Sign In

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng tỉnh Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo

22:21 02/04/2025
Ngày 28/2/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về xây dựng tỉnh Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.


Thành phố Hoa Lư là hạt nhân của đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Ảnh: Mai Lan

Tỉnh Ninh Bình nằm ở phía Đông Nam đồng bằng Bắc Bộ, một giao điểm trọng yếu có vai trò kết nối giữa vùng Bắc Trung Bộ với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, giữa vùng Tây Bắc với phía Nam hành lang kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ; là Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt vào thế kỷ thứ X, sở hữu di sản lịch sử - văn hóa đồ sộ, phong phú, đặc sắc, chứa đựng những giá trị độc đáo, chồng xếp nhiều tầng văn hóa kéo dài hàng thiên niên kỷ, hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng. Vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, nguồn lực nhân văn của Ninh Bình chứa đựng những giá trị độc đáo, tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Trong nhiều nhiệm kỳ qua, tỉnh Ninh Bình luôn kiên định chiến lược phát triển xanh, hài hoà, bền vững dựa vào tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, nhất là tài nguyên văn hóa, nguồn lực nhân văn và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Với tinh thần đổi mới sáng tạo, tỉnh Ninh Bình đã tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố; định hình ngày càng rõ nét chức năng một trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, công nghiệp chế biến rau quả của vùng và đất nước; từng bước khẳng định vai trò một trung tâm tổ chức sự kiện, đổi mới sáng tạo ngoài trời, cung ứng dịch vụ sinh thái của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa mức sống và chất lượng sống người dân nông thôn tiệm cận khu vực đô thị; tốc độ đô thị hóa diễn ra khá mạnh mẽ, tạo tiền đề, nền tảng và động lực cơ cấu lại tính chất, chức năng lãnh thổ giữa các vùng, nâng cao vị thế, giá trị thương hiệu địa phương.

Tuy nhiên, tỉnh Ninh Bình còn thiếu tầm nhìn phát triển đô thị; chưa xác định được phương thức phát triển đô thị phù hợp bảo đảm phát huy cao nhất những tiềm năng khác biệt, giá trị độc đáo, lợi thế cạnh tranh; còn lúng túng trong xử lý mối quan hệ giữa kiến tạo phong cách đô thị cảnh quan văn hóa trên nền đô thị di sản Cố đô với xu hướng phát triển đô thị công nghiệp, giữa đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới. Tình trạng đô thị hóa tự phát, quản lý đô thị thiếu bài bản, chưa bám sát các tiêu chí phát triển đô thị di sản, đô thị cảnh quan văn hóa, đô thị sinh thái… Hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trước hết là các nguyên nhân chủ quan: chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong việc phát triển đô thị và định hướng xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương; chưa nhận thức đầy đủ và thiếu bộ tiêu chí về đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo… để làm công cụ quản lý; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn, phục dựng, phục hồi, phát huy giá trị di sản vùng đất Cố đô Hoa Lư; hệ thống các quy hoạch đô thị và nông thôn chậm được rà soát, điều chỉnh các tiêu chí đưa Ninh Bình trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp.

Trên nền tảng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới, để phát huy những tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng đất Cố đô Hoa Lư cần phải có nhận thức và chủ trương mới về phát triển đô thị và nông thôn được đặt trong tầm nhìn đưa tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí, năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

Quan điểm

1.1. Xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo là quy luật tất yếu nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân; không ngừng nâng cao vị thế, thương hiệu địa phương, khẳng định bản sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư; xác lập vai trò một trung tâm chuyên ngành quan trọng của vùng, đất nước trên những lĩnh vực có tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

1.2. Khai thác, phát huy đầy đủ mọi tiềm năng, thế mạnh, kết hợp giữa giải phóng tối đa mọi nguồn lực địa phương với tranh thủ sự giúp đỡ của cả nước, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt, nguồn lực xã hội làm đột phá. Thúc đẩy các cơ chế vượt trội cho phép huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và nông thôn. Tăng cường tính kết nối giữa các loại nguồn lực, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư chiến lược, áp dụng mạnh mẽ các hình thức đầu tư theo đối tác công tư (PPP).

