Chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến

Thứ hai, 07/10/2019 08:31
(ĐCSVN) - Chuẩn bị địa bàn đứng chân của cơ quan đầu não chỉ đạo chiến tranh, Trung ương Đảng sớm chỉ đạo xây dựng căn cứ địa kháng chiến, gồm căn cứ địa ở từng địa phương và căn cứ địa cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại
căn cứ địa Việt Bắc (1951) (Ảnh: hochiminh.vn)

Việt Bắc được chọn làm căn cứ địa của cả nước, vì có vị thế chiến lược quan trọng, nhân dân theo Đảng, kinh tế tự cấp tự túc. Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Phạm Văn Đồng ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa. Cuối tháng 10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến. Nửa đầu tháng 11-1946, Trung ương Đảng lập Đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách để nghiên cứu kế hoạch di chuyển các cơ quan lãnh đạo và cơ sở vật chất kỹ thuật lên Việt Bắc. Các huyện Định Hoá, Chợ Đồn, Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) và Sơn Dương, Chiêm Hoá (Tuyên Quang) được chọn làm nơi đóng các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ tháng 10-1946, nhân dân các dân tộc Việt Bắc, đặc biệt ở các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên tích cực chuẩn bị xây dựng căn cứ địa kháng chiến, chuẩn bị đón các cơ quan Trung ương, Chính phủ và nhân dân.

Từ đầu tháng 12-1946, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận, quân đội đã chuyển về các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, đến tháng 3-1947 lên Việt Bắc. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của cuộc kháng chiến cũng được chuyển về các căn cứ địa từ đầu tháng 11-1946.

Nhân dân các địa phương ở Việt Bắc có cơ quan Đảng, Chính phủ, Mặt trận, quân đội đóng được huấn luyện quân sự, chỉ đạo việc bố phòng, an ninh. Đồng bào ra sức tham gia kháng chiến, giữ bí mật, thực hiện khẩu hiệu ba không, góp phần bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cơ quan đầu não.

------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.117-119, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực