(QBĐT) - Theo báo cáo của Sở Nội vụ, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh xin nghỉ việc, chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu gia tăng, ảnh hưởng đến công tác nhân sự, tổ chức bộ máy, cũng như sự vận hành và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền, cơ quan nhà nước. Đặc biệt, tình trạng “chảy máu chất xám” khi lao động chất lượng cao là người Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài không về nước diễn ra khá phổ biến.
Theo đó, từ ngày 1/7/2022 đến ngày 10/12/2024, số lượng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 272 người (16 công chức, 256 viên chức). Trong đó, giáo dục-đào tạo 143 người (chiếm tỷ lệ 48%), y tế 43 người (17%), các lĩnh vực sự nghiệp khác 70 người (27%). Về trình độ của công chức, viên chức xin thôi việc: 3 tiến sĩ, 23 thạc sĩ; 183 đại học; 17 người chuyên khoa I; 46 người có trình độ cao đẳng và trung cấp.
Mặc dù tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng tình trạng dịch chuyển lao động vẫn có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, một số trường hợp là cán bộ đang giữ vị trí tại đơn vị công tác nhưng vẫn “dứt áo” để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do chế độ đãi ngộ, lương thưởng thực sự chưa thỏa đáng; công tác tuyển dụng còn bị bó buộc bởi biên chế; việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng thực chất hiệu quả công việc cũng như quá trình tu dưỡng, rèn luyện; thiếu môi trường thuận lợi để người tài phát huy khả năng của mình.
Trao đổi tại buổi giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo đã dẫn chứng một trường hợp nhân lực chất lượng cao nhưng không phát huy được khả năng của mình là vì không có môi trường làm việc phù hợp. Trường hợp này giỏi chuyên môn, ngoại ngữ nhưng bị bó buộc bởi công việc của một viên chức thuần túy, trong khi tỉnh không có trung tâm, viện nghiên cứu nên họ không thể cống hiến chất xám đúng với chuyên môn được đào tạo.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Trường đại học Quảng Bình cho biết, hiện tượng nhà giáo bỏ nghề sau khi được đào tạo từ nước ngoài bằng ngân sách, hoặc chuyển sang cơ sở đào tạo khác sau khi được đào tạo bằng kinh phí của cơ sở đào tạo, diễn ra khá phổ biến nhưng đơn vị cũng “lực bất tòng tâm” khi chưa có chế tài cụ thể về cách xử lý.
Thiết nghĩ, việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực công lập sang tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là nhu cầu tất yếu trong xu thế phát triển. Trong thế giới phẳng, nhiều công ty đa quốc gia còn có chiến lược “săn đầu người” tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm cạnh tranh với đối thủ để tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận. Do đó, cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bố trí đúng người, đúng việc như ông cha xưa đã từng đúc kết “dụng nhân như dụng mộc”!
Minh Văn
Tag:
File đính kèm