Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm khảo sát tình hình triển khai dự án cầu Mỏ Cày. (Ảnh: Phạm Hân)
Theo chương trình công tác, đoàn đã đến thăm hai hộ gia đình trong vùng dự án, trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Tại mỗi điểm đến, đoàn ân cần thăm hỏi tình hình tái định cư, chia sẻ những khó khăn mà các hộ đang gặp phải và ghi nhận những băn khoăn về chính sách bồi thường, hỗ trợ. Sau đó, đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện và địa phương có liên quan. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Nhạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Hưng.
Dự án cầu Mỏ Cày thuộc Dự án Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia – giai đoạn 1 (khu vực phía Nam), với tổng mức đầu tư trên 2.155,9 tỷ đồng. Riêng chi phí xây dựng cầu Mỏ Cày là hơn 194 tỷ đồng. Dự án cầu Mỏ Cày khởi công từ ngày 19/3/2024, hiện đã hoàn thành hai trụ cầu dưới nước (T5, T6) và đang thi công đường dẫn vào cầu, mố cầu phía xã Tân Hội.
Tiểu dự án giải phóng mặt bằng cầu Mỏ Cày do Ban Quản lý dự án huyện Mỏ Cày Nam làm chủ đầu tư, với tổng dự toán trên 139 tỷ đồng. Đến nay, đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với tổng số tiền trên 86,38 tỷ đồng (liên quan đến 105 hộ và 01 tổ chức), đã chi trả cho 102 hộ và 01 tổ chức, đạt 96% (còn 03 hộ chưa chi trả, lý do hộ dân đang làm thủ tục như giấy ủy quyền, vướng tranh chấp). Diện tích mặt bằng đã bàn giao đạt 75,8%.
Đoàn công tác đến thăm hộ ông Đặng Ngọc Hiền (thị trấn Mỏ Cày) nằm trong vùng dự án. (Ảnh: Phạm Hân)
Tuy nhiên, vẫn còn 04 hộ dân chưa đồng thuận do vướng mắc về giá bồi thường đất, nhà ở và các chính sách hỗ trợ. Huyện ủy Mỏ Cày Nam đã thành lập Tổ tuyên truyền, vận động để tháo gỡ khó khăn, đồng thời chỉ đạo UBND huyện hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhằm đảm bảo tiến độ dự án.
Ban Thường vụ Huyện ủy Mỏ Cày Nam cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp với các giải pháp hỗ trợ phù hợp để hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công, góp phần phát triển hạ tầng giao thông của địa phương.
Sau khi khảo sát thực tế và trao đổi với lãnh đạo địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh nhấn mạnh sự cần thiết của việc đảm bảo quyền lợi cho người dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Đối với trường hợp hộ dân bị giải toả đền bù nhưng diện tích còn lại không đủ tối thiểu để làm đất ở, nên xem xét, hỗ trợ cho người dân tái định cư. Bên cạnh đó, cần xem xét lại cách tính toán diện tích đất nông nghiệp và đất ở để đảm bảo công bằng, minh bạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với huyện kiểm tra thực tế, đề xuất hướng giải quyết cụ thể cho từng trường hợp. Riêng vấn đề chi phí giải phóng mặt bằng, Sở Tài chính cần khẩn trương rà soát và sớm phản hồi để hỗ trợ người dân, đảm bảo tiến độ dự án.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Phạm Hân)
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, với kết quả đạt được tương đối khả quan.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành và địa phương tiếp tục tập trung cao độ, linh hoạt và sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động để thuyết phục, hỗ trợ 4 hộ dân còn lại, đồng thời phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu các đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với địa phương, sẵn sàng triển khai ngay khi được bàn giao mặt bằng, tránh để chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ông Trần Thanh Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 30/4, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Bộ Xây dựng có thể triển khai thi công các công trình giao thông quan trọng khác trên địa bàn tỉnh thời gian tới.