|
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam - Hoa Kỳ đạt được nhiều kết quả tích cực |
Từ ngày 22-24/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ. Chuyến công tác làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hoa Kỳ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm một năm hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện và đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ vào năm 2025.
Về chính trị - ngoại giao: Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục đà phát triển tích cực, trong đó nổi bật là việc hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden (10 -11/9/2023). Năm 2024, các hoạt động tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao tiếp tục được thúc đẩy như Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm Mỹ nhân dịp dự Khóa họp 68 của Uỷ ban địa vị phụ nữ ECOSOC (tháng 3/2024), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự Chương trình Lãnh đạo cao cấp (tháng 4/2024). Phía Hoa Kỳ cũng cử nhiều đoàn quan chức thăm Việt Nam, trong đó có 7 đoàn cấp từ thứ trưởng trở lên , 3 đoàn nghị sỹ Quốc hội và nhiều đoàn cấp làm việc và doanh nghiệp lớn khác của Hoa Kỳ … Vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã có thông điệp chia buồn về việc cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Ngoại trưởng Blinken đã đến thắp hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư tại Nhà riêng và gặp các lãnh đạo Việt Nam.
Hai bên tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ như Đối thoại Châu Á - Thái Bình Dương (3/2024), Đối thoại Luật Biển (4/2024)... Đặc biệt, hai bên lần đầu tiên tiến hành Đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao (3/2024), Đối thoại Kinh tế tại Hoa Kỳ (6/2024) và Đối thoại An ninh và Thực thi pháp luật cấp thứ trưởng tại Việt Nam (7/2024).
Về kinh tế - thương mại - đầu tư: Hoa Kỳ duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 08 của Mỹ đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực ASEAN; là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 06 của Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16%/năm. Kim ngạch thương mại hai chiều 8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 88 tỷ USD (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 77,9 tỷ USD (tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam là 9,8 tỷ USD (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước). Đáng chú ý, lần đầu tiên Hoa Kỳ vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam với kim ngạch đạt 8,58 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024, chiếm tỷ trọng 21,4%.
Về đầu tư: Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11/108 nước đầu tư tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng. Tính đến đầu 2024, Hoa Kỳ có khoảng 1340 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn trên 11,8 tỷ USD. Việt Nam có 230 dự án đầu tư tại Hoa Kỳ với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD. Mỹ đứng thứ 7/80 nước và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong 06 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đầu tư sang Hoa Kỳ 18,7 triệu USD. Trong năm 2023 và đầu 2024, nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam và khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động và đầu tư tại Việt Nam như Boeing, Nike, Exxon Mobil, Amazon, Marriott, Coca Cola, Google, Facebook, Netflix … Nhiều doanh nghiệp Việt Nam như FPT, Vinfast…cũng đang mở rộng đầu tư sang Mỹ, tạo thế lợi ích đan xen.
Hai bên duy trì trao đổi thường xuyên để tăng cường hợp tác, và thảo luận về triển vọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới mà mỗi bên có nhu cầu, trong đó có ngành bán dẫn. Hai bên cũng đối thoại thực chất và xây dựng để giải quyết các vấn đề và vụ việc tồn đọng trong quan hệ thương mại.
Việt Nam đang tiếp tục trao đổi, thúc đẩy Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (MES) sau khi Bộ Thương Mại Hoa Kỳ ra quyết định chưa công nhận MES của Việt Nam (02/8/2024). Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục thúc đẩy cơ chế Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA); trao đổi đoàn doanh nghiệp… qua đó tiếp tục củng cố và mở rộng khung khổ quan hệ thương mại.
Hợp tác an ninh - quốc phòng được duy trì ở mức phù hợp với nội dung hợp tác đa dạng, nổi bật là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, và nâng cao năng lực hàng hải. Hai bên tổ chức thành công Đối thoại Chính sách Quốc phòng trực tiếp và thông qua Kế hoạch hành động quốc phòng 2022 – 2024. Trong các cuộc trao đổi, hai bên nhất quán đánh giá cao quan hệ an ninh – quốc phòng song phương; nhất trí thúc đẩy hợp tác trong nhiều nội dung quan trọng. Hai bên tiếp tục triển khai các cơ chế đối thoại thường niên như Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng 13 (8/2024) và Chương trình Đối tác Thái Bình Dương 24 (8/2024).
Vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là ưu tiên. Hoạt động tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ (MIA), tìm kiếm liệt sỹ Việt Nam, xử lý dioxin, hỗ trợ người khuyết tật tiếp tục được đẩy mạnh. Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) triển khai Bản Ghi nhớ Ý định (MOI) về hợp tác nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh. Hai bên ký Kế hoạch hành động về hợp tác nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh cho Việt Nam.
Hợp tác giáo dục đạt được nhiều bước tiến tích cực thời gian gần đây với việc hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ. Hiện nay Việt Nam có một số cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam gồm 6 cơ sở giáo dục phổ thông và 1 trường đại học Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) công bố khoản ngân sách của Chính phủ Hoa Kỳ trị giá 37 triệu USD cho Trường Đại học Fulbright Việt Nam vay để xây trường ở Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên tiếp tục triển khai Bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (11/2023); phối hợp chuẩn bị triển khai đón đợt tình nguyện viên Hoa Kỳ thứ ba vào Việt Nam (đợt 1 vào tháng 10/2022, đợt 2 vào tháng 10/2023).
Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu tiếp tục được tăng cường. Hai bên đã bắt đầu triển khai hoạt động của Nhóm công tác chung giữa Chính phủ hai nước về khí hậu và năng lượng sạch. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ dịp dự Chương trình Lãnh đạo cấp cao (VELP) (4/2024), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã gặp Cố vấn cao cấp về chính sách khí hậu quốc tế Hoa Kỳ John Podesta để cùng thảo luận về các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác song phương về ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng sạch, chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo; trợ giúp Việt Nam về tài chính và kỹ thuật thông qua các cơ chế đa phương, trong đó có JETP. Các cơ quan của hai nước đã ký một số văn bản hợp tác sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện như MOU hợp tác về văn hóa và quan hệ nhân dân (3/2024), Tuyên bố Ý định tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu...
Về hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như vấn đề Mê Công, Myanmar, Triều Tiên...; đặc biệt là trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và trong các cơ chế của ASEAN. Trong các phát biểu công khai và trong trao đổi với ta, phía Mỹ tiếp tục khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm, đoàn kết của ASEAN cũng như tài liệu AOIP; đồng thời đánh giá cao vị trí và vai trò của Việt Nam trong ASEAN, tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc và trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.
Chuyến công tác làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hoa Kỳ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm một năm hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện và đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ vào năm 2025. Đây là dịp quan trọng để hai bên cùng nhìn lại những thành tựu mà khuôn khổ quan hệ mới mang lại, đồng thời thảo luận về những định hướng và biện pháp lớn để tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực, ổn định, thực chất của quan hệ trong nhiều năm tới.
Hai bên sẽ tiếp tục bám sát những nguyên tắc nền tảng của quan hệ hai nước, bao gồm “tôn trọng hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau”, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược, đảm bảo nguyện vọng của nhân dân hai bên, đóng góp tích cực hơn nữa cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững tại khu vực cũng như trên thế giới.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương quan trọng với lãnh đạo Chính quyền Hoa Kỳ, tham dự và phát biểu tại sự kiện hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ và một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, cũng như các cuộc tiếp xúc, làm việc với sự tham gia của các quan chức, doanh nghiệp, chuyên gia, học giả hàng đầu của Hoa Kỳ.