1.3. Bảo đảm tính đồng bộ giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa; giữa kiến tạo phong cách đô thị cảnh quan văn hóa và kiểm soát xu hướng phát triển đô thị công nghiệp; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, giữa hiện đại hóa và bảo tồn di sản; mở rộng không gian phát triển thông qua liên kết vùng, hợp tác liên vùng, phát triển ra hướng biển, lấn biển, phát triển kinh tế biển. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh - quốc phòng, phát triển văn hóa - xã hội, tính bền vững của di sản, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.

1.4. Tập trung xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp cơ khí ô tô, du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, chế biến rau quả, hậu cần sinh thái và một số lĩnh vực công nghệ mới nổi. Thiết kế đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh, kết nối, mang bản sắc địa phương, từ các hạ tầng chiến lược (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ, hạ tầng đô thị, hạ tầng xanh), kiến trúc - cảnh quan đến hệ sinh thái dân sinh… đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

1.5. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý của chính quyền; phát huy tính tích cực, năng động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, phối hợp đồng bộ giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý và phát triển đô thị và nông thôn.

Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí, năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; là thành phố du lịch quốc tế, một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa - giải trí của vùng, quốc gia, hội nhập quốc tế, cùng với du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn; một trung tâm quan trọng của đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; một trung tâm đổi mới sáng tạo, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng Sông Hồng, hình mẫu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hướng vào chất lượng phát triển. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, kinh tế phát triển, xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, bản sắc vùng đất Cố đô Hoa Lư được gìn giữ và phát huy.

2.2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

Đến năm 2030:

+ Tỉnh Ninh Bình cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I; trong đó, toàn tỉnh có 17 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (thành phố Hoa Lư), 1 đô thị loại II (thành phố Tam Điệp), 5 đô thị loại IV (các huyện: Gia Viễn, Kim Sơn, Nho Quan và các thị trấn mở rộng: Yên Ninh, Yên Thịnh); 10 đô thị loại V. Phấn đấu trước năm 2030 hình thành các thị xã Kim Sơn, Gia Viễn, Nho Quan. Tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 75%; hoàn thành và đưa vào khai thác 01 đến 03 khu đô thị chức năng hiện đại, mang đậm bản sắc đô thị di sản; hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng ít nhất 3.100 căn nhà ở xã hội.

+ Tổng sản phẩm (GRDP) giai đoạn 2025 - 2030 tăng trưởng bình quân đạt 11,5%/năm; trong đó, tỷ trọng giá trị tăng thêm trong tổng sản phẩm (GRDP) của kinh tế số đạt 30%, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí đạt trên 10%. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 200 triệu đồng; tỷ trọng ngành Công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đạt trên 95%.

+ Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 23.500 tỷ đồng trở lên.

+ Phấn đấu là một trong 10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước và là một trong 15 tỉnh, thành phố có chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) cao nhất cả nước.

+ Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học: Mầm non đạt 100%, Tiểu học (mức độ 2) đạt 90%, Trung học cơ sở đạt 100%, Trung học phổ thông đạt 100%. Có 15 bác sỹ, 45 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi đến năm 2030 đạt dưới 15%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,5% dân số. Tỷ lệ người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử trên hệ thống phần mềm y tế cơ sở đạt 98%.

+ Số hộ nghèo của toàn tỉnh giảm 2/3 so với năm đầu kỳ (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2026-2030); tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định mức dưới 2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 78% - 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 38% - 40%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực thành thị đạt 90%.

+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn đạt 90%; 100% số khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Phấn đấu trước năm 2035, tỉnh Ninh Bình đạt tiêu chí đô thị loại I; trong đó, toàn tỉnh có 1 thành phố (Hoa Lư), 1 quận (Tam Điệp), 3 thị xã (Gia Viễn, Nho Quan, Kim Sơn) và 2 huyện (Yên Mô, Yên Khánh).

Đến năm 2035, Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Thống nhất nhận thức về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo

- Thống nhất nhận thức trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về xu hướng tất yếu của đô thị hoá và việc xây dựng Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Đây là xu hướng khách quan dựa trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư.

