Áo tứ thân: Biểu tượng đẹp của phụ nữ Việt

Thứ năm, 11/03/2010 16:19

  
                   Ảnh minh hoạ: Internet 
Hình ảnh người phụ nữ với áo tứ thân, mớ ba, mớ bảy ở những vùng nông thôn Bắc Bộ đã đi vào thơ ca và trở thành biểu tượng cao đẹp của người con gái Việt Nam thời xưa.

Ngày nay các cụ, các bà không còn vận trên mình những bộ trang phục cổ đó nữa, nhưng tại nhiều làng cổ, những bộ trang phục xưa được nhuộm thủ công vẫn được các cụ bà lưu giữ cẩn thận. Đây là những di sản quý cần được bảo tồn để giúp thế hệ trẻ có cái nhìn toàn diện về làng quê Việt Nam, về người phụ nữ nông dân tảo tần, chịu thương chịu khó.

Dưới nếp nhà cổ có niên đại gần 3 thế kỉ, các cụ già lớn tuổi nhất làng Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây (Hà Nội) lại giở những bộ quần áo cũ từng là niềm tự hào ở độ tuổi xuân sắc. Những áo năm thân, quần què, dây buộc bụng… trải qua hàng trăm năm đã sờn, màu the bạc cũng không còn bóng như ngày trước, nhưng cũng đủ gợi lại về những ngày hội làng xưa, ngày về nhà chồng...

Cụ Hải, làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, Sơn Tây (Hà Nội): “Những bộ trang phục như ngày xưa không ai mặc nữa đâu, khăn cưới, áo cưới đẹp lắm, thắt lưng thắt ra ngoài, bộ dây thắt ngang bên mình”...

Từ xa xưa, người phụ nữ nông dân châu thổ sông Hồng đã khéo léo sử dụng màu sắc tự nhiên từ củ nâu, lá bàng giã nhỏ hay bùn dẻo dưới ao để làm màu nhuộm cho những trang phục của mình. Từ những mảnh vải nhuộm, người phụ nữ xưa đã tạo ra nét “văn hóa mặc” đơn giản, tế nhị và kín đáo.

Giáo sư Tanii Yoshiko đến từ Đại học nữ Showa Nhật Bản, Trưởng nhóm nghiên cứu về trang phục cổ Đường Lâm cho rằng, từ việc nhuộm vải đến may trang phục không chỉ gói gọn trong yếu tố “ăn chắc mặc bền”, mà còn là cả một nghệ thuật. “Áo buông bỏ, may khá rộng, nhưng không buông thõng, mà được thắt khít vào lưng o­ng của người mặc. Những yếu tố này tạo nên vẻ đẹp giản dị, thuần chất mà chỉ những phụ nữ Việt mới có được. Tôi cho rằng, cùng với nhà cổ, đình làng, ngõ xóm, trang phục cổ sẽ tạo ra cái nhìn toàn diện về các làng cổ vùng Bắc Bộ”.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho rằng: “Khuyến khích người dân trong làng cổ phải lưu giữ lại những bộ trang phục đó để khi du khách đến thăm làng cổ, chứng kiến những ngày lễ hội, những sự kiện trọng đại của gia đình, họ tộc, họ được tận mắt chứng kiến những bộ trang phục mà họ vận vào, mặc dù nó không còn được màu mè, nhưng mang ý nghĩa rất lớn để giáo dục con cháu, tăng nét đẹp, giá trị văn hóa của làng cổ Đường Lâm”.

Phần lớn các trang phục truyền thống còn lưu giữ lại trong làng đều gắn liền với lớp người cao tuổi. Khi các cụ mất đi, con cháu trong họ sẽ mang những bộ trang phục này đốt theo phong tục của địa phương. Không khó để may lên một bộ áo tứ thân, mớ ba, mớ bảy trong thời đại hôm nay, nhưng những bộ trang phục cổ xưa thì không phải ở đâu cũng có được.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực