Cuộc đàm phán chính thức giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cộng hoà Pháp ở Phôngtennơblô

Thứ sáu, 04/10/2019 13:53
(ĐCSVN) - Sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 6-3, các thế lực thực dân hiếu chiến phản động ở Đông Dương tìm cách hạ thấp ý nghĩa của Hiệp định, trì hoãn việc thi hành, tiếp tục tiến hành chiến tranh ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, lập ra "Chính phủ Nam Kỳ" và "nước Cộng hoà Nam Kỳ".

Ông Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc diễn văn khai mạc tại Hội nghị Phôngtennơblô, 6/7/1946 (từ trái qua phải các ông: Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Phạm Văn Đồng, Dương Bạch Mai) (Ảnh: baotanglichsu.vn)

Cũng do lập trường thực dân ngoan cố và hiếu chiến, Hội nghị trù bị Đà Lạt diễn ra trong 22 ngày không đạt kết quả nào. Tuy vậy, Hội nghị là bước hai bên thăm dò, tìm hiểu lập trường của nhau, ý đồ của Pháp đã bộc lộ rõ, giúp Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho đàm phán chính thức tại Pari.

Ngày 6-7-1946, tại lâu đài Phôngtennơblô (Fontainebleau), cuộc đàm phán chính thức Việt Nam - Pháp khai mạc.

Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn1.

Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hoà Pháp do Mắc Ăngđơrê (Max André) làm Trưởng đoàn.

Hai bên thoả thuận chương trình nghị sự gồm những nội dung chính:

1. Vấn đề Việt Nam gia nhập Liên hiệp Pháp.

2. Xây dựng Liên bang Đông Dương.

3. Vấn đề thống nhất ba kỳ và cuộc trưng cầu dân ý về Nam Kỳ.

4. Các vấn đề kinh tế, văn hoá.

5. Dự thảo một dự án hiệp ước.

Hai bên thảo thuận lập ra 5 tiểu ban chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính và văn hoá.

Các ủy ban họp từ ngày 13 đến ngày 30-7, đề cập đến những vấn đề đã nêu ở Đà Lạt.

Trong khi Hội nghị đang tiến hành thì ngày 1-8-1946, thực dân Pháp ở Đông Dương triệu tập hội nghị Liên bang Đông Dương ở Đà Lạt, gồm đại diện của tay sai Pháp ở Nam Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, Lào, Campuchia, hòng đặt Hội nghị Phôngtennơblô trước sự đã rồi. Đoàn ta cực lực phản đối hành động đó của Pháp và tuyên bố tạm đình chỉ Hội nghị cho tới khi nào Chính phủ Pháp làm sáng tỏ sự mập mờ đó.

Suốt tháng 8-1946, hai đoàn trao đổi ý kiến chủ yếu bằng Công hàm, do đó Hội nghị không họp lại, nhưng quan điểm xích lại gần nhau không phải giải quyết xong các vấn đề mà để tìm một sự thoả thuận tạm thời về những vấn đề nóng bỏng tạo không khí thuận lợi cho đàm phán.

Qua thảo luận trao đổi, mặc dù hai bên tìm kiếm một thoả thuận, nhưng lập trường cơ bản của hai bên vẫn khác nhau. Chính phủ Pháp khăng khăng hạn chế quyền lợi của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp. Việt Nam phụ thuộc Pháp.

Ngày 10-9, Hội nghị được nối lại. Phía Pháp đưa ra một dự thảo "Hiệp định tạm thời" song không định rõ ngày và thể thức tiến hành trưng cầu dân ý ở Nam Bộ. Phái đoàn Việt Nam cự tuyệt bản dự thảo. Mắc Ăngđrê tuyên bố nghỉ họp.

Ngày 13-9, Đoàn ta ra một bản tuyên bố cho rằng Hội nghị Phôngtennơblô không đạt kết quả là do thái độ thực dân ngoan cố của Chính phủ Pháp và tin rằng Hội nghị sẽ họp lại trong những điều kiện tốt hơn, sau đó về nước.

-------------

Chú thích:

1. Đoàn viên có: Phan Anh, Trịnh Văn Bính, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Huyên, Bửu Hội, Huỳnh Thiện Lộc, Dương Bạch Mai, Chu Bá Phượng, Đặng Phúc Thông, Phạm Khắc Hoè, Hoàng Minh Giám. Chuyên viên có: Nguyễn Đệ, Hoàng Văn Đức, Vũ Trọng Khánh, Hồ Đắc Liên, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Đắc Khê.

------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.103-105, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực