Sign In

Sáp nhập đơn vị hành chính - Quyết tâm lớn,  hành động quyết liệt, đảm bảo hiệu quả

11:05 20/03/2025

Chủ trương lớn, quyết tâm cao, hành động ngay

Chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện không còn là vấn đề cần tranh luận, mà đã trở thành mệnh lệnh cải cách cấp bách. Với các Kết luận 126-KL/TW, 127-KL/TW, 128-KL/TW của Bộ Chính trị, cùng với quyết định của Bộ Chính trị ngày 14/3/2025, Đảng, Nhà nước đã xác định rõ lộ trình cải tổ bộ máy hành chính một cách triệt để, hướng tới một mô hình quản lý tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Quốc hội sẽ sửa Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các Luật liên quan để hoàn thiện cơ sở pháp lý, việc còn lại là triển khai thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả, không chần chừ, không bàn lùi.

Đây không chỉ là một cuộc tinh giản về mặt tổ chức, mà là một cuộc đổi mới toàn diện tư duy quản trị, hướng tới một bộ máy linh hoạt, hiệu lực hơn, hoạt động vì dân, vì doanh nghiệp. Việc sáp nhập sẽ giúp giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm ngân sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng nếu không triển khai tốt, quá trình thực hiện có thể gặp vướng mắc, gây gián đoạn, tạo tâm lý hoang mang trong bộ máy và xã hội. Muốn thành công, cần phải quyết liệt hành động, giải quyết ngay các vấn đề then chốt để bảo đảm việc triển khai nhanh, gọn, hiệu quả, không gây xáo trộn lớn.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính cấp huyện; sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh

 

Những vấn đề lớn và giải pháp thực hiện nhanh, hiệu quả

Bỏ cấp huyện - Cách tổ chức bộ máy phải đảm bảo thông suốt ngay từ đầu

Bỏ cấp huyện đồng nghĩa với việc chuyển toàn bộ chức năng quản lý của huyện về cấp tỉnh và cấp xã, trong khi bộ máy cấp xã hiện nay chưa đủ năng lực để gánh vác khối lượng công việc lớn hơn. Nếu không có sự tổ chức lại ngay từ đầu, việc điều hành sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Do đó, cần xây dựng ngay cơ chế phân quyền cụ thể, cấp xã được giao rõ những gì phải làm, tỉnh chịu trách nhiệm những gì, không chờ sửa luật mới triển khai. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh phải có phương án tiếp nhận ngay những nhiệm vụ từ cấp huyện, không để xảy ra tình trạng người dân đi làm thủ tục mà bị ách tắc vì chưa rõ cơ quan nào giải quyết. Đồng thời, công nghệ số phải được ứng dụng mạnh mẽ, giảm thiểu sự lệ thuộc vào địa giới hành chính cũ. Việc sáp nhập không thể ảnh hưởng đến tốc độ xử lý công việc của chính quyền và các địa phương cần thực hiện ngay việc chuẩn hóa quy trình vận hành mới, đảm bảo bộ máy hoạt động trơn tru ngay từ ngày đầu tiên khi bỏ cấp huyện.

Giải quyết ngay bài toán nhân sự - Không để xảy ra tâm lý trì hoãn, chờ đợi

Việc bỏ cấp huyện và sáp nhập xã chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng dôi dư cán bộ, công chức. Nếu không xử lý dứt điểm, bộ máy sẽ rơi vào trạng thái “để đấy” mà không ai dám động vào, làm chậm tiến độ chung. Do đó, các địa phương phải hoàn thành việc rà soát nhân sự ngay trong quý II/2025, lập danh sách bố trí lại hoặc tinh giản biên chế ngay trong năm, không để kéo dài. Những cán bộ có năng lực có thể được điều chuyển xuống cấp xã hoặc lên tỉnh, tùy theo nhu cầu công việc. Chính sách nghỉ hưu sớm, chuyển đổi vị trí công tác hoặc hỗ trợ tài chính phải được thực hiện ngay để cán bộ yên tâm, không để xảy ra tâm lý lo lắng, chần chừ. Song song đó, cán bộ cấp xã phải được đào tạo lại ngay lập tức để đáp ứng khối lượng công việc lớn hơn, không có chuyện “chờ từ từ rồi bồi dưỡng sau”. Việc đào tạo phải được triển khai theo phương thức thực tế, hiệu quả, không hình thức. Mọi địa phương phải có báo cáo tiến độ sắp xếp nhân sự hằng tháng, để tránh tình trạng chậm trễ, né tránh trách nhiệm.

Bảo đảm thủ tục hành chính không gián đoạn, không gây phiền hà cho dân

Một trong những mối lo ngại lớn nhất khi sáp nhập là thủ tục hành chính bị gián đoạn, người dân phải đi xa hơn, doanh nghiệp bị ách tắc hồ sơ. Nếu không làm tốt, quá trình cải cách có thể bị hiểu sai, gây tâm lý hoang mang trong xã hội. Để tránh tình trạng này, cần duy trì hoạt động của bộ máy chính quyền cấp huyện trong thời gian chuyển tiếp dưới sự chỉ đạo của tỉnh, đảm bảo người dân vẫn có thể giải quyết thủ tục bình thường, không có khoảng trống hành chính. Đồng thời, các địa phương phải đẩy nhanh số hóa dữ liệu, đảm bảo mọi thủ tục hành chính có thể giải quyết trực tuyến, tránh để người dân phải di chuyển nhiều hơn. Đến cuối năm 2025, chính quyền điện tử phải trở thành kênh giao dịch chính thay vì phương thức truyền thống. Ngoài ra, các tỉnh nên cân nhắc thành lập tổ công tác đặc biệt để giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính trong quá trình chuyển đổi, xử lý ngay mọi vướng mắc phát sinh, không để người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Ổn định phát triển kinh tế - xã hội ngay sau sáp nhập

Việc sáp nhập không thể làm xáo trộn chính sách phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, quản lý ngân sách. Nếu để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lo lắng, ngân sách bị xáo trộn, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền. Do đó, các tỉnh phải đảm bảo duy trì ổn định mọi chính sách thu hút đầu tư, thuế, đất đai trong ít nhất 3 năm sau sáp nhập, tránh thay đổi đột ngột làm mất niềm tin của doanh nghiệp. Đồng thời, cần công bố ngay kế hoạch phân bổ ngân sách hợp lý, đảm bảo các địa phương sau sáp nhập vẫn có nguồn lực để duy trì hoạt động, không xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Ngoài ra, quy hoạch phát triển kinh tế vùng cũng phải được điều chỉnh để phù hợp với quy mô mới, tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương sáp nhập để tạo sức mạnh phát triển chung.

Đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức và sự phát triển bền vững

Khi sáp nhập đơn vị hành chính, một trong những thay đổi lớn mà cán bộ, công chức phải đối mặt chính là địa điểm làm việc, đi lại và điều kiện sinh hoạt. Việc di chuyển trung tâm hành chính có thể dẫn đến nhiều cán bộ, công chức phải làm việc xa nơi ở hiện tại, thậm chí phải chuyển gia đình đến nơi khác. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, điều này có thể gây ra tâm lý lo lắng, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác, thậm chí dẫn đến tình trạng chảy máu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chính quyền các địa phương cần chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức một cách hợp lý và nhân văn, giúp họ yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến. Thứ nhất, cần cân nhắc chính sách hỗ trợ chỗ ở hợp lý, có thể theo hình thức nhà công vụ hoặc hỗ trợ chi phí thuê nhà cho những cán bộ phải di chuyển xa. Thứ hai, cân nhắc đảm bảo điều kiện đi lại thuận lợi, bằng cách bố trí phương tiện công vụ hoặc có chính sách hỗ trợ chi phí đi lại để cán bộ, công chức không bị áp lực tài chính khi phải làm việc ở trung tâm hành chính mới. Thứ ba, quan tâm đến việc sắp xếp gia đình cho cán bộ, đặc biệt là việc học hành của con cái, việc làm cho người thân khi phải chuyển đến nơi làm việc mới.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các địa phương xây dựng cơ chế thu hút và giữ chân nhân tài trong hệ thống hành chính. Khi tổ chức lại bộ máy, cần có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với những cán bộ, công chức có năng lực, đồng thời mở rộng cơ hội phát triển sự nghiệp, tạo điều kiện cho họ đóng góp lâu dài. Các địa phương có thể xem xét chính sách hỗ trợ tài chính, nâng cao thu nhập, tăng cường phúc lợi để đảm bảo sự gắn kết lâu dài của đội ngũ cán bộ, công chức.

Cán bộ, công chức chính là những người trực tiếp vận hành nền hành chính quốc gia, sự ổn định của họ chính là sự ổn định của bộ máy nhà nước. Chỉ khi họ có điều kiện làm việc tốt, có chỗ ở ổn định, được quan tâm đúng mức, họ mới có thể toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hành chính, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, mỗi địa phương phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không để bất cứ cán bộ nào cảm thấy bị bỏ lại trong quá trình sáp nhập. Sự quan tâm này không chỉ thể hiện trách nhiệm của chính quyền, mà còn là cách để xây dựng một nền hành chính mạnh mẽ, nhân văn và hiệu quả hơn trong giai đoạn phát triển mới.

Hành động ngay, không bàn lùi, không chần chừ

Sáp nhập đơn vị hành chính không còn là một đề xuất mà là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện ngay. Trung ương đã quyết, hệ thống pháp luật sẽ được điều chỉnh và bây giờ là lúc các địa phương bắt tay vào làm ngay, không trì hoãn, không né tránh trách nhiệm. Việc thực hiện phải nhanh nhưng chắc chắn, hiệu quả, không để xảy ra lúng túng, không để người dân và doanh nghiệp chịu thiệt.

Cơ hội lớn để tái thiết hệ thống hành chính đang ở trước mắt. Nếu làm đúng, đây sẽ là một cuộc cải cách mang ý nghĩa lịch sử, đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới với một bộ máy quản lý hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn bao giờ hết. Không có chỗ cho sự chậm trễ. Phải làm ngay. Phải làm nhanh. Phải làm thành công.

  TS. Châu Vũ 

Tag:

File đính kèm