55 năm Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đồng hành cùng cuộc sống

Thứ năm, 22/12/2011 18:02

(ĐCSVN) - Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương là nơi trưởng thành của 4 thế hệ các nhà làm phim. Hơn nửa thế kỷ đồng hành cùng cuộc sống, 4 thế hệ của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của những người chép sử bằng hình ảnh.

Được thành lập năm 1956 (tách ra từ Xưởng phim Việt Nam), các nhà làm phim thời sự tài liệu thời bấy giờ là những phóng viên ghi chép lại lịch sử bằng hình ảnh. 55 năm qua, các nhà làm phim tài liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã có nhiều đóng góp cho ngành điện ảnh Việt Nam với hàng chục giải thưởng danh giá tại các Liên hoan phim (LHP) quốc tế, LHP quốc gia và giải hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam. 
 

  

Một cảnh trong bộ phim tư liệu "Đất lạnh" (đạo diễn Nguyễn Thước)
(Ảnh: Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương)


Ngay từ những năm đầu thành lập, các nhà làm phim thời sự tài liệu thời bấy giờ đã lao mình vào thực tiễn cuộc sống, phản ánh trung thực công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước. Số lượng phim sản xuất hàng năm lên đến 25 phim. Những bộ phim tiêu biểu của giai đoạn này như: “Chiến thắng Tây Bắc”, “Điện Biên Phủ”, “Giữ làng giữ nước”, “Chống hạn”, “Dưới cờ Quyết thắng”, “Nước về Bắc Hưng Hải”, “Vài hình ảnh về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi”. Đặc biệt, bộ phim “Nước về Bắc Hưng Hải” (đạo diễn Bùi Đình Hạc; quay phim: Hồng Sến, Ngọc Quỳnh, Vũ Sơn) là bộ phim tài liệu đầu tiên của Việt Nam đã giành Huy chương vàng tại LHP Quốc tế Matxcơva năm 1959.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, trụ sở Xưởng phim Thời sự Tài liệu Việt Nam tại 122, Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) như một trạm tư lệnh tiền phương. Tại đây, các nghệ sĩ phim tài liệu tỏa đi hầu khắp các mặt trận. Toàn thể những người sáng tác luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ tại những nơi điểm nóng của đất nước. Những thước phim được trả giá bằng mồ hôi và xương máu ngày ấy, đã góp phần làm nên diện mạo của nền điện ảnh Việt Nam chiến đấu vì độc lập, tự do, vì sự sống con người: “Đầu sóng ngọn gió”, “Một ngày trực chiến”, “Những người mở đường”, “Chú ý! Thuốc trừ sâu”, “Những cô gái Ngư Thủy”, “Lũy thép Vĩnh Linh”, “Làng nhỏ bên sông Trà”, “Mở đường Trường Sơn”…

Kết thúc cuộc chiến tranh, các nhà làm phim lại tỏa đi khắp đất nước để thực hiện công việc của người chép sử bằng hình trong giai đoạn mới. Âm hưởng chiến thắng là cảm xúc chủ đạo của các phim sản xuất trong giai đoạn này nhưng khuynh hướng sáng tác thì đi sâu vào tâm trạng, số phận con người; phim thời sự coi trọng việc bình luận sự kiện; phim khoa học tìm tòi những vấn đề khoa học mới mẻ đang áp dụng trong thực tế phổ biến kiến thức cho người xem. Các phim điển hình như: “Địa chỉ mới”, “Ong mắt đỏ”, “Đất tổ nghìn xưa”, “Những chặng đường lịch sử vẻ vang”, “Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin”, “Đường về tổ quốc”, “Đường dây lên sông Đà”, “Tên em là gì”, “Hai mươi năm sau”, “Truyện tháng năm”, “Hà Nội trong mắt ai”, “Một phần năm mươi giây của cuộc đời”, “Hạt thóc vàng”, “Tiếng nổ định hướng”, “Để mãi mãi màu xanh”, “Việt Nam- Hồ Chí Minh”…

Ngày 22/2/1982, Xưởng phim Thời sự Tài liệu Việt Nam được đổi tên thành Xí nghiệp Tài liệu và Khoa học Trung ương. Tháng 3/1989, đổi thành Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Bước vào giai đoạn đất nước đổi mới, các nhà làm phim tài liệu cũng đứng trước thách thức mới. Những bộ phim ra đời trong giai đoạn này thực sự thể hiện bản lĩnh đổi mới trong tư duy của những người làm phim. Có thể kể đến các bộ phim như: “Chuyện tử tế”, “Cánh kiến đỏ”, “Một số loài ong mật ở Việt Nam”, “Nơi chiến tranh đã đi qua”, “Trở lại Ngư Thủy”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”, “Chị Năm Khùng”, “Điệu múa cổ”, “Chốn quê”, “Sự nhọc nhằn của cát”, “Nuôi tôm hùm trên biển”, “Còn lại với thời gian”, “Sự sống ở rừng Cúc Phương”, “Đất lạnh”, “Chất xám”, “Mẹ đã về và cha mẹ xin lỗi con”, “Bài ca trên đỉnh Tà Nùng”...

Nhờ phát huy truyền thống và uy tín đã dày công tạo dựng, từ năm 2005 đến nay, ngoài 69 phim kế hoạch Nhà nước giao luôn đảm bảo chất lượng, Hãng còn sản xuất 104 bộ phim đặt hàng của các bộ, ban, ngành; 19 chương trình miền núi phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa; quay 13.000m tư liệu kế hoạch gồm tư liệu các kỳ họp của Quốc hội, các kỳ Hội nghị TƯ Đảng, các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với lãnh đạo các nước trên thế giới. Đặc biệt, trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Hãng đã có nhiều tác phẩm như: “Bác Hồ, sự cảm hóa kỳ diệu”, “Người thắp lửa”, “Ông Mười Khôi”, “Văn Miếu Quốc Tử Giám”, “Đi tìm dấu vết một kinh thành”…

Sau chặng đường dài 55 năm, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã là cái tên quen thuộc trong lòng khán giả Việt với hàng trăm bộ phim ấn tượng. Với những đóng góp và công lao to lớn của các nghệ sỹ và các thế hệ của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng các phần thưởng cao quí cho tập thể: Danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập Hạng nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Cờ thi đua luân lưu của Chính phủ và của Bộ trong nhiều năm. Hãng có 7 Nghệ sỹ nhân dân, 38 Nghệ sỹ ưu tú và nhiều nghệ sỹ thành danh khác.

Với 55 năm hình thành và phát triển, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất phim tài liệu, khoa học, quay tư liệu lưu trữ về các sự kiện quan trọng của đất nước cùng các nhiệm vụ chính trị đột xuất khác liên quan đến điện ảnh. Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng là nơi trưởng thành của các thế hệ những nhà làm phim, thế hệ khởi đầu nghề nghiệp từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời là những người góp phần khai sinh ra nền điện ảnh Việt Nam./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực