Thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam

Thứ tư, 25/09/2019 14:15
(ĐCSVN) - Để phát triển và tăng cường lực lượng cách mạng trong mọi lĩnh vực trên các địa bàn, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (2-1943) chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận Dân tộc thống nhất (tức Mặt trận Việt Minh), liên minh với tất cả các đảng phái, các nhóm yêu nước chưa gia nhập Việt Minh nhằm mục tiêu giải phóng, độc lập dân tộc.

Từ phương hướng đó, Đảng chú trọng tìm hiểu khả năng, nguyện vọng của tầng lớp trí thức, dẫn dắt họ vào con đường đấu tranh. Được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 30-6-1944, một số trí thức yêu nước và tiến bộ hoạt động ở Hà Nội tổ chức một cuộc họp tại làng Thanh Xuân (trên đường Hà Nội - Sơn Tây) thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam. Dự Hội nghị có tám đại biểu, trong đó có Dương Đức Hiền (luật sư) Cù Huy Cận (kỹ sư canh nông), Huỳnh Bá Nhung (bác sĩ)1. Có tài liệu viết Dương Đức Hiền là người đứng đầu Đảng Dân chủ Việt Nam khi mới thành lập. Mục tiêu, tôn chỉ của Đảng Dân chủ Việt Nam là đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do dân chủ, dân sinh hạnh phúc. Đảng hoạt động trong giới sinh viên, trí thức, tiểu tư sản lớp trên. Ngay sau khi ra đời, Đảng Dân chủ Việt Nam tự nguyện đứng vào hàng ngũ Việt Minh, hoạt động theo Chương trình của Mặt trận Việt Minh.

Đảng Dân chủ Việt Nam thành lập, trở thành thành viên của Mặt trận Việt Minh, làm cho Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít thêm sâu rộng, tạo điều kiện để Đảng tranh thủ tầng lớp trung gian, làm thất bại âm mưu của phát xít và tay sai định lôi kéo tư sản dân tộc và tầng lớp trí thức Việt Nam.

Đánh giá về Đảng Dân chủ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh (nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI) khẳng định: “Sau khi ra đời, Đảng Dân chủ lập tức đứng vào hàng ngũ Mặt trận, sát cánh với Đảng Cộng sản Việt Nam và các đoàn thể Cứu quốc đoàn kết lại cùng nhau cứu nước cứu nhà. Sự ra đời của Đảng Dân chủ Việt Nam là một trong những sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ của phong trào cách mạng nước ta".

Do những đóng góp to lớn trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám, cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng Dân chủ Việt Nam đã được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng cao quý.

Sau cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi, đất nước thống nhất, Đại hội Đại biểu Đảng Dân chủ Việt Nam lần thứ V, họp từ ngày 18 đến ngày 20-10-1988 tại Hà Nội đã tổng kết quá trình lịch sử cống hiến của Đảng với cách mạng Việt Nam và tuyên bố Đảng kết thúc hoạt động.

---------------

Chú thích:

1. Theo đồng chí Lê Trọng Nghĩa, để tăng cường lãnh đạo, giúp đỡ Đảng Dân chủ Việt Nam, tháng 5-1945, Đảng thành lập Đảng đoàn trong Đảng Dân chủ, gồm ba đồng chí: Kiến (An), Hoàng Minh Chính, Lê Trọng Nghĩa.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.863-866, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực