Đồng chí Nguyễn Ái Quốc bị đế quốc Anh bắt giam ở Hồng Kông và cuộc đấu tranh giải thoát Người khỏi nhà tù đế quốc

Thứ sáu, 06/09/2019 16:56
(ĐCSVN) - Được tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt, Quốc tế Cộng sản nhờ ông Lôdơbi, một luật gia dân chủ tiến bộ người Anh, lúc đó là Chủ tịch Hội Luật gia Hồng Kông bào chữa giúp.

 

Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc), năm 1931
(Ảnh tư liệu: baotanglichsu.vn)

Sáng sớm ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc với thẻ căn cước mang tên Tống Văn Sơ bị một sĩ quan Anh và mấy cảnh sát Trung Quốc ập vào nơi ở số 168 đường Tam Lung (Cửu Long) bắt giải về Sở Cảnh sát Hồng Kông. Chúng vu cáo cho Người tội làm tay sai của Liên Xô, có âm mưu phá hoại chính quyền Hồng Kông. Người bị giam trong nhà tù của đế quốc Anh ở Hồng Kông.

Được tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt, Quốc tế Cộng sản nhờ ông Lôdơbi, một luật gia dân chủ tiến bộ người Anh, lúc đó là Chủ tịch Hội Luật gia Hồng Kông bào chữa giúp. Ông Lôdơbi đến thăm Người và khi Nguyễn Ái Quốc nói không có tiền để nhờ cãi, ông Lôdơbi đã hứa sẽ giúp vì danh dự chứ không cho vì tiền. Người đã cung cấp cho Luật sư Lôdơbi những thông tin cần thiết và thống nhất về phương hướng bào chữa.

Đế quốc Anh định trao Nguyễn Ái Quốc cho đế quốc Pháp, nhưng ông Lôdơbi kiên quyết phản đối và đòi đưa vụ này ra trước toà án tối cao tại Hồng Kông.

Từ tháng 6 đến tháng 9, Nguyễn Ái Quốc phải ra tòa chín phiên. Vì không có chứng cứ gì, toà án Hồng Kông phải tuyên bố trắng án nhưng đòi trục xuất Người về Đông Dương để đế quốc Pháp bắt, Người đã đệ đơn lên toà án tối cao ở Luân Đôn.

Trong thời gian ở tù, Người thường được ông bà Lôdơbi và con gái đến thăm. Cuối tháng 9, Nguyễn Ái Quốc bị tái phát bệnh lao phổi, nhờ sự can thiệp của Luật sư Lôdơbi, Người được chuyển đến điều trị tại bệnh viện nhà tù.

 

Nhà tù Victoria, nơi giam giữ Tống Văn Sơ, năm 1931
(Ảnh tư liệu: baotanglichsu.vn)

Đầu tháng 10, Nguyễn Ái Quốc tiếp bà Xtenla Benxơn, một người bạn của Luật sư Lôdơbi và là một nhà hoạt động văn học và sân khấu ở Hồng Kông. Với thiện cảm đặc biệt, bà Benxơn đã yêu cầu chồng mình- ông Tômát Xautôn lúc đó là Phó thống đốc Hồng Kông giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc.

Đầu tháng 7-1932, Nguyễn Ái Quốc biết tin đơn kháng án của Người đã được Hội đồng cơ mật Nhà vua Anh chấp nhận. Nhờ sự nỗ lực của Luật sư Nôoen Prít, sau một ngày biện luận, Toà án Hoàng gia ở Anh đã kết luận Nguyễn Ái Quốc vô tội và quyết định trả lại tự do cho Người.

Tháng 8-1932, với vé tàu thuỷ do ông bà Lôdơbi lo liệu giúp, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Hương Cảng đi Xingapo để tránh lưới mật thám đang rình bắt Người. Vừa đặt chân đến Xingapo, Người lại bị bắt và trả về Hồng Kông. Lấy cớ Người đi vào thuộc địa không có giấy phép, nhà cầm quyền Hương Cảng lại bắt giam Người một lần nữa. Đầu tháng 9, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Luật sư Lôdơbi báo tin mình lại bị bắt giam ở Hồng Kông.

Khoảng từ giữa tháng 9 đến cuối năm 1932, Nguyễn Ái Quốc được thả tự do nhờ sự giúp đỡ của Luật sư Lôdơbi, Người được ông bà Lôdơbi thu xếp vào ở trong ký túc xá của Hội những người Thiên chúa giáo trẻ Trung Quốc chờ dịp rời Hồng Kông.

Với sự giúp đỡ của Tômát Xautôn - Phó thống đốc Hồng Kông, Người được phép dùng ca nô riêng của Thống đốc rời bến cảng ra khơi, đánh tín hiệu bắt một chiếc tàu đang chạy từ hướng đông đi Hạ Môn.

Không bắt được Người, báo chí của đế quốc Pháp phao tin Nguyễn Ái Quốc đã chết vì bệnh lao trong Nhà tù Hồng Kông, làm nhiều đảng viên và người yêu nước Việt Nam bàng hoàng. Khi nghe tin Người đã thoát khỏi nhà tù đế quốc, bình an vô sự các đồng chí của Người vô cùng vui mừng, sung sướng.

Sau gần hai năm bị bắt giam, nhờ sự đấu tranh kiên trì và khéo léo của mình, sự can thiệp của các tổ chức quốc tế sự giúp đỡ tận tình của vợ chồng Luật sư Lôdơbi và một số cá nhân tiến bộ khác, đồng chí Nguyễn Ái Quốc được trả lại tự do hoàn toàn. Sau đó, Người sang Liên Xô.

--------------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.187-189, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực