Việt Nam đang chiến thắng đại dịch COVID-19 như thế nào?

Thứ sáu, 10/04/2020 18:03
LTS – Tuy chưa phải là chiến thắng cuối cùng, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã chia ra các giai đoạn khác nhau và đã giành thắng lợi trên từng chặng đường tính đến thời điểm này. Điều này đang được cả thế giới ca ngợi vì hệ thống y tế chưa hiện đại trong khi ngân sách eo hẹp nhưng hiệu quả phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam lại được đánh giá cao. Cùng Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đi tìm câu trả lời trong loạt bài sau đây.
leftcenterrightdel
Cuộc họp của Bộ Chính trị chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19  

 

Bài 1: Những quyết định đi vào lịch sử

Với những gì diễn ra trong 3 tháng qua và đặc biệt là những ngày gần đây cho thấy những giải pháp và chiến thuật hiệu quả của Việt Nam khi “đánh giặc” vô hình COVID-19. Nhân dân từ hoang mang lo lắng, hoảng loạn, thậm chí sợ hãi đã nhanh chóng lấy lại cân bằng và an tâm tin tưởng hơn khi chúng ta nhanh chóng khoanh vùng và cách ly những người nhiễm dịch cũng như các đối tượng nghi nhiễm. Cũng chính vì vậy, Đảng, Chính phủ đang tập hợp được sức mạnh đoàn kết của toàn dân để cùng chiến đấu với giặc COVID-19.

Chống dịch như chống giặc

Sau 45 năm đất nước hòa bình lập lại, Đảng, Chính phủ ta lại mới dùng những từ “chống giặc” trong những văn bản chỉ đạo chính thức của mình.

Ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở nước ta được phát hiện vào ngày 23/1/2020 (29 Tết). Với sự nhạy bén trong phân tích, nhận định tình hình, ngay trong thời điểm toàn dân vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xác định được tính chất nguy hiểm, phức tạp của tình hình. Chiều mùng 3 Tết, Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ, chính thức phát động toàn dân “chống dịch như chống giặc”. Trận chiến với “giặc COVID-19” đã khởi đầu như vậy, với tâm thế chủ động trên tinh thần không quá lo lắng nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Đã “chống giặc” là phải có chiến thuật, chiến lược và chuẩn bị mọi lực lượng cần thiết cho các “trận đánh”.

Chỉ ít ngày sau đó, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Corona (hay còn gọi COVID-19; SARS-CoV-2) gây ra đã xảy ra tại Trung Quốc, lây lan ra 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày 29/01, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành công văn hỏa tốc gửi các tỉnh uỷ, thành uỷ; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương; các đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra; trong đó nêu rõ: Xác định công tác phòng, chống dịch do chủng mới Corona là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành đề ra, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức đại hội đảng các cấp thành công.

Ban Bí thư yêu cầu người đứng đầu cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ cho nhân dân; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm tại chỗ: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.

Ban Bí thư cũng yêu cầu xây dựng các phương án phòng, chống theo từng cấp độ lây lan dịch, thực hiện triệt để, tuân thủ các biện pháp dự phòng, cách ly theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, các hội nghị, hội thảo để tập trung (ưu tiên cao nhất) phòng, chống dịch…

leftcenterrightdel
Chính phủ liên tục có những cuộc họp để chỉ đạo, điều hành những việc cấp bách liên quan đến COVID-19  

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg, về việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; trong đó nêu rõ: Các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không để dịch lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”. Huy động cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch này gây ra.

