44 năm sau chiến thắng Ba Rày lịch sử (15/9/1967 – 15/9/2011): Trang mới trên miền đất Cẩm Sơn anh hùng

Thứ ba, 13/09/2011 16:53

Nói đến Cẩm Sơn, Cai Lậy, Tiền Giang mọi người nhớ ngay đến chiến thắng Ba Rày ngày 15/9/1967 – một trong những chiến thắng vang dội thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày đó, sông Ba Rày hiền hòa quanh năm đem phù sa màu mỡ bồi đắp cho những vườn cây trái sum suê đã nổi cơn thịnh nộ, nhấn chìm 17 tàu chiến của Lữ đoàn Mỹ xuống đáy sông. Chiến trận ác liệt diễn ra trên đoạn sông dài khoảng 5 km từ vàm rạch Bà Sá ở phía bắc đến vàm Rạch Thầy Thanh ở phía nam với những địa danh lẫy lừng như rạch Chùa, rạch Cầu Ván, rạch Tham Rôn...Chiến thắng Ba Rày đã khiến chiến thuật của giặc dùng hạm đội nhỏ trên sông tấn công vào vùng căn cứ cách mạng bị cáo chung.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cẩm Sơn đất hẹp, người đông lại thuần nông. Hòa bình lập lại, miền đất này chịu đựng hậu quả nặng nề của bom đạn, đất đai bị bỏ hóa, gò cao, nhiễm phèn, khó canh tác...Toàn xã chỉ có 1.058 ha đất sản xuất, chủ yếu là vườn trồng cây ăn trái chiếm đến 939 ha, còn lại một ít trồng lúa và rau màu. Cẩm Sơn xác định cần phát huy tốt các tiềm lực lao động, đất đai, ngành nghề giúp nông dân tăng gia sản xuất, vượt qua khó khăn trở ngại, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong đó, nông nghiệp mà kinh tế vườn là chủ lực được xem mặt trận hàng đầu, đồng thời kết hợp mở mang ngành nghề nông thôn, phát triển chợ và thương mại, dịch vụ...

Rút kinh nghiệm trận lũ lụt năm 2000 gây nhiều thiệt hại, Cẩm Sơn phát huy vai trò các khu đê bao ngăn lũ, tích cực khuyến khích bà con chuyển từ đất lúa sang trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản cho giá trị kinh tế cao: vú sữa, sầu riêng, bưởi da xanh... Bên cạnh đó, xã đầu tư xây dựng chợ, kiện toàn hạ tầng giao thông.

Nhờ những nỗ lực lớn, đúng định hướng, Cẩm Sơn định hình được vùng trồng chuyên canh sầu riêng 428 ha tại ấp 3 và ấp 4, gần 130 ha cam các loại và khoảng 150 ha bưởi da xanh ở ấp 1 và ấp 2 cho thu nhập hàng năm cao gấp 3 – 4 lần trồng lúa năng suất cao. Rất nhiều nông dân đổi đời, trở thành tỉ phú nông thôn nhờ vườn cây ăn quả chuyên canh, trở thành hạt nhân trong phong trào cải tạo vườn tạp, trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản. Điển hình như hộ ông Hồ Văn Lập (Ba Lập) ở ấp 4. Với 9 công đất sản xuất, mỗi năm ông Ba Lập thu nhập gần 450 triệu đồng, tính ra một ha đất cho lợi nhuận 500 tỷ đồng.

Nhờ giao thông thủy, bộ thuận tiện, Cẩm Sơn phát huy những thế mạnh ngành nghề, thương mại dịch vụ nhằm giảm nghèo nông thôn, xây dựng quê hương cách mạng theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Trong nhiệm kỳ 2006 – 2010, toàn xã huy động trên 12,8 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển làm 24 tuyến đường nông thôn, 14 tuyến kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất, nâng cấp chợ Tham Rôn và chợ Đầu lộ... Các công trình tiện ích hạ tầng trên sớm phát huy hiệu quả trong đời sống, tạo điều kiện chuyển đổi sản xuất từ thuần nông sang đa canh. Theo thống kê, toàn xã có 529 cơ sở ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo công ăn việc làm cho trên 1.300 lao động. Chợ Tham Rôn và chợ Đầu lộ trên địa bàn Cẩm Sơn thu hút gần 200 hộ kinh doanh, trở thành những ngôi chợ đầu mối ở mạn nam huyện Cai Lậy.

Trong những ngày tháng 9 hào hùng, về Cẩm Sơn ai cũng vui mừng thấy nông nghiệp, nông thôn khởi sắc, đời sống người dân từng bước ổn định. Tỉ lệ hộ nghèo hiện còn 8,06%; 99,01% hộ có điện dùng trong sinh hoạt, 98,26% hộ dân dùng nước giếng tầng sâu, tỉ lệ sử dụng điện thoại đạt 12,71 máy/100 dân...Đó là những con số “biết nói” cho thấy nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân lập nên kỳ tích trong giai đoạn mới của đất nước.

44 năm sau chiến thắng Ba Rày, 36 năm sau ngày đất nước thống nhất, Cẩm Sơn đúc kết được những bài học kinh nghiệm quý trong sản xuất, lao động, trong công cuộc giảm nghèo cũng như xây dựng bộ mặt nông thôn mới. Đó cũng là tiền đề để giai đoạn 2011 – 2015 địa phương hướng đến mục tiêu mới: huy động 17,5 tỉ đồng vốn đầu tư, chuyển 100% diện tích vườn tạp thành vườn chuyên canh có giá trị kinh tế cao, nâng thu nhập bình quân đầu người lên mức 12 triệu đồng/năm, giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn xã xuống dưới 6%.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực