơi, tham gia các hoạt động nhóm, các hoạt động vui chơi dưới sân trường… cô Đặng Hà Phương, giáo viên Trường tiểu học Kỳ Đồng, quận 3, TP Hồ Chí Minh đã giúp các em học sinh của mình luôn vui vẻ, thích thú mỗi khi đến lớp.

 

 Cô giáo Đặng Hà Phương.

Cô  Đặng Hà Phương cho biết: Sau khi tốt nghiệp Đại học Sài Gòn- khoa Tiểu học, năm 2015, cô về nhận công tác tại Trường Tiểu học Kỳ Đồng và nhận nhiệm vụ dạy khối lớp 1.

Ngày về trường cô Đặng Hà Phương được phân công giảng dạy khối lớp 1 (hệ tích hợp) với sĩ số lớp 44 em học sinh. Những ngày đầu cũng có nhiều bỡ ngỡ nhưng may mắn từ ngày còn ở trên giảng đường đại học, đi thực tập Phương đã có một khoảng thời gian được tiếp xúc và giảng dạy các em học sinh lớp 1, bản thân cô cũng đã có khoảng thời gian xin đi dạy không lương cho một số trường quốc tế trên địa bàn để có thêm kinh nghiệm giảng dạy. Đặc biệt, với sự hỗ trợ nhiệt tình của  Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo trong khối, trong trường, cô Phương tự tin định hướng cho các em đi vào nền nếp.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, cô Phương quan sát, tìm hiểu tính cách của từng em, cô cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh để phối hợp trong việc dạy dỗ các em.

 Cô Phương chia sẻ: Các em học sinh lớp 1 như một cái cây nhỏ, nếu người trồng cây biết chăm sóc tốt thì lớn lên cây sẽ mọc thẳng và đơm hoa, kết trái ngọt. 

Cô Phương cho biết: Những buổi đầu đến lớp, đến trường các em có những bỡ ngỡ, nhiều em đã nhận được mặt chữ cái, nhưng cũng có nhiều em chưa biết, có em tự lập trong công tác cá nhân, chủ động chuẩn bị đồ dùng học tập trước khi đến lớp nhưng đa phần các em đều chưa biết những công việc của mình khi đến trường. Thời điểm này các em rất cần sự hướng dẫn, đồng hành của cha mẹ, thầy cô để dần quen với nền nếp của một học sinh lớp một.

Với phương châm cùng chơi, cùng học, cùng chia sẻ, từ việc ứng dụng công nghệ thông tin qua mỗi bài học, các em được tham gia vào các trò chơi, tham gia các hoạt động nhóm, các hoạt động vui chơi dưới sân trường… cô Phương đã giúp các em học sinh của mình luôn vui vẻ, thích thú mỗi khi đến lớp. Qua các hoạt động đó cô cũng hiểu hơn về tính cách, sở trường, sở đoản của các em, từ đó có phương pháp dạy phù hợp.

“Các em học sinh lớp 1 như một cái cây nhỏ, nếu người trồng cây biết chăm sóc tốt thì lớn lên cây sẽ mọc thẳng và đơm hoa, kết trái ngọt. Nếu trước đây giáo viên giữ vai trò chủ đạo thì ngày nay việc giảng dạy theo phương pháp mới giáo viên chỉ là người hướng dẫn, còn học sinh là trung tâm, phải làm sao để phát huy tối đa tính chủ động, sự tự tin. Đặc biệt các em học sinh lớp tích hợp có cá tính rất mạnh, các em cũng nhanh nhẹn và thông minh, thường thể hiện rõ cá tính của mình.

Giảng dạy theo phương pháp mới cũng đòi hỏi mỗi giáo viên phải biết sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Bởi vậy ngoài những kiến thức cơ bản, tôi tìm hiểu thêm các khóa học, tìm hiểu thêm các nội dung bài học theo nhiều hình thức khác nhau để giúp học sinh thích thú khi tiếp cận, vừa học, vừa chơi. Đến nay, sau một kỳ học một số bạn đã có thể tự tổ chức lớp, tự tổ chức làm việc nhóm theo sự hướng dẫn của giáo viên” – Cô Phương cho hay.

Không chỉ dạy các em kiến thức, cô Phương còn dành sự quan tâm đặc biệt đến tính cách, sở trường, sở đoản của các em để cùng phối hợp với phụ huynh giúp các em hoàn thiện bản thân.

Với cô Phương, các em học sinh như một người bạn, có chuyện gì cũng kể, có gì ăn cũng mời và chia phần cho cô, nhiều em còn dành những lời khen cho cô mỗi ngày. Đến nay, cũng đã có những lứa học sinh ra trường, học cấp hai nhưng với cô Phương các em vẫn như người thân, một người bạn. Dịp lễ, tết các em trở lại trường thăm, ngày thường nhiều em vẫn nhắn tin hỏi thăm, chia sẻ với cô về việc học, về cuộc sống. Không chỉ học sinh và nhiều phụ huynh cũng vẫn thường hỏi thăm, điều đó khiến cô cảm thấy ấm áp và hạnh phúc, đó cũng là động lực để cô yêu nghề hơn.

Cô Phương bảo “tôi may mắn khi mới ra trường đã được công tác tại một môi trường có tập thể đoàn kết, yêu thương và chia sẻ với nhau từ kinh nghiệm trong công tác cho đến cuộc sống riêng. Ở đây như gia đình thứ hai của tôi”.

Ở trường cô Phương thường xuyên được trao trọng trách tham gia các cuộc thi như Giáo viên dạy giỏi cấp Quận. Cô luôn nỗ lực để mang về giải cao nhất cho bản thân và cho nhà trường.

Không chỉ trau dồi bản thân trong hoạt động chuyên môn, thường xuyên đăng ký và được nhà trường cử tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, là một đoàn viên cô Phương còn nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn, đội của trường và tổ chức đoàn cấp trên phát động. Trong mọi hoạt động cô đều nhiệt tình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Những ngày nghỉ tôi tham gia các hoạt động đoàn, cống hiến một phần công sức của mình cho xã hội. Với tôi những hoạt động đó vừa giúp ích cho xã hội, giúp ích cho bản thân, đó cũng là khoảng thời gian thư giãn của chính mình. Bởi mỗi hoạt động diễn ra ở một địa phương khác nhau, các hoạt động đa dạng, phong phú là dịp tôi được giao lưu, học hỏi với các đoàn viên, thanh niên để tôi hoàn thiện bản thân mình hơn” – Cô Phương tâm sự.

 Cô Đặng Hà Phương và tập thể các em học sinh lớp 1/9 Trường tiểu học Kỳ Đồng.

Với những nỗ lực của mình, nhiều năm liền cô Đặng Hà Phương là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2020, cô Đặng Hà Phương vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Khi đứng trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc đọc lời thề của người đảng viên tôi không thể quên được cảm xúc tự hào, vui mừng và cũng lo lắng làm sao để mình làm tốt hơn, xứng đáng hơn với niềm tin của Ban Giám hiệu và Đảng ủy Nhà trường”, cô Phương nói.

Chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian tới, cô Phương tâm sự: Các bé hiện nay rất thích công nghệ, vì vậy song song với công tác chuyên môn, nâng cao trình độ, kỹ năng của mình, cô sẽ tiếp tục tham gia các cuộc thi do Trường và Quận, TP phát động. Bên cạnh đó, cô cũng tiếp tục học hỏi thêm về công nghệ để ứng dụng vào giảng dạy, giúp học sinh nắm bắt tốt bài học, giúp các em học sinh phát triển toàn diện, trở thành những công dân có ích cho xã hội./.

Bài, ảnh: Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực