Những mốc lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ hai, 07/10/2019 10:58
(ĐCSVN) –Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là đỉnh cao của trí tuệ quân sự Việt Nam, chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin điểm lại những mốc thời gian của Chiến dịch này.
Những binh sĩ Pháp đầu hàng được áp giải đến nơi tạm giam. Ảnh tư liệu

20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất ở chiến trường Đông Dương.

06/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, phương châm tác chiến là “đánh chắc, tiến chắc”, nhằm tiêu diệt toàn bộ quân địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội được chỉ thị trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

31/01/1954, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển vị trí đóng quân đến khu rừng Mường Phăng trên đại điểm xã Mường Phăng, huyện Điện Biên cách Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 40km đường bộ và khoảng hơn 15km đường chim bay.

13/3/1954, sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, quân ta nổ sung mở đợt tiến công thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày chiến đấu, ta tiêu diệt nhanh gọn hai cứ điểm kiên cố bậc nhất của địch (Him Lam và Độc Lập). Ta tiêu diệt và bắt sống 2000 tên địch, bắn rơi 12 máy bay, uy hiếp sân bay Mường Thanh.

30/3/1954, ta mở đợt tấn công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm, đánh đồng loạt các ngọn đồi phía đông của phân khu trung tâm. Đợt này, ta tiêu diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các ngọn đồi phía đông.

01/5/1954, ta mở đợt tấn thứ ba. Quân ta lần lượt đánh chiếm những cứ điểm con lại, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch, làm tiền đề để tiêu diệt nốt đồi A1 và C2.

06/5/1954, vào lúc 20 giờ 30 phút, khối bộc phá 960kg nổ trên Đồi A1 báo hiệu ngày tàn của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

07/5/1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, tướng Đờ Cáttơri và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, gồm 21 tiểu đoàn; thu 28 khẩu pháo, 5.915 khẩu sung, 3 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, 20 tấn thuốc quân y, 40 tấn đồ hộp, 40.000 lít xăng dầu, bắn rơi 62 máy bay các loại.

21/7/1954, Hiệp định Giơnever được ký kết, Pháp và các nước tham gia công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, rút quân khỏi Đông Dương.

Theo Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Tập 3, tr. 944-947.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực