Nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia đoàn kết, hữu nghị, tương trợ lẫn nhau

Thứ năm, 28/11/2024 10:33
(ĐCSVN) - Việt Nam có 10 tỉnh giáp biên giới với 9 tỉnh của Campuchia. Trên nền tảng quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện. Tình hữu nghị láng giềng của nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia không chỉ dừng lại giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, đó còn là sự đồng cảm, sẻ chia của những người lính biên phòng Việt Nam dành cho bà con nhân dân nước bạn CPC bằng những hành động việc làm cụ thể như khám bệnh, cấp thuốc tặng quà.
 Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam chào xã giao Đại tướng Pol Saroeun, Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia (01/2016).

Nhân chuyến thăm của Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 28 đến 29/11/2024, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc trao đổi với Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh, nguyên Trưởng Ban nghiên cứu quốc tế, Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết mối quan hệ giữa nhân dân khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia thời gian vừa qua?

Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh: Thời gian qua, hoạt động giao lưu nhân dân khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia được lãnh đạo, chính quyền các địa phương, nhất là các lực lượng chức năng quản lý bảo vệ biên giới hai nước quan tâm thúc đẩy. Nhân dân hai bên biên giới thường xuyên duy trì mối quan hệ đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống; đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp đỡ nhau trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng quản lý bảo vệ biên giới hai nước đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các hiệp định, hiệp ước về quy chế biên giới; phối hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ đường biên, cột mốc; đẩy mạnh xây dựng điểm sáng văn hóa trên tuyến biên giới, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm gắn kết hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai bên biên giới. Từ đó, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, cụm dân cư bình yên, gia đình hạnh phúc.

Đặc biệt, trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19, các lực lượng chức năng và nhân dân hai nước đã tích cực chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau về vật chất cũng như tinh thần góp phần đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời, chủ động phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân; khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội...

Phóng viên: Trong mối quan hệ láng giềng khu vực biên giới giữa Việt Nam - Campuchia đã từng có những nốt thăng trầm nhưng vượt lên tất cả vẫn là tình hữu nghị, theo ông đâu là mấu chốt để giữ gìn được mối quan hệ tốt đẹp đó?

 Trao đổi giữa Đoàn đại biểu Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quân sự, Quân đội Hoàng gia Campuchia với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Đà Nẵng (07/2016).

Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh: Cho dù phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng hai nước Việt Nam - Campuchia vẫn giữ được mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Có được kết quả tốt đẹp đó là nhờ quan hệ giữa hai nước được xây dựng trên nền tảng của một số yếu tố sau:

Một là, yếu tố địa - chiến lược: Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc vùng hạ lưu sông Mê Công, có vị trí địa - chiến lược quan trọng, là tâm điểm kết nối khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Do đặc điểm địa lý thuận lợi, nên giao lưu giữa hai nước rất dễ dàng, là điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại trao đổi hàng hóa và làm ăn với nhau.

Hai là, các yếu tố lịch sử, văn hoá, dân tộc: Hai nước có cùng nền văn hóa lúa nước lâu đời ở Đông Nam Á, với nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (2/1930) đến nay, mối quan hệ giữa hai nước đã trải qua các giai đoạn lịch sử quan trọng. Nhân dân hai nước luôn đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đặc biệt, Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot (ngày 7/01/1979), hồi sinh đất nước. Ngày nay, quan hệ giữa hai nước chuyển sang thời kỳ mới, nhưng quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước vẫn được duy trì trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước.

Ba là, phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước vừa là nhu cầu, mang lại những tác động tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, vừa giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập khu vực và quốc tế; tạo thế cho hai nước trong quan hệ với các đối tác quan trọng khác.

Bốn là, quan hệ tốt đẹp giữa hai nước là minh chứng cho chủ trương đúng đắn về phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, cũng như chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Đảng và Nhà nước Campuchia trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Học viên Lớp tập huấn Nghiên cứu chiến lược quân sự, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quân sự Quân đội Hoàng gia Campuchia tại Đoàn 871 (7/2017). 

Phóng viên: Nhân dân biên giới 2 quốc gia cùng chung tay bảo vệ an ninh biên giới đã và đang được thực hiện thế nào thưa ông?

Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh: Chung tay bảo vệ an ninh biên giới có thể được coi là một điểm sáng, thể hiện qua việc nhân dân hai nước nghiêm túc thực hiện các hiệp định, hiệp ước về quy chế biên giới đã ký kết giữa hai nước và cùng nhau bảo vệ đường biên, mốc quốc giới chung; không qua lại biên giới trái pháp luật, không xâm canh, xâm cư, không làm hư hỏng, xê dịch hệ thống cột mốc, cọc dấu, dấu hiệu đường biên giới quốc gia, không làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới, không thải các chất gây ô nhiễm môi trường sinh thái và phối hợp phòng, chống các loại tội phạm trên biên giới; hỗ trợ giúp nhau trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trao đổi hàng hóa phục vụ sinh hoạt, sản xuất...

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong trao đổi thông tin, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm ở khu vực biên giới hai nước; chủ động phối hợp chặt chẽ giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống các loại tội phạm, phối hợp kịp thời ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá, chia rẽ mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Phóng viên: Để tiếp tục gìn giữ và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân biên giới 2 nước Việt Nam - Campuchia, theo ông cần làm gì để mối quan hệ này ngày càng nồng thắm?

Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh: Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và tình hình mỗi nước có nhiều thay đổi, nhất quan hệ giữa hai nước chịu tác động của các nhân tố bên ngoài, để tiếp tục gìn giữ và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân biên giới hai nước, cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước và hai dân tộc. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân và thế hệ trẻ hai nước hiểu rõ và hiểu đúng hơn về lịch sử quan hệ giữa hai nước.

Hai là, đẩy mạnh phối hợp đấu tranh làm thất bại âm mưu chia rẽ quan hệ hai nước của các thế lực thù địch, phản động. Chủ động, phát hiện đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, kích động tư tưởng dân tộc, cực đoan, hẹp hòi của các phần tử phản động; xây dựng, phát triển và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc, tôn giáo hai nước thành khối đại đoàn kết vững mạnh, ổn định lâu dài.  

Ba là, đẩy mạnh công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống thách thức an ninh phi truyền thống giữa hai nước. Thực tế những năm qua cho thấy, thách thức an ninh phi truyền thống như: Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn biến rất phức tạp; hoạt động tội phạm xuyên quốc gia với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt tác động đến ổn định chính trị, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong khi hợp tác trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống giữa hai nước có mặt chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng, phát triển của mỗi nước. Vì vậy, trong thời gian tới, hai nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống thách thức an ninh phi truyền thống, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển giữa hai nước.

Phóng viên: Xin cảm ơn Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh đã có trao đổi!

KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực