Bông hồng cài áo

Thứ năm, 11/08/2022 21:41
(ĐCSVN) - Vu Lan là lễ có ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Vào mùa lễ Vu Lan, phật tử khắp nơi cài lên áo một bông hồng.

Người mất mẹ thì cài lên ngực mình bông hồng trắng, người còn mẹ cài bông hồng đỏ. Những bông hoa nhắc nhở con người ta về giá trị chữ hiếu cũng như ơn nghĩa đấng sinh thành.

Hoa hồng biểu trưng cho sự tri ân, hiếu thảo và lòng biết ơn của con đối với cha mẹ, dù cho họ không còn trên cõi đời này. Đồng thời, hoa hồng còn thể hiện cho một tình yêu chân thành, son sắc, sự cao quý và ngát hương.

Cha như mặt trời, mẹ như mặt trăng. Cha tuy đôi lúc lạnh lùng, cấm đoán, nghiêm khắc với con nhưng những điều đó chỉ mong muốn con trở thành người, cũng như ánh mặt trời vậy, tuy gay gắt, nóng bức và khó chịu, nhưng nhờ mặt trời mà cỏ cây hoa lá có thể xanh tươi. Mẹ như mặt trăng, luôn dịu hiền, dìu bước ta qua màn đêm tăm tối, bao dung những lỗi lầm của đứa con thơ dại của mình. "Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con…".

 Bông hồng trắng dành cho ai đã mất cha mẹ trong nỗi nhớ thương vô hạn 

Trong buổi lễ Vu Lan thiêng liêng, ai còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm, đó như một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ, còn cả một bầu trời yêu thương cao rộng để cảm nhận niềm hạnh phúc và tự nhủ luôn biết cố gắng để làm cha mẹ yên lòng. Ai mất cha hoặc mẹ thì nhè nhẹ cài lên ngực mình đóa hồng nhạt. Những ai không may mất đi cả hai đấng sinh thành thì cài lên ngực hoa hồng trắng - màu của ký ức, như nhắc nhớ về những thời khắc thiếu vắng bóng hình mẹ, cha. Màu trắng tuy buồn thương nhưng thanh khiết như động viên người con thảo hãy sống thật tốt dù đấng sinh thành vắng bóng. Hoa hồng trắng còn muốn nhắc nhở con người rằng phải sống thật tốt, ý nghĩa để người ra đi cảm thấy tâm hồn được an nhiên, thanh thản và không còn vướng bận chuyện trần gian.

Riêng hoa hồng vàng sẽ cài lên ngực áo của chư tôn Thiền đức. Màu vàng là màu của sự giải thoát, màu của ánh đạo được Như Lai thế tôn truyền trao đến hàng Thích tử, cài lên hoa hồng vàng ấy như cài lên một sứ mệnh mà vạn loại hữu tình giao phó, đưa người thoát bến mê, tiến về bờ giác. Thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng để chỉ cho cha mẹ hiện tiền, những người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn. Đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này.

Thực hành hiếu đạo là bổn phận, trách nhiệm của bất kỳ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống thường nhật. Nghi lễ "Bông hồng cài áo" trong lễ Vu Lan đã trở thành nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dịp nhắc nhở mỗi người con, trong cuộc sống dù bộn bề lo toan nhưng vẫn luôn từng giờ, từng phút không quên báo hiếu với cha mẹ.

Báo hiếu không còn chỉ là dành tình cảm tưởng niệm đến những người đã mất mà còn là trách nhiệm của người con khi vẫn còn mẹ cha. Cho dù cuộc sống này vất vả thế nào chúng ta cũng dành thời gian về thăm cha mẹ, thắp nén hương tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, dòng họ...

Thực tâm, việc báo hiếu bắt đầu ngay từ chính con người mình. Bản thân sống tốt, sống có ý nghĩa thì cha mẹ sẽ được hưởng an lạc. Chính vì vậy mỗi chúng ta cần tự điều chỉnh hành vi, biết cống hiến phụng sự cho cha mẹ cả về vật chất lẫn tình cảm.

Rằm tháng 7 từ trước đến nay được biết đến với tên gọi như: lễ Vu Lan, tết Trung Nguyên, xá tội vong nhân,… Sở dĩ như vậy vì dân gian quan niệm, ngày này người chết có thể phá ngục, thoát khỏi vòng tội lỗi. Theo quan niệm của Phật giáo, người nào lúc còn sống có tội lỗi, khi chết đi sẽ bị hình phạt, người nào sống tốt sẽ được giải thoát.

Tưởng nhớ về người đã khuất là quan niệm rất tốt đẹp. Lễ Vu Lan hướng về khía cạnh báo hiếu cha mẹ, vì vậy, hàng năm, đến chùa vào ngày rằm tháng 7 chúng ta sẽ thấy rất nhiều hình ảnh cảm động từ lễ hoa hồng cài áo. 

Để báo hiếu cha mẹ, người ta thực hành 2 loại hiếu theo lời Phật dạy là "hiếu thế gian" và "hiếu xuất thế gian". “Hiếu thế gian” là cung dưỡng cha mẹ cơm ăn, nước uống, chỗ ở, nơi nằm, chữa bệnh thuốc thang, tiện nghi sử dụng... "Hiếu xuất thế gian" là đưa cha mẹ vào lễ nghi giáo hóa, đi chùa đi chiền, bỏ điều ác, làm điều thiện để khi chết được siêu sinh tịnh độ. Chúng ta hãy tặng cha mẹ bằng sự cố gắng và sống tử tế với tất cả mọi người, cả thế gian và thiên nhiên.

Có thể thấy, lễ Vu Lan là dịp nghĩ về người đã khuất để con người sống tốt hơn, hướng thiện hơn, từ đó điều chỉnh hành vi giữa con cái, cha mẹ. Ngoài ra, trong ngày này, tưởng nhớ kẻ lang thang, vong hồn đã khuất và cúng tổ tiên, ông bà... con người sẽ cảm thấy bình an, ấm lòng hơn.

Điều này cũng lý giải rằng, cài bông hồng đỏ hay bông hồng trắng mùa Vu Lan có thể chỉ là hình thức về nghi lễ, nhưng thực sự nó là cần thiết để nhắc nhớ con người ta giữa nhịp ngày hối hả, giữa cuộc đời bề bộn chen đua, hãy biết dừng lại mà sống chậm hơn, đừng nhìn xa mãi, nhìn khắp mọi nơi mà quên đi không nhìn gần lại, ngay xung quanh mình là những người thân đã - đang và sẽ vẫn dành tình cảm yêu thương cho cuộc đời mình. Và mình đã thực sự hết lòng sống cho gia đình, cho những tình cảm thiêng liêng và cao quý ấy?

Như ai đó đã nói rằng, khi cài một bông hồng lên ngực, thật gần nơi tim, có lẽ chúng ta mới cảm nhận rõ hơn bao giờ hết một điều rằng: Mỗi người chỉ có một gia đình, mất đi không bao giờ có lại. Và mẹ cha luôn là vốn liếng yêu thương nhất cho mỗi cuộc đời...

“Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”./.

Phương Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực