90 năm công tác Tuyên giáo truyền lửa cách mạng và thắp sáng niềm tin

Thứ hai, 27/07/2020 17:16
(ĐCSVN) - Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang và những thành tựu tự hào của Ngành đóng góp vào sự nghiệp của Đảng, của dân tộc trong 90 năm qua. Ngành Tuyên giáo đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, thể hiện tính kế thừa và phát triển, đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng.

Thực hiện chủ trương của Đảng được đề ra tại Đại hội lần thứ XII: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả”[1], trong hơn bốn năm qua, Ngành Tuyên giáo đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, thể hiện tính kế thừa và phát triển đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng.

Trước hết, cần đề cập đến bối cảnh sau Đại hội XII đến nay để thấy rõ công tác tuyên giáo đã đi trước mở đường cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mau chóng đi vào đời sống xã hội. Có thể thấy, từ sau Đại hội XII, tình hình quốc tế bên cạnh xu thế lớn là hoà bình, hợp tác và phát triển thì có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, cạnh tranh chiến lược và xung đột thương mại giữa một số nền kinh tế, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Tình hình khu vực, biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp.

leftcenterrightdel
Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà bia kỷ niệm nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, tại ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi đó, ở trong nước, bên cạnh những thành tựu toàn diện đạt được rất quan trọng thì những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19 đã trở thành đại dịch trên toàn thế giới, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Bốn nguy cơ mà Đảng ta nêu ra từ Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Khoá VII: Chệch hướng XHCN, tụt hậu xa hơn về kinh tế, tham nhũng và “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn, lại xuất hiện thêm một nguy cơ mới là nền kinh tế nước ta nếu không phát triển nhanh hơn, sẽ rơi vào bẫy “thu nhập trung bình” vẫn là thách thức lớn.

Thêm vào đó, bốn vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay: An toàn mạng, an toàn môi trường, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm đang hằng ngày, hằng giờ tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, chất lượng cuộc sống và sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Các thế lực thù địch, đối tượng phản động, bất mãn, cơ hội chính trị ráo riết tiến hành các hoạt động chống phá với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào con đường đi lên CNXH, vào sự nghiệp đổi mới, hòng chia rẽ nội bộ, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

Trên bối cảnh đó đã đặt ra cho toàn Ngành Tuyên giáo những thách thức không nhỏ để giữ vững trận địa tư tưởng, tiếp tục kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc để thực hiện mục tiêu cao cả của Đảng xây dựng đất nước: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chỉ đạo phương hướng hoạt động của Ngành Tuyên giáo từ đầu nhiệm kỳ, Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh: “Cần đổi mới sâu sắc, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức tuyên truyền, kịp thời định hướng tư tưởng chính trị, dư luận xã hội, mở đường cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi nhanh vào cuộc sống”[2].

Trên tinh thần đó, công tác tuyên giáo trong thời gian vừa qua đã bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ các cấp, phối hợp chặt chẽ trong và ngoài ngành, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực triển khai đồng bộ, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó đã chủ động kịp thời thông tin tuyên truyền tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận xã hội, góp phần vào các thành tựu nổi bật của ngành Tuyên giáo trong thời gian qua.

Thứ hai, hệ thống tuyên giáo toàn quốc tiếp tục tích cực chủ động tham mưu cấp uỷ Đảng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới các khâu tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và địa phương. Trước đây, việc tổ chức hội nghị quán triệt nghị quyết được chia làm ba cấp độ trực tiếp ở các cơ quan Trung ương; tỉnh, thành; cơ sở. Lần đầu tiên Ban tuyên giáo Trung ương đã đề nghị với Ban Bí thư đồng ý từ Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 Khoá XII đã tổ chức trực tuyến, có khoảng 220.000 đại biểu tham dự; Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 có 2.700 điểm cầu và hơn 400.000 đại biểu tham dự; Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 có 2.759 điểm cầu và hơn 405.000 đảng viên tham dự. Có nhiều tỉnh, thành uỷ kết nối đường truyền tới cấp huyện và xã.

Việc tổ chức Hội nghị trực tuyến đã khắc phục được độ trễ về thời gian (trước đây tổ chức học trực tiếp ở ba cấp thì phải hết sáu tháng mới xong); mở rộng đối tượng và tăng số lượng cán bộ, đảng viên tham dự, nhận được sự đồng tình, ủng hộ và hoan nghênh của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thời gian qua công tác báo cáo viên cũng được đổi mới tổ chức linh hoạt hơn. Từ chỗ tổ chức Hội nghị trực tiếp đã chuyển dần sang tổ chức các Hội nghị trực tuyến. Tuỳ theo nội dung từng Hội nghị mà quyết định hình thức tổ chức cho phù hợp. Công tác báo cáo viên cũng có nhiều đổi mới từ Trung ương đến cơ sở. Các Hội nghị ở Trung ương do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức đã mời các đồng chí lãnh đạo và chuyên gia trực tiếp chỉ đạo và soạn thảo nghị quyết, đồng thời chú trọng bám sát tình hình thực tiễn của đất nước khi truyền đạt nên tạo được sự hấp dẫn.

Thứ ba, huy động sức mạnh tổng hợp của các “binh chủng” trong công tác thông tin tuyên truyền, như: Tuyên truyền tổng hợp, dư luận xã hội, báo chí xuất bản, tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông tin đối ngoại, các báo và tạp chí từ Trung ương đến cơ sở để tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Công tác tuyên truyền chú trọng “Hướng mạnh về cơ sở”, công tác báo chí theo phương châm: “Chủ động, nhạy bén, kịp thời, hiệu quả”, công tác tuyên truyền miệng theo phương châm: “Nắm chắc ý Đảng, hiểu rõ ý dân, thông tin thiết thực, tuyên truyền hiệu quả” đã bám sát thực tiễn của đất nước và quốc tế để đẩy mạnh thông tin tuyên truyền theo hướng đổi mới các sự kiện lớn và nhạy cảm, tạo dấu ấn quan trọng, như: Tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC và năm APEC 2017; Cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao Mỹ - Triều tại Hà Nội; Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pônpốt.

Trong việc tuyên truyền 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đạt được nhiều yêu cầu: giúp cho cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cựu chiến binh và gia đình, thân nhân của các thương binh, liệt sĩ có cái nhìn khách quan và đúng lịch sử của cuộc chiến đấu; đánh tan suy nghĩ có vấn đề kiêng kỵ, nể nang xung quanh vấn đề này và không ảnh hưởng đến đấu tranh tuyên truyền đối ngoại; Về sự kiện nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 981 của Trung Quốc vào khu vực bãi Tư Chính hoạt động, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đã đạt được yêu cầu giữa thông tin phát ngôn, hành động là phải cân đối, hài hoà, nhất quán về chủ trương của Đảng và Nhà nước theo tinh thần: Đấu tranh dư luận, đấu tranh ngoại giao và đấu tranh tư pháp; không đưa tin các hoạt động thực địa nhạy cảm và không để xảy ra tình trạng dân đổ xuống đường biểu tình, đập phá như vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm chiếm trái phép chủ quyền vùng biển của Việt Nam năm 2014. Qua đó làm cho nhân dân trong nước và các nước ủng hộ, đập tan những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch và phản động. Về các sự kiện: vụ Formosa làm ô nhiễm môi trường biển các tỉnh miền Trung; vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội... đã cung cấp thông tin kịp thời được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình.

Đặc biệt công tác thông tin tuyên truyền về việc tổ chức chuỗi các hoạt động 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm ngày mất của Người rộng khắp từ Trung ương đến địa phương đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng đặc biệt sâu rộng, có tác dụng giáo dục truyền thống và lý tưởng cách mạng đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đợt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân mà nổi bật là tuyên truyền các hoạt động, các chương trình nghệ thuật chào mừng, cuộc thi tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam trên mạng xã hội VCNet… đã tạo sức lan toả trong Đảng và trong đời sống xã hội.

leftcenterrightdel
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao  tặng hoa và Giấy chứng nhận cho các cá nhân xuất sắc đoạt giải Nhất Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng”. (Ảnh: T. Dương)

Thứ tư, tập trung thông tin tuyên truyền thành quả của đất nước từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng trên các lĩnh vực đời sống xã hội, thực hiện phương châm của Đảng đã đề ra: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng nền văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” .Trên cơ sở đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đặc biệt Đảng ta rất chú trọng nguồn lực con người – coi con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ trên cơ sở gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả nền kinh tế, từng bước đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Do vậy, tăng trưởng kinh tế trong 4 năm qua khá cao, năm sau tăng cao hơn năm trước, trong đó năm 2018 đạt 7,02%, năm 2019 đạt 7,08%. Sự tăng trưởng của Việt Nam được các nước trên thế giới đánh giá cao. Ngân hàng thế giới nhận xét về tăng trưởng của Việt Nam năm 2019: “Trong khi mây đen phủ bóng bầu trời thì mặt trời vẫn toả sáng ở Việt Nam”.

Hiện nay đất nước chúng ta và cả thế giới đang phải chống đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Tổng thư ký Liên hợp quốc phát biểu: “Đại dịch COVID-19 là kẻ thù chung của nhân loại”. Đảng và Nhà nước ta đề ra phương châm: “Chống dịch như chống giặc”, “Coi sức khoẻ và tính mạng con người là trên hết”, “Mỗi người dân là một chiến sĩ” để chống dịch. Đến nay chúng ta vẫn kiểm soát được đại dịch, có 420 người mắc bệnh, trong đó hơn 365 người đã khỏi bệnh, chưa có bệnh nhân nào tử vong. Trong khi, thế giới có hơn 16,4 triệu người mắc bệnh và hơn hơn 650 ngàn người tử vong. Điều đó khẳng định công tác truyền thông có hiệu quả cao, luôn công khai, minh bạch, cả hệ thống chính trị vào cuộc với trách nhiệm cao nhất, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước. Công tác thông tin tuyên truyền đã góp phần quan trọng vào kết quả chống đại dịch này. Ban Tuyên giáo Trung ương đã kịp thời ban hành hướng dẫn các chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo các báo, đài kịp thời đưa tin bài cổ vũ cả hệ thống chính trị, toàn dân chống dịch. Có nhiều bài viết, bài thơ cổ vũ các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Truyền thống nhân nghĩa, nhân văn của Việt Nam tiếp tục được khẳng định và phát huy lan toả. Các tổ chức quốc tế và nhiều nước hoan nghênh phương thức chống dịch rất hiệu quả của Việt Nam.

Thứ năm, công tác thông tin tuyên truyền đã tập trung để đổi mới tư duy nhằm thúc đẩy sự phát triển của dân tộc và đất nước, khắc phục tính bảo thủ trì trệ và xa rời thực tiễn. Theo đó, có những dự báo giải quyết kịp thời các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra. Đặc biệt công tác thông tin tuyên truyền đã chú trọng tính đối thoại để khắc phục cách làm áp đặt, thông tin tuyên truyền một chiều, gây giảm niềm tin trong một bộ phận cán bộ và nhân dân, lấy cơ sở lý luận và thực tiễn để tăng tính thuyết phục của công tác tuyên truyền, phát huy vai trò nòng cốt của ngành tuyên giáo trong bảo vệ nền tảng tư tưởng với phương châm: “Ta hiểu đúng ta cũng là chống lại kẻ thù” để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Để tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tránh sự phân tâm, cần cung cấp thông tin định hướng kịp thời những sự việc nhạy cảm, như: Vụ việc xảy ra kéo dài ở Đồng Tâm (Hà Nội), vụ 39 người bị chết trong container ở Vương quốc Anh, vụ tàu Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính… Khi cung cấp thông tin, cần phân chia độ “MẬT” và phổ biến rộng rãi như thời gian qua Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiến hành (có loại tài liệu gửi cho các đồng chí Uỷ viên Trung ương, có loại tài liệu gửi cho cán bộ chủ chốt, có loại tài liệu gửi cho cán bộ, đảng viên). Tiến hành trao đổi đối thoại công khai với cán bộ, đảng viên tại các Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Đảng, tại các Hội nghị Báo cáo viên được tổ chức hằng tháng. Đặc biệt đã bước đầu tổ chức đối thoại, thuyết phục, đấu tranh xử lý một số đảng viên viết, phổ biến các thông tin sai trái trên Internet, mạng xã hội để “không đẩy” số cán bộ này từ chỗ thiếu thông tin, bất mãn cá nhân mà đứng hẳn về phía “bên kia”. Có những trường hợp đối thoại, thuyết phục không thay đổi thì phải xử lý kỷ luật theo những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước như đối với ông Chu Hảo. Với cách làm như vậy, thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng tình của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời có tác dụng răn đe, cảnh báo.

