"Đã đến lúc nhìn thẳng vào những hạn chế quản lý nhà nước về văn hóa"

Thứ sáu, 01/04/2016 19:04
(ĐCSVN) – Nhìn lại 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) đặt vấn đề nền văn hóa của đất nước đã có sự phát triển như thế nào, có thực sự là động lực cho phát triển kinh tế- xã hội đất nước hay không ?.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) phát biểu tại hội trường (Ảnh: KS)

Theo đại biểu Phạm Xuân Thăng, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã chỉ rõ văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Luận điểm này đã được cụ thể hóa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những năm qua với quan điểm xuyên suốt phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.

Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong lĩnh vực như các lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều mặt yếu kém, khắc phục còn chậm, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc chưa đạt yêu cầu. Thực tế cho thấy, việc xây dựng và phát triển văn hóa mới tiến hành chủ yếu trong lĩnh vực văn hóa, chưa tác động sâu rộng, gắn bó chặt chẽ với kinh tế và chính trị; các hoạt động kinh tế nhất là của khu vực ngoài nhà nước và các khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thường ít hoặc chưa được quan tâm đúng mức tới vai trò văn hóa trong phát triển; nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế còn nặng về tìm lợi ích kinh tế, coi nhẹ yếu tố văn hóa.

Những thành tựu và tiến bộ đạt được trong lĩnh vực phát triển văn hóa xã hội và xây dựng con người mới chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế và chưa vững chắc, đặc biệt là lĩnh vực tư tưởng, đạo đức lối sống. Những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống phai nhạt lý tưởng, những tiêu cực, tệ nạn xã hội, thói giả dối, bệnh thành tích chạy chọt đang có xu hướng lan rộng. Nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt cả về thể chất và tinh thần.

Hiện tượng coi thường luật pháp, bạo hành trong gia đình, cách ứng xử văn hóa nơi công cộng nhất là văn hóa giao thông đang làm nhức nhối dư luận xã hội, đặc biệt là môi trường văn hóa trên mạng internet với sự phát triển nhanh chóng, khó kiểm soát của báo điện tử, các trang mạng xã hội, blog cá nhân đã và đang tạo ra những giá trị văn hóa ảo độc hại, chi phối mạnh đời sống tinh thần của người dân, nhất là giới trẻ. Có thể nói, 5 năm qua, văn hóa đã có bước phát triển mới nhưng chưa thực sự trở thành mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, kinh tế đi lên nhưng có một số mặt của văn hóa đang đi xuống. Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng thuộc về chủ quan. Đó là do sự buông lỏng quản lý của không ít cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ văn hóa. 

Đại biểu bày tỏ nhất trí cao với một trong những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là phát triển kinh tế phải gắn chặt với phát triển văn hóa, xã hội. “Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng cần tiếp tục có nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nữa trong phát triển văn hóa. Trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, khắc phục sự xuống cấp về đạo đức xã hội", đại biểu Phạm Xuân Thăng lưu ý.

Đại biểu nhấn mạnh, đã đến lúc Chính phủ cần nhìn thẳng vào những hạn chế về văn hóa, hạn chế quản lý nhà nước về văn hóa để tập trung khắc phục, xây dựng các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử bắt đầu từ văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong kinh doanh, chuẩn mực về văn hóa ứng xử trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó văn hóa nêu gương là vấn đề cốt lõi. Bên cạnh đó, cùng với giải pháp xây dựng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao thì cần phải chú trọng xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa trong thực thi công vụ, quản lý của công chức, viên chức nhà nước.

"Đã đến lúc chúng ta cần chú trọng hoàn thiện các thể chế nhằm khai thác tối đa và hiệu quả kinh tế đối với các giá trị văn hóa; đồng thời, đầu tư thỏa đáng, nhằm bảo vệ tôn tạo các giá trị văn hóa, di sản văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Trong quá trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt các chương trình dự án đầu tư, cần phải bảo đảm lồng ghép và cân nhắc về phát triển bền vững, nhất là văn hóa và môi trường. Kinh tế càng phát triển thì yếu tố văn hóa, hàm lượng văn hóa trong các hoạt động kinh tế - xã hội cần được nâng lên một cách tương ứng”, đại biểu kiến nghị./.

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực