Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển và phong trào đấu tranh yêu nước

Thứ ba, 27/04/2021 11:12
(ĐCSVN) – Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển sinh ra trên mảnh đất Đại Lộc giàu tuyền thống văn hoá và yêu nước. Trong suốt cuộc đời của mình, chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển đã dành trọn tâm sức cho các phong trào đấu tranh yêu nước.
leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Hảo, Bí thư Huyện uỷ Đại Lộc, Trưởng ban tổ chức Hội thảo phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Sáng 27/4, nhân kỷ niệm 165 năm Ngày sinh (14/5/1856-14/5/2021) và 110 năm Ngày mất (02/5/1911- 02/5/2021) của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc (Quảng Nam) tổ chức Hội thảo khoa học: “Cuộc đời và sự nghiệp của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển”.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các sở ngành của tỉnh và huyện Đại Lộc; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá; đại diện các trường học đại học tại Quảng Nam và TP Đà Nẵng, các trường phổ thông trên địa bàn huyện Đại Lộc; đại diện thân nhân và gia tộc chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển…

Báo cáo đề dẫn Hội thảo cho biết: Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển sinh ngày 14/5/1856 tại làng Ô Gia, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Tuy gia đình không mấy khá giả, song ông được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Với trí thông minh sẵn có, chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển không chỉ học giỏi mà còn có tài thi phú. Ông cũng là người lận đận trong thi cử, chỉ đỗ đến Tú tài. Đến cuối đời Tự Đức, ông được triều đình nhà Nguyễn mời ra Huế giữ một chức quan nhỏ (thuộc hàng Chánh lục phẩm), chuyên viết các đạo dụ, sắc bằng của triều đình.

Sau khi Hòa ước Quý Mùi 1883 được ký kết, triều đình nhà Nguyễn đã từng bước dâng nước ta cho thực dân Pháp. Không đồng quan điểm với triều đình, Đỗ Đăng Tuyển đã từ quan về quê nhà Đại Lộc.

Năm 1885, khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, văn thân, sĩ phu cả nước đồng loạt đứng lên hưởng ứng. Ở Quảng Nam, tháng 7 năm Ất Dậu (8-1885), tiến sĩ Trần Văn Dư thay mặt Nghĩa hội Quảng Nam ra Bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh đứng lên đáp nghĩa Cần vương chống Pháp. Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển là một trong những người đầu tiên của huyện Đại Lộc hưởng ứng phong trào này. Ông được giao giữ chức Đội quân biện lương với nhiệm vụ vận động tài chính, thu góp quân lương cho Nghĩa hội.

Năm 1887, dưới sự đàn áp của thực dân Pháp và triều đình phong kiến tay sai, phong trào Nghĩa hội Quảng Nam bị thất bại. Những người đứng đầu phong trào lần lượt hy sinh hoặc bị bắt. Đỗ Đăng Tuyển về ẩn cư tại quê nhà Đại Cường, hằng ngày mượn rượu giải sầu, giả vờ quên lãng thời cuộc để che mắt chính quyền tay sai lúc đó. Thực ra, ông vẫn tìm mọi cách liên lạc với đồng chí cũ để mưu cầu việc lớn.

Đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu liên kết hào kiệt bốn phương từ Bắc vào Nam để mưu cầu việc giải phóng dân tộc. Đến Quảng Nam, Phan Bội Châu tìm tới các sĩ phu đã từng tham gia Nghĩa hội, trong đó có Đỗ Đăng Tuyển. Năm 1904, Duy Tân hội được thành lập và chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển là một trong những người góp phần quan trọng trong sự kiện này.

Sau khi phong trào chống sưu cao thuế nặng (năm 1908) diễn ra, thực dân Pháp và triều đình phong kiến tay sai thẳng tay đàn áp lực lượng của các phong trào đấu tranh yêu nước. Nhiều sĩ phu, văn thân bị bắt, bị cầm tù và xử tử. Đến năm 1910, chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển bị bắt. Thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã dùng mọi thủ đoạn để lấy lời khai của ông. Song với khí tiết hiên ngang, bất khuất, chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển đã không khai nửa lời, nhiều lần tìm cách tuẫn tiết. Không khai thác được gì từ ông, thực dân Pháp và Nam triều đưa ông ra Nghệ An để đối chất với các đồng chí mình; sau đó, chúng giải ông về giam cầm tại nhà lao Lao Bảo (Quảng Trị). Tại đây, ông đã tuyệt thực hơn 1 tuần và hy sinh vào ngày 4/4 năm Tân Hợi (tức ngày 02/5/1911), khi ông vừa 55 tuổi.

leftcenterrightdel

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo. 

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức nhận được nhiều tham luận khoa học của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, các cơ quan chuyên môn trong và ngoài huyện. Nội dung các tham luận tập trung làm rõ về truyền thống quê hương, gia đình, cuộc đời và sự nghiệp của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển; đóng góp của ông với các phong trào đấu tranh yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX mà nổi bật nhất là Nghĩa hội Quảng Nam do Trần Văn Dư khởi xướng và phong trào Duy Tân, Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng; việc phát huy truyền thống yêu nước từ tấm gương sáng của Đỗ Đăng Tuyển.

Tại Hội thảo lần này, Ban Tổ chức mong muốn các đại biểu, các nhà nghiên cứu tập trung làm rõ những nội dung: Truyền thống quê hương, gia đình – đây là một nhân tố quan trọng góp phần hình thành tinh thần yêu nước của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển; quá trình tham gia và hoạt động trong các phong trào đấu tranh yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển, vai trò của ông trong các phong trào; mối quan hệ của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển với các văn thân, sĩ phu yêu nước cùng thời; những phẩm chất cao quý của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển- tấm gương sáng cho tinh thần yêu nước, kiên trung, bất khuất của nhân dân Đại Lộc nói riêng, Quảng Nam nói chung; việc phát huy truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển.

Theo đồng chí Nguyễn Hảo, Bí thư Huyện uỷ Đại Lộc, Trưởng ban tổ chức Hội thảo: Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển sinh ra trên mảnh đất Đại Lộc giàu tuyền thống văn hoá và yêu nước. Trong suốt cuộc đời của mình, chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển đã dành trọn tâm sức cho các phong trào đấu tranh yêu nước. Từ Nghĩa hội Quảng Nam cuối thế kỷ XIX đến phong trào Duy Tân, Đông Du đầu thế kỷ XX, Đỗ Đăng Tuyển luôn là nhân vật trọng yếu cho các hoạt động của các tổ chức này. Có những thời điểm, hằng ngày, ông phải giả say quên thời cuộc, sống cuộc sống của một “lão túy ông” để che mắt chính quyền tay sai nhưng sâu thẳm trong con người ấy là khát khao đấu tranh để giải phóng quê hương, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trong quá trình tham gia các phong trào, chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển đã có nhiều đóng góp to lớn để khi nhắc đến ông, nhà yêu nước Phan Bội Châu phải khẳng định: “Bội Châu không bác e vô sự. Lao Bảo nhờ ông mới có danh”. Dù khó khăn, gian khổ bởi những thiếu thốn trong quá trình tham gia các phong trào đấu tranh, hay sự tra tấn dã man của chính quyền thực dân tay sai, chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển vẫn giữ vững khí tiết của một sĩ phu yêu nước. Ông là tấm gương sáng ngời cho ý chí kiên cường, bất khuất, cho tinh thần yêu nước của nhân dân Đại Lộc, Quảng Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

leftcenterrightdel

Quang cảnh tại Hội thảo “Cuộc đời và sự nghiệp của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển” . 

"Thông qua Hội thảo, chúng ta tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển cho các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trên quê hương Đại Lộc. Đồng thời, cũng là dịp để chúng ta học tập và noi theo tấm gương một người chí sĩ uy tín, kiên trung, bất khuất, hết lòng vì quê hương, đất nước. Từ đây, mỗi chúng ta cũng nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình, cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao để chung tay cùng quê hương, đất nước phát triển kinh tế- xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng- an ninh; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là những người tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực" - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc khẳng định.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực