Cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 ở Hà Nội
Thứ hai, 16/09/2019 16:51 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Mặc dù ngày 1-5 được Chính phủ nhân dân Pháp coi là ngày lễ chính thức, nhưng bọn phản động thuộc địa luôn tìm một cách ngăn trở những hình thức kỷ niệm nhằm làm giảm ý nghĩa của ngày này, hạn chế phong trào đấu tranh của quần chúng. Tại Việt Nam, lần đầu tiên lễ kỷ niệm ngày 1-5 được tổ chức công khai với quy mô lớn.
Mít tinh quần chúng ngày 1/5/1938 tại Khu Đấu xảo Hà Nội
(nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị)
- (Ảnh: hochiminh.vn)
Ở Hà Nội, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, những người cộng sản hoạt động công khai trong nhóm Tin tức đã vận động chi nhánh Đảng Xã hội Pháp đứng ra xin phép tổ chức kỷ niệm ngày 1-5. Thành uỷ Hà Nội chỉ thị cho toàn Đảng bộ tổ chức vận động quần chúng tham gia thật đông đảo.
Chính quyền thực dân tìm mọi cách đe doạ, nhưng không ngăn cản được sức mạnh của quần chúng. Đúng 16 giờ ngày 1-5, cuộc mít tinh công khai có 25.000 người dự gồm đầy đủ đại biểu của các giai cấp, tầng lớp nhân dân Thủ đô được tổ chức trọng thể tại khu Đấu Xảo Hà Nội (nay là Cung văn hoá Hữu Nghị). Cuộc mít tinh được tiến hành với ý thức tổ chức và kỷ luật rất cao. 25.000 người thuộc đủ các ngành, giới chia thành 25 đoàn (như công nhân đường sắt, thợ may, phụ nữ, nông dân, văn nghệ sĩ...) với những biểu tượng riêng của mình.
Trên diễn đàn có mặt của đại diện chi nhánh Đảng Xã hội Pháp, đại diện nhóm Tin tức, đại diện của quần chúng nhân dân. Các đại biểu công khai vạch trần chính sách bóp nghẹt tự do dân chủ, đàn áp, bóc lột tàn nhẫn của chính quyền thuộc địa phản động và đòi thực hiện những yêu sách của nhân dân. Quần chúng dự mít tinh với hàng ngũ chỉnh tề, cờ đỏ, biểu ngữ, hát bài Quốc tế ca, hô vang các khẩu hiệu đòi tự do lập Hội ái hữu và nghiệp đoàn, đòi giảm thuế, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ hoà bình...
Đồng chí Trần Huy Liệu, đại diện nhóm Tin tức đọc diễn văn được quần chúng cổ vũ, hoan nghênh.
--------------
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.579-580, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.