- Đột phá tư duy phát triển về loại hình đô thị di sản Cố đô gắn với hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa kiến tạo phong cách đô thị cảnh quan văn hóa và kiểm soát xu hướng phát triển đô thị công nghiệp, giữa khẳng định bản sắc đô thị di sản Cố đô với cập nhật tính hiện đại, giữa quản trị địa phương và quản trị vùng, giữa tốc độ đô thị hóa và phân bố đô thị chức năng hợp lý trong tổ chức lãnh thổ vùng và liên vùng. Định hình tư duy quản trị và phát triển địa phương trên cơ sở phát huy nguồn lực, sức mạnh văn hóa, con người, giá trị cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

2. Quy hoạch, phân bố và tổ chức không gian phát triển thành phố trực thuộc Trung ương mang đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo

- Tổ chức lập đồng bộ các quy hoạch, tăng cường quản lý và thực hiện theo quy hoạch. Phát triển nông thôn - đô thị hòa hợp, lấy đô thị làm động lực cho xây dựng nông thôn mới, lấy xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu làm cơ sở kiến tạo đô thị cảnh quan văn hoá, hình thành những “bảo tàng sống” nông nghiệp-nông thôn, tạo nên những không gian “xanh” chuyển tiếp giữa các đô thị. Mở rộng mạng lưới đô thị hợp lý trên nền tảng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, kết nối. Lấy đô thị di sản trung tâm làm động lực, lấy đô thị vệ tinh hỗ trợ, đóng vai trò “giải nén” cho đô thị di sản.

- Tổ chức lãnh thổ đô thị tỉnh Ninh Bình bám sát đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Kết hợp giữa tính hiện đại và khẳng định bản sắc địa phương trong tổ chức không gian và thiết kế kiến trúc đô thị, tạo nên các điểm nhấn nghệ thuật thị giác mang phong cách đô thị cảnh quan văn hóa. Phát huy giá trị truyền thống nông thôn đồng bằng Bắc Bộ trong xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, thể hiện trong kiến trúc - cảnh quan, văn hóa sản xuất, văn hóa sinh hoạt.

- Tổ chức không gian phát triển thành phố trực thuộc Trung ương với khu vực đô thị trung tâm - thành phố Hoa Lư đóng vai trò hạt nhân. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển đô thị hiện đại với kiến tạo đô thị cảnh quan văn hóa, lấy ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm đột phá, lấy phục hồi, bảo tồn di sản làm giá trị cốt lõi. Phát triển các đô thị chức năng thực hiện vai trò một thành phố du lịch quốc tế, một trung tâm chuyên ngành của vùng, quốc gia, hội nhập quốc tế về công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, cơ khí ô tô, đổi mới sáng tạo (đô thị hành chính, đô thị thương mại - dịch vụ tổng hợp, đô thị du lịch, đô thị điện ảnh, đô thị thể thao, đô thị công nghệ và đổi mới sáng tạo, đô thị quần cư hiện đại và quần cư di sản gắn với hệ sinh thái dân sinh..). Tập trung xây dựng thành phố Hoa Lư theo phong cách đô thị cảnh quan văn hóa, công viên đổi mới sáng tạo ngoài trời gắn với phục dựng, tái hiện quần cư di sản, phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa - giải trí. Thành phố Tam Điệp và thị xã Gia Viễn là khu vực đô thị đóng vai trò trung tâm công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao tạo động lực kinh tế, trước hết là công nghiệp cơ khí ô tô, các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến rau quả; đồng thời phát triển hệ thống logistics gắn với phát huy giá trị cảnh quan đặc trưng (đầm Vân Long, phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, Kênh Gà...). Xây dựng thị xã Nho Quan là trung tâm kinh tế phía Tây Bắc có tính hỗn hợp, phát huy lợi thế các khu du lịch truyền thống Vườn Quốc gia Cúc Phương, phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng gắn với hồ Đồng Chương, hồ Yên Quang...; xây dựng nông thôn mới bền vững, phát triển công nghiệp dựa trên điều kiện thuận lợi về giao thông. Định hướng thị xã Kim Sơn là trung tâm kinh tế phía Nam của Ninh Bình, bảo đảm tính đồng bộ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, xây dựng không gian kinh tế ven biển, chú trọng khai thác có hiệu quả khu vực Cồn Nổi và Cồn Mờ gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của tỉnh.

- Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng, làm nền tảng kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo và cơ cấu xã hội tiến bộ cho xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các ngành có tiềm năng nổi trội như: du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, kinh tế sáng tạo... Rà soát cơ sở chính trị - pháp lý về thành phố trực thuộc Trung ương, tiêu chí phân loại đô thị di sản Cố đô theo quy định để hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành, xây dựng đồng bộ hạ tầng đô thị, gia tăng quy mô dân số gắn với tổ chức lại dân cư phù hợp từng phân khu chức năng, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình.

3. Phát triển kinh tế xanh, sáng tạo, hiện đại; xác lập vị thế, vai trò một thành phố du lịch quốc tế, một trung tâm chuyên ngành quan trọng của vùng, đất nước và hội nhập quốc tế trên những lĩnh vực có tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh

- Tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thúc đẩy chuyển dịch các ngành kinh tế theo hướng “xanh, sáng tạo, hiện đại”, dựa trên “Ba nền tảng” (Giá trị văn hóa - thiên nhiên - con người vùng đất Cố đô Hoa Lư; Hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, thông minh, kết nối; Thể chế quản trị địa phương hiện đại) và “Bốn trụ cột” kinh tế (lấy du lịch, công nghiệp văn hóa - giải trí làm cụm ngành kinh tế mũi nhọn; lấy công nghiệp công nghệ cao làm động lực, trụ cột là công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại; lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số làm đột phá; lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ). Định hình cơ cấu kinh tế hiện đại, hiệu quả gắn với những sản phẩm chủ lực mang thương hiệu địa phương, có năng lực cạnh tranh cao, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực; khởi tạo khu vực kinh tế mới nổi như công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; nghiên cứu thúc đẩy các dự án xây dựng đô thị thông minh.

- Khẳng định vị thế, vai trò là thành phố du lịch quốc tế, một trung tâm chuyên ngành của vùng, đất nước, hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, cơ khí giao thông, chế biến rau quả và một số ngành công nghiệp công nghệ cao.

- Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao làm động lực, lấy công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại làm trụ cột. Phát triển công nghiệp xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất thông minh, bảo đảm tính đồng bộ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp thế hệ mới, nhất là trên các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp thông tin, công nghiệp phụ trợ, logistics…

- Phát triển các sản phẩm công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí đặc sắc, có lợi thế (như: công nghiệp điện ảnh - phim trường, công nghiệp biểu diễn - tổ chức sự kiện; công nghiệp thể thao, kinh tế di sản, kinh tế bảo tàng, kinh tế truyền thông; đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, hàng lưu niệm du lịch; các sản phẩm công nghiệp hình ảnh và thiết kế sáng tạo (mỹ thuật, điêu khắc, nhiếp ảnh, thời trang...); mỹ thuật công nghiệp; các ngành công nghiệp văn hóa số... Quy hoạch không gian, chọn vị trí thuận lợi, có môi trường - cảnh quan - sinh thái thích hợp để thu hút đầu tư, xây dựng Công viên Tri thức, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo quốc tế, được áp dụng cơ chế vượt trội theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, làm cơ sở khởi tạo nền kinh tế sáng tạo, thương mại hóa tri thức, ý tưởng đổi mới sáng tạo và thành tựu khoa học, công nghệ.

- Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị và hình thành nên những vùng sản xuất nông nghiệp đặc sản, đặc hữu (OCOP); trong đó, tập trung ưu tiên các dự án theo chuỗi khép kín, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số.

- Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng các dự án thương mại - dịch vụ cao cấp, ưu tiên phát triển các trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp, nhà hàng, khách sạn, resort cao cấp, thương hiệu quốc tế... có khả năng đáp ứng nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng dài ngày, chi tiêu cao, kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu… Nghiên cứu thu hút một số ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư tài chính đặt trụ sở, văn phòng đại diện tại tỉnh Ninh Bình.

4. Phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn của thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, thông minh, kết nối liên vùng

- Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối, tầm nhìn dài hạn, chú trọng giá trị nghệ thuật kiến trúc, mỹ quan công cộng đối với mỗi công trình xây dựng. Từng bước cải tạo, hạ ngầm các đường dây, đường ống khu vực đô thị hiện hữu, đầu tư đồng bộ công trình ngầm khu vực phát triển mới. Hệ thống giao thông có quy mô đáp ứng nhu cầu phương tiện hiện đại (đường sắt đô thị, xe bus, xe điện...), tăng cường bố trí bãi xe tĩnh (ngầm và cao tầng). Nắm bắt xu hướng công nghệ và nhu cầu thị trường du lịch để quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông thông minh, thiết bị bay thế hệ mới, giao thông địa hình các cung đường trải nghiệm của du khách. Tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý phát triển hạ tầng điện, cấp - thoát nước, hạ tầng xanh. Đầu tư đồng bộ hệ thống chiếu sáng, cấp nước, thông tin liên lạc, quy hoạch hệ thống công trình ngầm kỹ thuật (hệ thống tuynen). Thu gom, xử lý triệt để nước thải, rác thải đô thị nhằm cải thiện môi trường. Nâng cấp hạ tầng nông thôn theo hướng hiện đại, kết nối với mạng lưới đô thị nội tỉnh và liên vùng. Ưu tiên đầu tư hạ tầng xanh, công viên chuyên đề, công viên chủ đề và thiết chế văn hoá đô thị.

- Đầu tư hiện đại hóa hạ tầng đô thị và phát triển hạ tầng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững theo các tiêu chí đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương. Nghiên cứu phương án di dời, tái tổ chức dân cư ở địa bàn vùng lõi di sản gắn với tái hiện, bảo tồn, phát huy quần cư di sản dưới các hình thức phố cổ, làng cổ, nhà vườn truyền thống, tạo điểm nhấn phong cách đô thị cảnh quan văn hóa, gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn di sản với chuyển đổi sinh kế cho người dân, thúc đẩy du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế ban đêm.

- Đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng xã hội (hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao), các dịch vụ công cộng đô thị và nông thôn (công viên, khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng,...), nhà ở xã hội, xây dựng các đô thị chức năng hiện đại, công trình xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng; phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, giữa đô thị và nông thôn; xây dựng nông thôn mới bền vững, kiểm soát quá trình đô thị hóa. Chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa mang tính biểu tượng có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc công trình, khẳng định bản sắc địa phương (nhà hát, bảo tàng, thư viện, trung tâm tổ chức sự kiện, cung triển lãm - hội chợ, trung tâm nghệ thuật đương đại, truyền hình, quảng trường, tượng danh nhân, tháp biểu tượng đô thị di sản thiên niên kỷ...).

- Thúc đẩy các cơ chế, chính sách đột phá phát triển tiểu vùng phía nam đồng bằng Sông Hồng; phối hợp chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Thanh Hóa, Thái Bình để nâng cao hiệu quả liên kết vùng, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông chiến lược như đường Đông-Tây kết nối khu vực Tây Bắc và phía nam hành lang kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, quy hoạch xây dựng đường đô thị tốc độ cao kết nối giữa các thành phố nội vùng (Hoa Lư - Nam Định, Hoa Lư - Phủ Lý), làm cơ sở thúc đẩy công nghiệp hóa, đô thị hóa, hình thành vùng đô thị phía Nam đồng bằng Sông Hồng, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hợp tác liên tỉnh để xây dựng những cây cầu có kiến trúc đẹp bắc qua sông Đáy có vai trò kết nối đô thị liên vùng, vừa tạo nên các điểm nhấn kiến trúc cảnh quan, vừa chuyển tải bản sắc vùng đồng bằng Sông Hồng. Thúc đẩy, phát huy giá trị “con đường di sản” giữa Hoa Lư - Thủ đô Hà Nội - Bắc Ninh, giữa Bái Đính - Tam Chúc - Chùa Hương, giữa các cụm di tích lịch sử - văn hóa nhà Trần phân bố khắp vùng đồng bằng Sông Hồng; phối hợp bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng nằm trải dài trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình; hợp tác bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên gắn với xây dựng những “bảo tàng sống” của văn minh lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ.

5. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý kiến trúc - cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái, kiến tạo phong cách đô thị cảnh quan văn hóa

- Rà soát, lập đồng bộ hệ thống quy chế quản lý kiến trúc - cảnh quan đô thị để thống nhất quản lý không gian, nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan môi trường. Bố cục tổng thể kiến trúc, cảnh quan đô thị được thiết kế bảo đảm hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang đô thị hiện hữu và phát triển đô thị mới, giữa bảo tồn, phát huy đô thị di sản và xây dựng đô thị hiện đại. Kiến trúc đô thị hiện đại phải tích hợp được các giá trị truyền thống, bản sắc địa phương, thể hiện phong cách đô thị cảnh quan văn hóa, nhất là khu vực bảo tồn di sản, di tích lịch sử - văn hóa, những khu vực tái hiện di sản, những điểm nhấn kiến trúc - cảnh quan trong không gian công cộng, khu vực quần cư di sản, phố cổ, làng cổ.

- Kiến trúc không gian đô thị phải bảo đảm yêu cầu tính tiện ích, thẩm mỹ và hòa nhập với cảnh quan môi trường. Các vật thể kiến trúc trong không gian công cộng đáp ứng chỉ tiêu về màu sắc, vật liệu bên ngoài tạo sự hài hòa chung cho toàn khu vực, được quy định trong thiết kế đô thị. Công trình kiến trúc xung quanh không gian công cộng có khoảng lùi hợp lý, quy định chặt chẽ chiều cao, khối đế, mái nhà phù hợp từng phân khu chức năng, từng điểm nhấn nghệ thuật thị giác công cộng. Quy định chi tiết về độ vươn của ô văng tầng 1, các phân vị đứng, ngang, bố trí cửa sổ, cửa đi về phía mặt phố, vật liệu, màu sắc chủ đạo bảo đảm tính liên tục, hài hòa cho kiến trúc toàn khu vực.

- Cảnh quan núi đá, sông, kênh, hồ, đầm phải được bảo vệ nghiêm ngặt, duy trì đặc trưng địa hình tự nhiên, thung lũng núi đá vôi, cánh đồng lúa vùng đệm di sản. Những cảnh quan tự nhiên có ảnh hưởng kiến trúc, cảnh quan không gian công cộng phải được khoanh vùng, chỉ dẫn sử dụng và có biện pháp bảo vệ. Cải tạo, chỉnh trang các kênh, dòng sông cổ, đầm cổ phải tính toán đầy đủ cả yêu cầu điều tiết thủy văn và phục hồi di sản.

- Cảnh quan cây xanh, hè phố, đường đi bộ, đi xe đạp… phải được cải tạo, chỉnh trang bài bản; ao hồ, kênh, đầm, sông, tiểu cảnh, giả sơn - địa hình công cộng được thiết kế hợp lý, xây dựng đồng bộ, hài hòa cảnh quan môi trường và phù hợp chức năng, đặc điểm, tính chất từng phân khu chức năng đô thị. Tiện ích cảnh quan như ghế ngồi, lối đi, cột đèn chiếu sáng, biển hiệu, biển chỉ dẫn, biển quảng cáo phải bảo đảm mỹ quan, an toàn, thuận tiện, thống nhất, hài hòa với tỷ lệ công trình kiến trúc. Hè phố, đường đi bộ trong không gian công cộng phải xây dựng đồng bộ, phù hợp về độ cao, vật liệu, màu sắc từng tuyến phố, khu vực trong đô thị, nhất là các khu vực du lịch, phố cổ, kinh tế ban đêm. Khu vực quảng trường, thiết chế văn hóa mang tính biểu tượng, điêu khắc công cộng phải chú ý tỷ lệ hình khối, tính cân xứng, thể hiện rõ tính chất, ý nghĩa từng không gian phù hợp đặc trưng đô thị di sản cố đô.