Thứ sáu, công tác thông tin tuyên truyền góp phần vào việc thực hiện kết luận số 94 của Ban Bí thư Khoá IX về “Tăng cường cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng – văn hoá”, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị Khoá XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và kết luận số 53-KL/TW của Ban Bí thư (Khoá XII) “Về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội”. Thời gian qua đã kịp thời thông tin rõ âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiến hành chống phá, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng… thông qua các hình thức “Xã hội dân sự”, “Cách mạng màu”, “Mùa xuân Ả-rập”… ở Việt Nam. Ban Chỉ đạo Trung ương 94 và Ban Chỉ đạo 94 của các Bộ, Ngành và các tỉnh, thành phố tăng cường thông tin kịp thời và đề ra nhiều giải pháp mới trong chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn công tác đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch. Ban Chỉ đạo Trung ương 35 tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 35-NQ/TW trực tuyến trong phạm vi toàn quốc, thể chế các văn bản thực hiện Nghị quyết. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình, dự báo sớm phát hiện các điểm nóng nhạy cảm để chỉ đạo Nhóm Chuyên gia Trung ương và các ngành, địa phương đấu tranh; ngăn chặn các facebook giả mạo, các trang mạng xã hội, blog cá nhân đưa thông tin xấu, độc ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thời gian qua đã vận hành “Hệ thống thư điện tử bảo mật”. Tổ chức toạ đàm khoa học về chủ đề: “Nhận diện về quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực báo chí, truyền thông và định hướng giải pháp đấu tranh ngăn chặn”. Các báo, đài chủ lực mở các chuyên mục, như: “Bình luận – Phê phán” (Báo Nhân Dân); “Phòng, chống "diễn biến hoà bình" và "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"”(Báo Quân đội nhân dân); “Đối thoại” (Đài Truyền hình Việt Nam); “Nhìn thẳng, nói thật” (Đài Tiếng nói Việt Nam); “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá"” (Báo Hà Nội Mới); "Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)… Ngay tại thời điểm chống đại dịch COVID-19 này, đã chỉ đạo Nhóm chuyên gia Trung ương và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đấu tranh, phản bác với các luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc công cuộc phòng, chống dịch một cách kịp thời và có hiệu quả. Có thể nói, việc hợp nhất Ban Chỉ đạo Trung ương 94, đề án 609, đề án 213 là một quyết định kịp thời của Ban Bí thư để thống nhất tăng cường sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ bảy, công tác thông tin tuyên truyền trực tiếp cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã thấm nhuần và thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Hiện nay, khi đất nước ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã xuất hiện những ý kiến lệch lạc cho rằng thi đua là của giai đoạn trước, còn hiện nay trong kinh tế thị trường thì chỉ có sự cạnh tranh. Điều đó hoàn toàn không đúng. Thực tế đã chứng minh, thông qua các phong trào thi đua, việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng nhân tố mới, điển hình tiên tiến được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức phong trào thi đua. Việc xây dựng điển hình được thực hiện từ cơ sở và đồng bộ ở cả bốn khâu: Phát hiện – bồi dưỡng – tổng kết – nhân rộng. Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo và định hướng các cơ quan báo, đài tăng thời lượng, tiếp tục phát huy hiệu quả và xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục để giới thiệu gương “người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến, như các chuyên mục thời gian qua: “Những việc làm vì dân” (Báo Nhân Dân), “Việc tử tế” (Đài Truyền hình Việt Nam), “Những tấm gương bình dị và cao quý” (Báo Quân đội Nhân dân),.. Công tác tuyên truyền miệng, báo cáo viên có vai trò hết sức quan trọng. Hội nghị báo cáo viên toàn quốc tổ chức ở nhiều khu vực mời các báo cáo chuyên đề về thi đua yêu nước, và các tấm gương điển hình tiên tiến đến báo cáo trực tiếp thành tích tại Hội nghị. Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan Thường trực trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XII) về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tổ chức các cuộc giao lưu điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác. Ngoài ra, hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề trên được đẩy mạnh; hàng chục nghìn tác phẩm, ấn phẩm, công trình, hồ sơ của tác giả, nhóm tác giả, đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ gửi về tham gia giải thưởng… tăng tính thuyết phục khi phản ánh việc cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Thứ tám, công tác thông tin tuyên truyền góp phần quan trọng đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng. Có thể khẳng định chưa có nhiệm kỳ nào mà Ban Chấp hành Trung ương lại thảo luận và ban hành nhiều Nghị quyết, quy định về công tác tổ chức xây dựng Đảng như nhiệm kì Đại hội XII. Từ nghị quyết Trung ương 4 về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đến Nghị quyết Trung ương 7 về công tác cán bộ. Từ quy định số 08-QĐ/TW về đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đến Quy định số 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn, chức danh tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Công tác thông tin tuyên truyền đã góp phần quan trọng vào việc đưa các nghị quyết, các quy định về công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó công tác cán bộ là “then chốt” của “then chốt” mau chóng đi vào cuộc sống để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Với việc đổi mới tổ chức quán triệt nghị quyết theo hình thức trực tuyến, với sức mạnh tổng hợp của các binh chủng tuyên truyền, như: Tài liệu, sách, báo, hệ thống báo cáo viên đã góp phần đắc lực vào nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ các cấp về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Đặc biệt, khi thông tin tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã gắn kết với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã đạt được hiệu quả thiết thực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng và đánh giá cao.

Thứ chín, công tác thông tin tuyên truyền hết sức quan tâm cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng đã xác định đây là giặc “nội xâm”. Nghị quyết Trung ương 4, Khoá XII đã cảnh báo rất rõ: “Những hạn chế, khuyết điểm hiện nay trong Đảng đang làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Có thể nói chưa bao giờ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, tiến hành quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng như thời gian qua. Đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ: “Cuộc đấu tranh này không có vùng cấm, không có ngoại lệ và bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật”. Từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 80 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Hơn bao giờ hết, công tác thông tin tuyên truyền thời gian qua đã góp phần quyết liệt vào cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt này. Thực tế cho thấy các cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả vào cuộc đấu tranh đầy cam go này, góp phần xây dựng cơ chế phòng ngừa; răn đe, cảnh cáo, cảnh tỉnh; bảo đảm phương châm: Không thể, không dám, không muốn tham nhũng. Việc thông tin kịp thời, minh bạch để thực hiện lời dạy của Lê-nin: “Công khai là thanh bảo kiếm sớm chữa lành các vết thương”.

Thực hiện phương châm “Có xây, có chống và xây trước, chống sau”, theo tinh thần “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”, công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian qua đã chú trọng giáo dục liêm, chính đối với cán bộ, đảng viên trong tình hình mới theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”. Thực tiễn xây dựng chính đảng Mác-xít đã chứng minh, đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước nếu không thực hiện tốt đạo đức cách mạng, không làm tốt nhiệm vụ chống tha hoá, hủ bại, suy thoái đạo đức lối sống thì càng ngày sẽ càng trở nên khó khăn, gian nan hơn. Muốn kiên định, kiên quyết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì càng phải nâng cao năng lực chống tha hoá, biến chất trong cán bộ, đảng viên, thực hiện liêm, chính trong Đảng. Do vậy, công tác thông tin tuyên truyền qua các kênh khác nhau đã giúp cấp uỷ đảng các cấp cần phải hết sức coi trọng giáo dục tinh thần liêm, chính cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền luôn đứng trước những cám dỗ, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải luôn giữ mình liêm, chính; phải cảnh giác như “đi trên băng mỏng”, như “đứng dưới vực sâu” mới có thể vượt qua sự trói buộc của công danh, lợi lộc, để không hành động vì quyền lực, không bị ham muốn dụ dỗ, mãi mãi không bao giờ bị vật chất đánh bại. Công tác thông tin tuyên truyền cũng đã giúp cán bộ, đảng viên nhận thức rõ khi xử lý đồng chí của mình là một việc khó khăn, nhạy cảm như ông cha ta đã dạy: “Việc với nước là việc lớn, nhưng việc giữa người với người là việc không nhỏ” nhưng vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải kiên quyết thực hiện theo pháp luật như thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Có thể khẳng định công tác thông tin tuyên truyền về đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đáp ứng được sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân và đang cổ vũ cuộc đấu tranh này “không ngừng nghỉ”.

Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang và những thành tựu tự hào của Ngành đóng góp vào sự nghiệp của Đảng, của dân tộc trong 90 năm qua. Chủ động thông tin tuyên truyền để tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội là một nhiệm vụ quan trọng góp phần vào các thành tựu nổi bật của công tác tuyên giáo từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay. Với niềm tin vào truyền thống vẻ vang 90 năm qua của Ngành Tuyên giáo, với tinh thần kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc và tư duy không ngừng đổi mới thì nhất định trong thời gian tới nhiệm vụ chủ động thông tin tuyên truyền sẽ tiếp tục nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả hơn nữa để góp phần vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ngành Tuyên giáo trong tình hình mới do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng và 100 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh./.        


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội – 2016, tr.200.

[2] Võ Văn Thưởng. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Ngành tuyên giáo. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12-2017.

TS. Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý Luận, phê bình VH,NTTW; nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực