Phong trào Nam tiến và ủng hộ Nam Bộ kháng chiến

Thứ tư, 02/10/2019 14:16
(ĐCSVN) - Chi viện cho chiến trường Nam Bộ, Trung ương Đảng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của quân và dân Nam Bộ, với tinh thần "phải hút toàn lực vào đó; hy sinh hết thảy vì kháng chiến; hy sinh hết thảy vào mặt trận miền Nam”.
Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào
Nam chi viện cho mặt trận Nam Bộ năm 1945. (Ảnh: baotanglichsu.vn)

Hưởng ứng tiếng gọi cứu nước, phong trào Nam tiến ủng hộ Nam Bộ kháng chiến diễn ra sôi nổi khắp nơi trên toàn quốc, với nhiều hình thức phong phú.

Trên toàn quốc, liên tiếp tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình biểu thị quyết tâm kiên quyết kháng chiến, kiên quyết bảo vệ độc lập, tự do, với các khẩu hiệu "Đả đảo thực dân phản động Pháp xâm lược", "Nước Việt Nam của người Việt Nam", "Triệt để ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh". Các đoàn thể đã kịp thời động viên nhân dân ủng hộ kháng chiến. Các phương tiện thông tin đều phản ánh kịp thời tình hình chiến sự. Ngày 30-10-1945, hơn 25 ngàn Việt kiều ở Pháp đã xuống đường biểu tình tố cáo hành động xâm lược của thực dân Pháp.

Hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đều lập Phòng Nam Bộ, ghi tên những người tình nguyện vào Nam giết giặc. Các đơn vị Nam tiến được tổ chức, xây dựng, theo sự tình nguyện của hàng vạn nam, nữ thanh niên thuộc nhiều ngành, nghề khác nhau; các em thiếu niên, các cụ già, nhà sư cũng tình nguyện lên đường chiến đấu.

Ngày 26-9, Chi đội Nam tiến đầu tiên gồm 3 đại đội do Chi đội trưởng Hoàng Thơ phụ trách đã hành quân bằng tàu hoả từ ga Hàng Cỏ. Dọc đường đã bổ sung 2 đại đội của Thanh Hoá, Nghệ An. Chi đội đã vào chiến đấu tại miền Đông Nam Bộ. Tiếp theo, nhiều đơn vị thuộc các Chi đội Giải phóng từ nhiều tỉnh ở Bắc Bộ và Trung Bộ vào Nam Bộ chiến đấu.

Trong hàng ngũ những đoàn quân Nam tiến, có cả những Việt kiều mới về nước, những cựu binh sĩ Việt Nam rời bỏ hàng ngũ quân đội Pháp đóng tại Vân Nam cũng tình nguyện vào Nam đánh giặc.

Lực lượng Nam tiến vào các chiến trường đã sát cánh chiến đấu cùng các chiến sĩ Nam Bộ, Nam Trung Bộ trên khắp các chiến trường miền Nam. Nhiều người đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất miền Nam Tổ quốc.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.30-32, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực