Hai ban chỉ huy nhanh chóng gặp nhau tay bắt mặt mừng. Và cũng ngay sau những giây phút ngắn ngủi ấy, bên khe suối cạn, ban chỉ huy hai đơn vị cùng bàn phương án tác chiến, hạ quyết tâm giành chiến thắng, không để lỡ thời cơ.
Trong lúc này, một bộ phận quân địch từ Tây Nguyên xuống đã vượt cầu dã chiến sang sông Ba qua đường 5, một bộ phận còn co cụm lại quận lỵ Củng Sơn đang hoang mang, dao động.
Trước tình hình đó, theo phương án hiệp đồng, hai lực lượng của ta nhanh chóng siết chặt vòng vây. 13 giờ ngày 24/3, được pháo binh và xe tăng của Sư đoàn 320 chi viện, Trung đoàn 64 và Tiểu đoàn 96 từ nhiều hướng đồng loạt nổ súng tấn công, chọc thẳng vào các vị trí chủ yếu của địch ở trong và chung quanh quận lỵ, Đại đội 2 (Tiểu đoàn 96) ở hướng chủ yếu chia thành 2 mũi đánh vào cụm xe tăng địch ở chân núi Một. Các chiến sĩ ta dùng DKZ 75 ly, B40 và cối 82 bắn dồn dập vào cụm xe tăng. Sau 15 phút chiến đấu, ta bắn cháy 7 xe tăng M41, thu 7 xe tăng còn nguyên vẹn, 7 khẩu DKZ, 7 khẩu 12 ly 7, 10 đại liên, 6 máy thông tin PRC-25 và diệt 70 tên địch.
Sau khi tiêu diệt cụm xe tăng 14 chiếc, tiểu đoàn phát triển tiến công, phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 64 đánh vào trận địa pháo của địch. Đến 17 giờ ngày 24/3, ta hoàn toàn làm chủ quận lỵ Củng Sơn.
Thần tốc về đồng bằng
Sau khi quận lỵ Củng Sơn được giải phóng, thừa thắng xông lên, Tiểu đoàn 96 cùng một bộ phận của Trung đoàn 64 vượt sông qua Tuy Bình tiến hành vây chặt yếu khu Phú Đức, liên tục dùng hỏa lực bắn vào yếu khu suốt cả đêm. Đến 8 giờ sáng 25/3, toàn bộ quân địch ở yếu khu Phú Đức đầu hàng, giao nộp vũ khí cho ta, trong đó có tên đại tá Đồng, Trung đoàn trưởng trung đoàn xe tăng.
Tiếp đó, nhận được lệnh của Sở Chỉ huy tiền phương, tiểu đoàn tổ chức hành quân thần tốc xuống khu vực Hòn Kén cùng với các lực lượng Đại đội đặc công 201 và 25, Tiểu đoàn pháo 189 của tỉnh đánh từ phía sau đội hình địch… Lần thứ hai nhận lệnh hành quân thần tốc với tinh thần tiến công thần tốc, chiến thắng chồng lên chiến thắng, cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn hăm hở, mừng vui khôn xiết, lại rầm rập hành quân “thẳng hướng quân thù mà tiến, đâu có giặc là ta cứ đi”…, góp phần làm nên Chiến thắng Đường 5.
Đã nửa thế kỷ trôi qua và cũng đã qua cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng khi nhắc lại thời điểm lịch sử này, ông Nguyễn Ngọc Sỹ, CCB xã An Chấn (huyện Tuy An), nguyên Đại đội phó Đại đội 2 vẫn còn nhớ: Bước vào trận đánh quyết định cuối cùng, Tỉnh đội chỉ thị cho Tiểu đoàn 96 hiệp đồng và phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực đánh chiếm TX Tuy Hòa. Hơn bao giờ hết, chúng tôi quán triệt đầy đủ tính chất và tinh thần lịch sử của nhiệm vụ, khẩn trương ổn định tổ chức, bổ sung trang thiết bị vật chất, chuẩn bị ý chí quyết tâm, sẵn sàng tiến công và giành chiến thắng. Cán bộ tiểu đoàn, các đại đội cùng cán bộ Đại đội 25 lập tức tổ chức đi nghiên cứu, chuẩn bị chiến trường, sẵn sàng chờ lệnh tấn công.
Đúng 6 giờ sáng 1/4/1975, cùng với tiếng pháo phát lệnh tấn công vào TX Tuy Hòa của Sư đoàn 320, Tiểu đoàn 96 cùng Đại đội 25 và Tiểu đoàn pháo 189 hiệp đồng chặt chẽ tấn công quyết liệt đánh chiếm núi Sầm. Tiếp đó, tiểu đoàn phát triển tiến công địch đóng ở Long Tường - Xóm Lẫm, Quy Hậu, Phước Khánh, Phước Hậu. Đến 9 giờ sáng cùng ngày, quân ta đánh chiếm, làm chủ toàn bộ TX Tuy Hòa.