Lúc này, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ theo nhiệm vụ của mình thực hiện nghiêm túc những giải pháp ngăn ngừa dịch lây lan vào trong nước. Trong đó, Bộ Y tế là chủ lực thường trực trong công tác phòng, chống dịch. Bộ Quốc phòng phối hợp với ngành y tế thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch tại cửa khẩu, chia sẻ các thông tin về hành khách nhập cảnh với ngành y tế; Chỉ đạo việc cấm người qua lại các đường mòn, lối mở với Trung Quốc và kiểm soát chặt chẽ khách qua lại các cửa khẩu khác; Chuẩn bị sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch lan rộng; Chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong các đơn vị quân đội...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh nCoV (COVID-19), chỉ đạo các công ty du lịch hủy các tour, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Việt Nam. Quản lý và theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe và khuyến nghị hạn chế di chuyển du khách Trung Quốc hiện đang ở Việt Nam. Chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ sở y tế địa phương tổ chức cách ly, quản lý du khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh.

Yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc và ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam. Triển khai thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch cho các hành khách trên các phương tiện vận tải; xem xét thực hiện việc phòng bệnh trên các chuyến bay, các phương tiện vận tải hành khách. Khuyến cáo hạn chế các chuyến bay đi, đến các khu vực đang có dịch tại Trung Quốc.

Sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu đã tạo nên tâm thế chủ động "sẵn sàng chiến đấu" như của quân đội để áp dụng trong tình huống khẩn cấp khi đất nước đang đứng trước nguy cơ và thách thức mới trong thời bình.

Lời kêu gọi hiệu triệu tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng

Ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

Những quyết định lịch sử “chống dịch như chống giặc” và Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm chúng ta nhớ lại những giai đoạn trong lịch sử đã từng có những lần đề cập tới các loại giặc mà không phải là giặc ngoại xâm. Còn nhớ, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời Kêu gọi thi đua ái quốc trước quốc dân, đồng bào. Người đã chỉ rõ “Mục đích của thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”. Xác định mục tiêu rõ ràng đó để tập trung mọi tinh thần và lực lượng, sức lực và ý trí và chúng ta đã giành chiến thắng.

Nhớ lại những tháng năm dân tộc ta bừng bừng khí thế, làm theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”. Nhưng đấy là cuộc chiến đấu mà thời đó, mỗi chúng ta nhận rõ hình hài kẻ thù là bọn đế quốc xâm lược, nên mỗi người dân đất Việt bừng bừng khí thế “cả nước ra trận”. Các chiến sĩ quân đội của chúng ta nêu khẩu hiệu: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Các trường học sơ tán về nông thôn hoặc miền núi tiếp tục những giờ lên lớp. Nhưng hôm nay, cuộc chiến đấu chống dịch COVID-19 - một kẻ thù vô hình, đã và đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo, các chuyên gia và nhà khoa học không chỉ ở nước ta mà cả thế giới vì chưa xác định được hình hài của nó. Bầu trời không có tiếng gầm rú của máy bay thù; và mặt đất không rung chuyển bởi đạn bom, không có cảnh đầu rơi máu chảy, nhưng loại virus này đang lặng lẽ hoành hành, mới chỉ vài tháng đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, tốc độ lây lan đang tăng lên chóng mặt, nguy cơ tử vong có thể là cấp số nhân, nếu chúng ta không kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhiều giải pháp hữu hiệu…

Tại nước Anh, phải đến khi ghi nhận 47.806 ca nhiễm COVID-19, với 4.934 ca tử vong (tính đến 6h sáng ngày 6/4), và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải nhập viện do tiếp tục xuất hiện các triệu chứng dai dẳng của bệnh Covid-19, khoảng 10 ngày sau khi tự cách ly tại nhà vì bị nhiễm COVID-19 thì tối 5/4, Nữ Hoàng Elizabeth đệ Nhị mới có bài phát biểu phát trên truyền hình kêu gọi người dân Anh cùng chung tay đối phó dịch COVID-19. Đây là lời kêu gọi hiệu triệu hiếm hoi lần thứ 5 của Nữ Hoàng được phát trên truyền hình trong suốt 67 năm trị vì của bà, người nắm giữ vương triều dài nhất trong lịch sử nước Anh.

Cách ly xã hội – Quyết định hợp lòng dân

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, nội dung trọng tâm là bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết.

Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được hoạt động. Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch.

