Phong trào đấu tranh của các lực lượng tiến bộ chống nguy cơ phát xít và chiến tranh diễn ra khắp nơi.
Tình hình mới đòi hỏi những người cộng sản phải tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của các Đảng Cộng sản, định ra một đường lối chiến lược và sách lược mới của phong trào cộng sản thế giới. Do đó, Đại hội đại biểu lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản được tổ chức từ ngày 25-7 đến ngày 21-8-1935 tại Mátxcơva.
Tham gia Đại hội có 510 đại biểu (trong đó có 371 đại biểu có quyền biểu quyết) của 65 Đảng Cộng sản, đại diện cho 3.141.000 đảng viên trong đó có 785.000 đảng viên ở các nước tư bản chủ nghĩa. Đồng chí G. Đimitơrốp, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản trình bày Báo cáo chính trị của Đại hội: “Sự tấn công của chủ nghĩa phát xít và những nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản trong cuộc đấu tranh để thống nhất giai cấp công nhân chống chủ nghĩa phát xít”, nói về chủ nghĩa phát xít và những nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản trong cuộc đấu tranh cho sự thống nhất của giai cấp công nhân chống chủ nghĩa phát xít.
Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ra Nghị quyết về cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa.
Đại hội phủ nhận quan điểm tả khuynh cho rằng cách mạng ở các nước thuộc địa chỉ mang tính chất như cách mạng dân chủ tư sản nhanh chóng chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như vậy là không phù hợp với tình hình và không đánh giá đúng nhiệm vụ chống chủ nghĩa đế quốc của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa. Đại hội chỉ ra rằng, đối với phần lớn các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, bước đầu tiên của cách mạng là đấu tranh giải phóng dân tộc. Đại hội phủ nhận quan niệm cho rằng công cuộc giải phóng các thuộc địa chỉ có thể dựa trên cơ sở các cuộc cách mạng vô sản hoặc trong mối quan hệ với các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các chính quốc. Các nước thuộc địa và nửa thuộc địa có thể chống đế quốc để giành độc lập. Quan điểm này đã khắc phục hạn chế của Quốc tế Cộng sản kéo dài từ Đại hội I đến Đại hội VI là cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc.
Tư tưởng trung tâm của Đại hội VII về vấn đề dân tộc thuộc địa là thành lập mặt trận thống nhất chống đế quốc ở các thuộc địa và các nước phụ thuộc.
Đại hội phê phán gay gắt các quan điểm cho rằng tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa mang tính chất hoàn toàn thân đế quốc và đòi hỏi những người cộng sản phải tấn công chống các tổ chức tư sản dân tộc định hướng cho Đảng Cộng sản ở các nước thuộc địa và phụ thuộc mạnh dạn thực hiện đường lối tập hợp vào Mặt trận thống nhất tất cả những ai có khả năng chống đế quốc.
Đại hội khẳng định tư tưởng liên minh các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân bị áp bức với phong trào công nhân quốc tế và bắt buộc các Đảng Cộng sản phải tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân bị áp bức ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa.
Việc Đại hội VII chỉ rõ nội dung, tính chất cuộc cách mạng đang phát triển ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa có tác động rất quan trọng đối với các dân tộc bị áp bức đang đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong đó có nhân dân Việt Nam.
Đại hội VII Quốc tế Cộng sản có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và giải phóng dân tộc. Đại hội đã phát triển lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin trong hoàn cảnh lịch sử mới, định ra chiến lược, sách lược mới, là kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Đối với những người Cộng sản Việt Nam, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo cơ sơ cho Đảng Cộng sản Đông Dương đánh giá đúng những thay đổi của tình hình quốc tế và trong nước, xác định phương hướng, hình thức hoạt động, đưa cao trào cách mạng tiến lên một cao trào mới (1936-1939) và tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Đồng chí Lê Hồng Phong, Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương - một chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi (33 tuổi) được Đại hội bầu là Uỷ viên chính thức của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (Khoá VII).
--------------
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.403-407, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.