Bình đẳng giới hôm nay vì một ngày mai bền vững

Thứ ba, 08/03/2022 05:34
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai là một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21.

Phụ nữ ngày càng được công nhận là dễ bị tổn thương hơn trước các tác động của biến đổi khí hậu so với nam giới, vì họ chiếm đa số người nghèo trên thế giới và phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà biến đổi khí hậu đe dọa nhiều nhất.

Tại sao phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nam giới?

Tính dễ bị tổn thương của phụ nữ đối với biến đổi khí hậu bắt nguồn từ một số yếu tố xã hội, kinh tế và văn hóa.

leftcenterrightdel
Phụ nữ dễ bị tổn thương hơn trước các tác động của biến đổi khí hậu so với nam giới (Ảnh: UN)

Số liệu từ Liên hợp quốc cho thấy, có tới 70% trong số 1,3 tỷ người sống trong cảnh nghèo đói trên thế giới là phụ nữ. Tại khu vực thành thị, 40% số hộ nghèo nhất do phụ nữ làm chủ hộ. Trong khi đó, dù là nhân lực chính trong sản xuất lương thực trên thế giới –  ở mức từ 50-80%, nhưng phụ nữ lại chỉ sở hữu chưa đến 10% đất đai. Bên cạnh đó, 80% trong số những người phải di cư do các thảm họa và thay đổi liên quan đến khí hậu trên thế giới là phụ nữ và trẻ em gái.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, khoảng 2,4 tỷ phụ nữ trong độ tuổi lao động trên toàn cầu không có cơ hội kinh tế bình đẳng. Chỉ có 118/194 nền kinh tế thế giới đảm bảo 14 tuần nghỉ phép có lương cho các bà mẹ. 178 nước vẫn duy trì các rào cản pháp lý ngăn cản sự tham gia đầy đủ của phụ nữ đối với các hoạt động kinh tế. Trong khi đó, khoảng cách thu nhập trọn đời dự kiến giữa nam giới và nữ giới trên toàn cầu lên tới 172.000 tỷ USD, gấp 2 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của cả thế giới.

Phụ nữ chiếm tỷ lệ cao trong các cộng đồng nghèo phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên để kiếm sống, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi họ gánh vác trách nhiệm chính về việc cung cấp nước cho hộ gia đình, năng lượng để đun nấu và sưởi ấm. Ở khu vực Cận Đông, phụ nữ đóng góp tới 50% lực lượng lao động nông nghiệp. Họ chịu trách nhiệm chính cho các công việc tốn nhiều thời gian và công sức hơn (được thực hiện thủ công hoặc sử dụng các công cụ đơn giản). Ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, dân số nông thôn đang giảm dần trong những thập kỷ gần đây. Phụ nữ chủ yếu làm nghề nông tự cung tự cấp, đặc biệt là làm vườn, gia cầm và chăn nuôi gia súc nhỏ để tiêu dùng trong gia đình.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và lũ lụt, phụ nữ có xu hướng làm việc nhiều hơn để đảm bảo sinh kế trong gia đình. Điều này sẽ khiến phụ nữ có ít thời gian tiếp cận với giáo dục đào tạo, phát triển kỹ năng hoặc kiếm thu nhập. Ở châu Phi, tỷ lệ mù chữ của phụ nữ là hơn 55% vào năm 2000, so với 41% ở nam giới.

Những con số trên phần nào cho thấy sự chênh lệch và bất bình đẳng mà phụ nữ đang phải đối mặt trong xã hội ngày nay.

Những đóng góp của phụ nữ đang góp phần thay đổi thế giới

Mặc dù dễ bị tổn thương nhưng phụ nữ và trẻ em gái lại là những người tạo ra thay đổi hiệu quả và mạnh mẽ để thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Họ tham gia vào các sáng kiến bền vững trên khắp thế giới, và sự tham gia và lãnh đạo của họ dẫn đến hành động khí hậu hiệu quả hơn.

leftcenterrightdel
 Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay có chủ đề “Bình đẳng giới hôm nay vì một ngày mai bền vững” (Ảnh: UN)

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay có chủ đề “Bình đẳng giới hôm nay vì một ngày mai bền vững,” với mục đích ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, những người đang đi đầu trong công tác thích ứng, giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm xây dựng một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Trong thông điệp nhân ngày Ngày Quốc tế phụ nữ năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã tôn vinh những đóng góp của phụ nữ trong nỗ lực chấm dứt đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh: “Những ý tưởng, sáng kiến, hành động và sự lãnh đạo của phụ nữ đang thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn.”

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, ở nhiều lĩnh vực, đồng hồ về quyền của phụ nữ lại đang quay ngược. Trong đó, đại dịch đã khiến trẻ em gái và phụ nữ không được đến trường học và nơi làm việc. Họ phải đối mặt với tình trạng nghèo đói và bạo lực gia tăng. Họ làm nhiều công việc chăm sóc cần thiết nhưng không được trả công. Họ là mục tiêu của bạo lực và lạm dụng, chỉ vì họ là nữ giới.

Theo ông, “chúng ta cần hành động ngay để thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái, thông qua việc đảm bảo chất lượng giáo dục để mỗi trẻ em gái có thể xây dựng cuộc sống mình mong muốn; thông qua các khoản đầu tư lớn và đào tạo để phụ nữ có công việc tử tế; thông qua hành động hiệu quả để chấm dứt bạo lực giới; thông qua các biện pháp như hạn ngạch giới để tất cả chúng ta được hưởng lợi ích từ những sáng kiến, kinh nghiệm và sự lãnh đạo của nữ giới trong việc đưa ra các quyết định”.

Có thể nói, phụ nữ đã và đang có những đóng góp to lớn, quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia hay rộng hơn là ở phạm vi toàn cầu. Sự tham gia chủ động và tích cực của họ góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Bởi vậy, đảm bảo bình đẳng giới chính là chìa khóa để xây dựng một thế giới hưng thịnh và phát triển bền vững trong tương lai./.

Lịch sử ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp.

Tuy nhiên chủ tư bản trả lương rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm. Khi đó, các công nhân ngành dệt cùng đứng lên chống lại điều kiện làm việc khó khăn của họ tại thành phố New York vào ngày 8/3/1857. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức, một nước có nền kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ.

Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế Xã hội chủ nghĩa họp tại Copenhagen (Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ”, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm 8 giờ. Việc làm ngang nhau. Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.

Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là ngày biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.

 

 

Kiều Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực