Thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến

Thứ sáu, 04/10/2019 11:25
(ĐCSVN) - Tại kỳ họp Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo với Quốc hội việc thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến.

Chính phủ Liên hiệp lâm thời được thành lập ngày 1-1-1946 đã “làm được nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc trong tình thế nghiêm trọng của nước nhà" và Chính phủ trao quyền cho Quốc hội để tổ chức một Chính phủ mới.

Kỳ họp Quốc hội khoá I đã thảo luận về việc thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Theo đề nghị của Chủ tịch kỳ họp Quốc hội khoá I Ngô Tử Hạ, Quốc hội tán thành Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ, Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch.

Được Quốc hội giao quyền thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trước Quốc hội danh sách Chính phủ Liên hiệp, giới thiệu tóm tắt một số Bộ trưởng; danh sách Cố vấn đoàn và Kháng chiến Uỷ viên hội. Thành phần Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm:

1. Chủ tịch                               Hồ Chí Minh

 

2. Phó Chủ tịch                        Nguyễn Hải Thần

 

3.. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao     Nguyễn Tường Tam

 

4. Bộ trưởng Bộ Nội vụ            Huỳnh Thúc Kháng

 

5. Bộ trưởng Bộ Kinh tế            Chu Bá Phượng

 

6. Bộ trưởng Bộ Tài chính        Lê Văn Hiến

 

7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng    Phan Anh

 

8. Bộ trưởng Bộ Xã hội kiêm y tế, cứu tế và lao động       Trương Đình Tri

 

9. Bộ trưởng Bộ Giáo dục         Đặng Thai Mai

 

10. Bộ trưởng Bộ Tư pháp        Vũ Đình Hoè

 

11. Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính    Trần Đăng Khoa1

 

 12. Bộ trưởng Bộ Canh nông  Bồ Xuân Luật2

 

Cố vấn đoàn do Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy đảm nhiệm. Kháng chiến Uỷ viên hội do Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và Vũ Hồng Khanh làm Phó Chủ tịch.

Quốc hội công nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Cố vấn đoàn, Kháng chiến Uỷ viên hội và "trao quyền bính" cho Chính phủ Liên hiệp kháng chiến.

Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập, có nhiệm vụ "thực hiện triệt để sự thống nhất các lực lượng của quốc dân về phương diện quân sự, tuyên truyền cũng như về phương diện hành chính tư pháp, tổng động viên nhân lực và tài sản của quốc gia theo sự nhu cầu của tình thế, để đưa kháng chiến đến thắng lợi và nước nhà đến độc lập hoàn toàn".

--------------

Chú thích:

1,2: Bộ Giao thông công chính và Bộ Canh nông để dành cho đại diện Nam Bộ. Song vì đại biểu Nam Bộ chưa ra họp được, nên các đảng phái thỏa thuận để Trần Đăng Khoa và Bồ Xuân Luật quản lý hai Bộ đó.

-------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.64-65, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực