TNXP chuyển vũ khí, dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ Rừng Xanh về rừng dầu buôn Ma Giá (Suối Trai), Ea Bar (Krông Pa). Một lực lượng TNXP ở phía Bắc sông Ba vận chuyển hàng về Hòn Lúp.
Phương án ban đầu của ngành GTVT là làm phà đưa xe qua sông, chuyển hàng tiếp tế về đến Hòn Lúp. Nhưng do tình hình thực tế, đầu mùa hè nước sông Ba khô cạn và diễn biến nhanh chóng trên chiến trường Tây Nguyên nên các đồng chí phụ trách ngành quyết định thay đổi phương án làm phà. Huyện ủy hai huyện Tây Nam và Miền Tây cùng lãnh đạo các xã Ea Bá, Krông Pa, Suối Trai huy động dân của hai xã Ea Bá và Suối Trai dùng phên đan bằng tre, nứa làm ngầm để lót cho xe qua sông và những bãi cát rộng. Sự dũng cảm đầy mưu trí của cán bộ cầu đường và đồng bào các dân tộc đã tạo điều kiện để hai xe ô tô vượt sông Ba chuyển hàng tiếp tế cho Phú Yên về đến Hòn Lúp ngày 26/3/1975. Hai ngày sau, đoàn xe đến căn cứ tỉnh. Sở Chỉ huy cơ bản huy động cán bộ, nhân viên và 300 dân công vùng căn cứ giải phóng, vùng tranh chấp ngày đêm vận chuyển trên các trục hành lang từ căn cứ xuống đồng bằng. Người, ngựa, xe đạp thồ tấp nập chuyển lương thực, súng đạn ra chiến trường; vận chuyển chiến lợi phẩm, tải thương binh… về tuyến sau. Số lao động yếu ở tại chỗ lo xây dựng kho tàng, trạm xá, trại thương binh, trại tù hàng binh. Nhân dân người vót chông, người cải tiến mìn, lựu đạn trang bị cho du kích.
Cùng chiến đấu chốt chặn, tiêu diệt địch
Tại huyện trọng điểm Tuy Hòa 1, trong những ngày đầu tháng 3/1975, ta tổ chức đánh địch ở một số xã. Công binh 19 phối hợp với TNXP và Đội du kích xã Hòa Xuân gài mìn giữ quốc lộ 1A, giữ cầu Bàn Thạch không cho địch phá hoại cầu đường.
Ở Đồng Xuân, Đại đội 381, Đội Công binh, Đội công tác thị trấn La Hai cùng tổ vũ trang địa phương huyện lên phương án diệt chốt địch đóng ở đầu cầu và chợ La Hai. Đơn vị công binh F50 nhận nhiệm vụ chốt chặn cắt đứt đèo Thị, không cho địch từ Tuy Hòa lên La Hai và ngược lại. Địch điên cuồng phản kích nhưng bị F50 đánh bật và giữ vững trận địa, không cho địch vận chuyển qua lại đèo Thị, tạo điều kiện cho các đơn vị đánh địch và giải quyết chiến trường.
Sau khi Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng, quân ngụy đang tháo chạy trên đường 7 (quốc lộ 25 ngày nay) xuống vùng đồng bằng Tuy Hòa; ở hướng đèo Cả, Công binh K65 được giao nhiệm vụ đánh sập cầu Suối Lớn gần cua Piđông do một trung đội địch chốt giữ nhằm cắt đường viện trợ của địch. Đơn vị đã chuẩn bị lực lượng và 280kg thuốc nổ cùng B40, B41 sẵn sàng chờ lệnh. Sau đó cấp trên ra lệnh không được đánh sập cầu, chỉ dùng chướng ngại vật và sử dụng lực lượng đánh phục kích giao thông để ngăn chặn địch. Dưới sự chỉ huy của Chủ nhiệm Công binh Nguyễn Ngọc Nhị, công binh K65 và Đại đội công binh 19 (thiếu) chốt chặn đèo Cả, ngăn không cho địch từ Khánh Hòa ra chi viện. Một số tên liều mạng cố đi theo quốc lộ 1A bị ta đánh tiêu diệt, phá hủy hàng chục xe quân sự, thu 18 xe chiến lợi phẩm. Số chiến lợi phẩm này sau đó được đưa lên Xuân Phước, rồi đưa xuống kho ở đèo Quán Cau.
Ngày 26/3/1975, Sở Chỉ huy tiền phương và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 họp bàn thực hiện mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 “nỗ lực chuẩn bị để tiến công vào TX Tuy Hòa vào ngày 30/3/1975”. Tuy nhiên, do trục đường 7 chưa khai thông, công binh của Sư đoàn 320 và của tỉnh đang tập trung khắc phục, đến tối 31/3 mới khai thông, bộ đội chủ lực và các đơn vị của ta theo đó tiến vào giải phóng TX Tuy Hòa vào sáng 1/4/1975. Trong khi đó, ở hướng Tuy Hòa 1, Đại đội công binh 19, công binh K65 và Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 64, Sư đoàn 320) nổ súng diệt hàng trăm tên địch, thu và phá hủy 120 xe quân sự, bắt sống hơn 200 tên.
----------------------------
(*) Lịch sử Phú Yên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tr213