- Đầu tư đồng bộ phát triển hạ tầng xanh, nhất là trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đường phố, ven các sông, tuyến kênh, công viên đất ngập nước, khu dự trữ sinh quyển, bãi ngang, thúc đẩy lâm nghiệp đô thị nhằm tạo cảnh quan đô thị di sản và điều hoà khí hậu. Cây xanh trong không gian công cộng được trồng, bảo vệ, phân loại và bố trí trí theo quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn. Cần trồng những cây phù hợp chức năng từng khu vực đô thị, bảo đảm môi trường sinh thái, có tán cây, màu sắc hài hòa, sinh động tạo nét đặc trưng đô thị di sản. Ưu tiên sử dụng vật liệu xanh cho các công trình công cộng.

6. Tái tổ chức cộng đồng quần cư đô thị và nông thôn gắn với phát triển hệ sinh thái dân sinh

- Tái tổ chức cộng đồng quần cư di sản đô thị vùng lõi Hoàng thành Hoa Lư; đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, các sản phẩm du lịch, kinh tế di sản đặc sắc, khác biệt như: phát triển kinh tế ban đêm, homestay, kiến trúc mang phong cách truyền thống, phục hồi, tái hiện các sông cổ, đầm cổ... Định hình cộng đồng quần cư đô thị hiện đại được lồng ghép với thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Bảo tồn, phát huy giá trị cộng đồng quần cư làng Việt chuyển tiếp hài hòa giữa các đô thị, tạo ra các không gian xanh, “lá phổi” cho các đô thị, bổ sung, làm đậm nét phong cách đô thị cảnh quan văn hóa. Quy định những tiêu chuẩn cơ bản của kiến trúc nhà ở đặc trưng khu vực nông thôn làm cơ sở cho bảo tồn, phát huy di sản truyền thống, nhất là giới hạn số tầng, có mái nhà, màu sắc phù hợp, hài hòa.

- Tổ chức lại các cộng đồng quần cư làng nghề truyền thống, khôi phục và làm mới các làng thủ công mỹ nghệ gắn với phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hoá, du lịch, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Phục dựng, phỏng dựng các không gian Làng Việt - Chợ quê, nhà vườn truyền thống, công quán, sứ quán, quân doanh, cầu cống, bến thuyền, cảng thị, quân cảng... của Kinh đô Hoa Lư.

- Đẩy mạnh phát triển cộng đồng quần cư ven biển trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có để phát triển các dịch vụ hiện đại, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng. Phục hồi, bảo tồn cộng đồng quần cư bản Mường ở những nơi có điều kiện, nhất là kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc nhà sàn, di sản nông nghiệp - nông thôn, di sản văn hóa sinh hoạt, di sản sinh kế truyền thống, di sản tri thức bản địa... để phát triển du lịch cộng đồng.

7. Xây dựng văn hóa, con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu địa phương

- Giữ gìn, làm giàu bản sắc địa phương vùng đất Cố đô Hoa Lư trên cơ sở kế thừa giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm mới truyền thống bằng tinh thần thời đại. Tập trung hoàn thiện các quy định và tăng cường thực hành chuẩn mực văn hóa, văn minh đô thị ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cộng đồng dân cư, gia đình, nhất là những chuẩn mực văn hóa của xã hội thị dân (văn hóa ứng xử nơi công cộng, văn hóa công sở, văn hóa kinh doanh...).

- Phát triển toàn diện con người Ninh Bình làm nền tảng cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, hài hòa, hội nhập. Mỗi người dân phải trở thành một sứ giả quảng bá hình ảnh địa phương thể hiện trong mọi mặt văn hóa, lối sống, nếp sống, phong cách kinh doanh. Định hình lối sống, nếp sống đô thị, phong cách thị dân, nhất là văn minh công cộng.

- Định hình phong cách đô thị cảnh quan văn hoá trên nền đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo để xây dựng thương hiệu địa phương với những tiềm năng khác biệt, giá trị độc đáo, lợi thế cạnh tranh, hòa quyện giữa giá trị văn hóa đặc sắc và giá trị thiên nhiên tươi đẹp, giữa tinh hoa văn hóa Cố đô Hoa Lư với giá trị văn hóa dân gian, giữa tính bản địa với giao thoa đa văn hóa, giữa bảo tồn di sản và làm mới truyền thống. Nâng cao vị thế, khẳng định vai trò một trung tâm đổi mới sáng tạo ngoài trời tiêu biểu, một địa phương có cơ chế vượt trội về du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với các ngành kinh tế mới nổi.

- Xây dựng thương hiệu địa phương Ninh Bình là một thành phố du lịch quốc tế, một trung tâm quan trọng của vùng, đất nước, hội nhập quốc tế về công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại, đổi mới sáng tạo ngoài trời gắn với đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tăng cường marketing địa phương, quảng bá những nét đẹp của văn hóa, con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, những đặc sản địa phương và điều kiện tiếp cận các dịch vụ thuận lợi.

8. Củng cố địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tham gia sâu rộng vào mạng lưới đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới

- Bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững mạnh; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

- Thúc đẩy hợp tác quốc tế đa phương và song phương, tăng cường quan hệ với các tổ chức quốc tế, các mạng lưới đô thị di sản, thành phố sáng tạo toàn cầu, tạo điều kiện để tỉnh Ninh Bình tham gia sâu vào các chương trình hợp tác bảo tồn di sản và phát triển bền vững. Thiết lập cơ chế hợp tác với các thành phố trên thế giới có mô hình tương đồng về phát triển đô thị di sản để trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, bảo tồn di sản và khai thác giá trị kinh tế từ di sản. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác chiến lược trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đổi mới sáng tạo và du lịch bền vững, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển hạ tầng, công nghệ và dịch vụ du lịch cao cấp trên địa bàn tỉnh.

- Thông qua UNESCO để thúc đẩy các sáng kiến đa phương về tầm nhìn và hành động cho xây dựng phong cách đô thị cảnh quan văn hoá, cơ chế đặc biệt bảo vệ các đô thị di sản thiên niên niên kỷ - đô thị nghìn năm tuổi, đề cao tinh thần phụng dưỡng thiên nhiên; nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hoá và bảo vệ di sản thiên nhiên; giải pháp tích hợp giá trị di sản cảnh quan nông nghiệp - nông thôn trong phát triển đô thị cảnh quan văn hóa; kinh nghiệm và công nghệ bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nhất là các di sản có giá trị đặc biệt.

9. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, hội nghề nghiệp

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong xây dựng tỉnh Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao quyền đảm bảo phù hợp với quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Thực hiện hiệu quả quản trị mục tiêu, chỉ tiêu; quản trị các bộ chỉ số quản lý phát triển địa phương, phát triển con người, phát triển thị trường, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,... gắn với phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, xác định lộ trình cụ thể để theo dõi, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện từng mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

- Tăng cường vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình, nòng cốt là cộng đồng địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng quần cư di sản... Phát huy sức mạnh toàn dân Ninh Bình trong giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; bứt tốc phát triển kinh tế đạt tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm liền. Đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, hiệp hội nghề nghiệp bảo đảm phát huy cao nhất sức mạnh nội sinh của mọi người dân, mọi lực lượng xã hội cho xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với đặc điểm, tình hình của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

2. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

3. Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thiện và ban hành Đề án xây dựng Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo để triển khai thực hiện Nghị quyết; có lộ trình cụ thể, bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu đề ra; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết.

4. Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền; trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết.

5. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền các nội dung và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình của ngành, lĩnh vực và địa phương, cơ quan, đơn vị.

Nghị quyết này được quán triệt, tuyên truyền và phổ biến đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh.

nguồn: baoninhbinh.org.vn

https://baoninhbinh.org.vn/nghi-quyet-cua-ban-chap-hanh-dang-bo-tinh-ve-xay-dung-tinh-235098.htm

Tag:

File đính kèm