Sau hơn một tuần cách ly xã hội, người dân trên mọi miền Tổ quốc đã chấp hành nghiêm. Điều quan trọng là trong thời gian này, mọi mặt đời sống của nhân dân được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương chăm lo rất chu đáo và đầy đủ. Nhân dân vẫn được đi lại, di chuyển trong các trường hợp cần thiết, hàng hóa và các nhu yếu phẩm được đảm bảo đủ yêu cầu. Các cấp độ, kịch bản luôn sẵn sàng kích hoạt trong tâm thế chủ động. Vì thế, giờ đây, câu chuyện cách ly xã hội không đơn thuần ở khía cạnh chống dịch bệnh, mà còn khẳng định tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy một cách mạnh mẽ trong lúc đất nước gặp khó khăn. Nhân dân đồng tình, đồng lòng ủng hộ Chính phủ và cùng chung niềm tin thắng “giặc” trong một ngày không xa.

leftcenterrightdel
Đến sáng ngày 10/4, cả nước đã có 144/255 ca bệnh COVID-19 được công bố khỏi bệnh  

Chiến thắng trên từng trận “đánh”

Nâng mức cảnh báo lên cao nhất “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã có những biện pháp phòng thủ tốt nhất có thể ngay từ đầu. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới ban đầu đánh giá thấp nguy cơ của COVID-19 và giờ đây đã không thể kiểm soát được tình hình lây lan, thì những biện pháp mà Việt Nam đã kịp thời triển khai cho tới nay đã đem lại kết quả cụ thể cho từng giai đoạn, từng trận “đánh”.

Trận chiến mở màn (giai đoạn 1), chúng ta đã chiến thắng, cắt đứt mạch lây lan và điều trị khỏi bệnh cho những người bị nhiễm COVID-19 trên chuyến bay đi từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc) về nước và những ca lây lan. 16 bệnh nhân và ổ dịch xã Sơn Lôi (tỉnh Vĩnh Phúc) được cánh ly, dập dịch thành công đã rút ra được những bài học đầu tiên trong công tác phòng, chống dịch. Trong khi đó, tại Trung Quốc cũng có những nỗ lực dập dịch tại ổ dịch lớn tại Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc để các nước cũng như Việt Nam có thêm những đối sách quan trọng. Theo các chuyên gia Y tế, điều quan trọng nhất là hiểu được cơ chế lây lan của loại vi-rút mới này để có biện pháp dập dịch trong điều kiện chưa tìm được ra vắc-xin chữa trị.

Bước vào giai đoạn 2, bắt đầu từ khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện (ngày 6/3), trận chiến đã trở nên khốc liệt hơn, khi lúc này dịch đã lan ra hơn 100 nước. Thấy rõ được tính chất phức tạp và nguy hiểm của sự lây lan từ nguồn lây bên ngoài về trong nước, Chính phủ đã quyết định cho cách ly toàn bộ những người trên các chuyến bay từ vùng dịch về để hạn chế tối đa nguồn lây. Nhiều điểm cách ly tập trung được hình thành, những người đi từ vùng dịch về đều được xét nghiệm sàng lọc và cách ly 14 ngày, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, có giấy chứng nhận y tế, mỗi cá nhân về địa phương và gia đình tiếp tục cách ly 14 ngày tại gia đình. Biện pháp này đã giúp ngăn chặn hiệu quả triệt để nguồn lây từ bên ngoài vào trong nước. Số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính từ các vùng dịch về được xác định rõ đi trên chuyến bay nào để từ đó có biện pháp khoanh vùng cách ly tiếp theo. Cho đến thời điểm hiện tại, việc dừng bay ở các chuyến bay quốc tế đã giúp chúng ta chặn đứng được nguồn lây từ nước ngoài để dành thời gian rà soát, phát hiện các nguồn lây trong nước hoặc nguồn lây chéo trong cộng đồng đang thấy rõ hiệu quả của nó.

Mất dấu F0, Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn 3 của đại dịch. Trận “đánh” trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, Việt Nam đã áp dụng biện pháp cao hơn để ngăn chặn dịch bệnh. Bắt đầu từ việc bùng phát các ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tại quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh) cho thấy nguồn lây đã bị mất dấu, Đảng, Nhà nước ta kích hoạt giai đoạn 3 của cuộc chiến. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ra Lời kêu gọi toàn toàn thể dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công bố dịch trên toàn quốc (ngày 1/4).

Đây là biện pháp mạnh mẽ và rất cần thiết đã được thực thi để khoanh vùng “địch”, cắt đứt mọi sự lây lan và tấn công của những “giặc COVID-19” đang lẩn khuất trong cộng đồng. Và những biện pháp này bước đầu đã phát huy tác dụng, khi một số ổ dịch bùng phát tại đâu khoanh vùng dập dịch tại đó. Sau hơn 1 tuần thực hiện, số ca nhiễm COVID-19 ở nước ta từ hai con số/ngày, giảm xuống còn 1 vài người trong 1 ngày, có ngày chỉ phát hiện 1 người cho thấy rõ hiệu quả bước đầu quả chiến lược này. Trường hợp gần đây có nguy cơ lây ra cộng đồng được xác định là bệnh nhân số 243 ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, H.Mê Linh, Hà Nội), Thành phố Hà Nội đã nhanh chóng khoanh vùng và cho cách ly toàn bộ thôn để ngăn ngừa dịch lây lan.

Sáng ngày 10/4, thông tin từ Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đã có thêm 16 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số trường hợp được điều trị khỏi tại Việt Nam lên 144/255 trường hợp. Như vậy, số ca khỏi bệnh đã chiếm đến 56,4% trong tổng số ca bệnh ở nước ta. 

Chiến thắng trong từng giai đoạn, Việt Nam đang bỏ xa các nước có cùng thời điểm phát hiện dịch bệnh. Trong khi nhiều nước có tiềm lực về kinh tế và y tế phát triển nhưng số người nhiễm bệnh và người tử vong tăng cao, nhảy vọt qua cả nước phát hiện đầu tiên là Trung Quốc, thì Việt Nam đã và đang kiềm chế được mức lây lan tốt nhất trong điều kiện có thể và chưa ghi nhận ca tử vong. Điều đó khiến cả thế giới đang kinh ngạc, dư luận quốc tế trong 1 tuần gần đây đánh giá cao kết quả kiềm chế dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam. Các báo quốc tế lần lượt phân tích những chiến lược của Việt Nam trong cuộc chiến chống "giặc COVID-19".

Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Việt Nam đang được nhắc tới như một ví dụ điển hình về năng lực trong kiểm soát tốt đại dịch với nguồn lực hạn chế: “Tập trung vào kiểm dịch, cách ly với những khu vực có nguy cơ lây nhiễm và tìm những người có khả năng bị lây nhiễm để cách li là những giải pháp phù hợp và hiệu quả. Đó cũng là đánh giá gần đây trên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và nhìn nhận chung của cộng đồng quốc tế về Việt Nam”.

“Khi đại dịch chuyển sang một giai đoạn mới, thách thức và cam go hơn thì vai trò tiên phong của Đảng và sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân là những yếu tố quyết định thành công", GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phân tích. “Chúng ta không chủ quan và đồng lòng thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Chính phủ thì sẽ sớm chiến thắng trong cuộc chiến lần này vì sức khoẻ, an toàn và hạnh phúc của người dân”.

Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản để ứng phó với các cấp độ khác nhau, chúng ta có quyền hy vọng tới một ngày mai hoàn toàn đại thắng. Bình tĩnh, tự tin, lạc quan để chiến đấu với “giặc COVID-19”, nhưng chúng ta không thể chủ quan khi trên thế giới, dịch này còn đang diễn biến phức tạp!

                                                               (Còn nữa) -  Bài 2: Những hy sinh thầm lặng trong trận chiến chống dịch

Nhóm PV Xây dựng Đảng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực