Bộ Tổng chỉ huy mở chiến dịch Đông Bắc

Thứ sáu, 11/10/2019 14:02
(ĐCSVN) - Đông Bắc là một hướng chiến lược quan trọng được Bộ Tổng chỉ huy dự kiến đẩy mạnh hoạt động trong năm 1948.

Sau chiến dịch Đường số 3 ở Bắc Kạn, Bộ Tổng chỉ huy và Bộ Tư lệnh Liên khu I chủ trương mở chiến dịch Đông Bắc nhằm phá cơ sở kinh tế, đánh vào tuyến hậu cần của địch từ Hải Phòng lên Lạng Sơn, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng khu tự do Đông Bắc, đồng thời cầm chân một bộ phận quân địch, phá kế hoạch thu đông của chúng.

Chiến dịch Đông Bắc diễn ra trong khu tứ giác An Châu - Đình Lập - Tiên Yên - Hòn Gai (1800m2). Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 3 trung đoàn chủ lực 98, 28 và 55 của Liên khu I, hai tiểu đoàn 18 và 29 (Trung đoàn 308), ba tiểu đoàn độc lập 215, 426 và 517, một đại đội và một trung đội trợ chiến cùng các lực lượng địa phương. Đồng chí Lê Quảng Ba được cử làm Chỉ huy trưởng chiến dịch.

Công tác chuẩn bị địa bàn được tiến hành từ tháng 6 đến tháng 9-1948. Ngày 8-10, chiến dịch bắt đầu, bộ đội đánh hai vị trí An Châu và Đồng Dương trong phân khu An Châu. Bên hướng Đồng Dương ta tiêu diệt gọn vị trí. Ở An Châu bộ đội ta gặp nhiều lúng túng nên chỉ tiêu diệt được 2/3 cứ điểm. Đến đêm 1-11, ta tiêu diệt vị trí Đồng Khuy. Trên hướng phối hợp Lạng Sơn, bộ đội chủ lực tác chiến thu được nhiều kết quả. Theo đó, các đại đội độc lập xúc tiến mạnh mẽ công tác gây cơ sở, quét nhiều ban tề và làm tan rã một số lớn ngụy binh. Căn cứ Đông Bắc được mở rộng và củng cố.

Sau trận An Châu, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Mai Siu, đồng thời tăng cường lực lượng bố trí ở những nơi trọng yếu, tổ chức lùng sục quấy rối ta. Bộ đội ta vội vã bước vào giai đoạn 2 trong khi chuẩn bị chưa đầy đủ, tiến công không dứt điểm ở Khe Cháy. Ngày 7-12, Bộ Chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch.

Thành công lớn nhất của chiến dịch là mở rộng căn cứ Đông Bắc, thúc đẩy phong trào du kích chiến tranh trong khu vực được địch coi là an toàn. Lần đầu tiên ta mở chiến dịch tương đối lớn (xấp xỉ 4 trung đoàn chủ lực cùng lực lượng vũ trang địa phương), trong thời gian dài (gần 2 tháng), trên chiến trường khá rộng lại có địa hình đặc biệt, xa hậu phương. Bộ đội ta tuy chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đặt ra nhưng đã có những bước tiến đáng kể về tổ chức và thực hành chiến dịch.

------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.314-316, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực