|
Chùa Vàng thuộc làng Vàng, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội có từ thời Lê với nhiều bia đá ghi lại lịch sử, trong đó, bia sớm nhất có niên đại Long Đức 1734. Chùa nổi tiếng với nhiều mảng chạm khắc đẹp và tượng cổ. |
Chùa Vàng nằm trong cụm di tích lịch sử văn hóa - nghệ thuật kiến trúc đình chùa Vàng, trong đó, đình Vàng là nơi thờ vị thần có công giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán. Theo Trụ trì Thích Thanh Tâm, chùa Vàng có từ thời Lê với nhiều bia đá ghi lại lịch sử, trong đó, bia sớm nhất có niên đại Long Đức 1734. Chùa nổi tiếng với nhiều mảng chạm khắc đẹp và có tượng cổ. Từ bao đời nay chùa là nơi tôn nghiêm, nhân dân địa phương đến vái vọng, tín ngưỡng.
Với giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc, năm 1995, đình chùa Vàng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) xếp hạng di tích quốc gia năm 1995. Trước đó ngày 14/10/1994, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành lập Biên bản đề nghị xếp hạng di tích cho đình chùa Vàng. Trong biên bản đã tiến hành khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II của di tích. Khu vực I có diện tích 4752 m2, phía Đông giáp nhà dân; phía Tây giáp Kho hợp tác xã, đường và nhà dân; phía Bắc giáp mương tưới của huyện. Khu vực II bao gồm các thửa đất của Kho hợp tác xã với diện tích 1297 m2. Khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích này kế thừa và tuân theo Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đình và chùa thôn Vàng, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội vẽ năm 1974.
Điều 2 Quyết định số 65-QĐ/BT ngày16/4/1995 xếp hạng di tích quy định rõ: “Nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác, xây dựng trong khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh, phải được phép của Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin” (nay là Bộ VHTTDL).
|
Với những giá trị văn hóa, lịch sử, Đình chùa Vàng được xếp hạng di tích quốc gia năm 1995. |
Điều 32 Luật Di sản văn hóa và Mục 13 điều 1 Luật sửa đổi bổ sung Luật Di sản văn hóa cũng nêu rõ: Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm: Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích. Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I.
Năm 2017, UBND huyện Gia Lâm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đình Vàng với diện tích 2.962,4 m2. Ngày 27/12/2019, TP Hà Nội có Quyết định 7331/QĐ-UBND giao 2.761,3 m2 cho chùa Vàng. Ngày 22/1/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa Vàng.
Thế nhưng, ngày 9/12/2020, Tiểu ban Quản lý di tích, lãnh đạo thôn Vàng cùng một số người dân thôn Vàng đã kéo đến chặt cây, phá tường chùa Vàng, xâm phạm vào khu vực II của di tích quốc gia chùa Vàng. Sau đó, họ đổ đất, cho xây tường giật lùi vào phía trong khu vực đất thuộc khu vực II di tích gần 2m, kéo dài hơn 70 m. Ngày 15/1/2021, đại diện lãnh đạo xã Cổ Bi, Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Gia Lâm, cán bộ quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Gia Lâm, công chức địa chính xã Cổ Bi đã tiến hành lập Biên bản với các ông: Hoàng Đình Hội - Trưởng Tiểu ban quản lý di tích; Nguyễn Doãn Tuệ - Bí thư Chi bộ thôn Vàng; Nguyễn Hữu Tám - Trưởng thôn Vàng 4; Trần Văn Cường - Trưởng thôn Vàng I; Nguyễn Huy Tôn - Trưởng thôn Vàng 2.
|
Trước đây chùa đã bị xâm phạm, bị chặt cây, phá tường, các cơ quan đã lập biên bản nhưng chưa được xử lý. |
Ngày 15/1/2021, bà Nguyễn Thị Hương Trà - công chức văn hóa - xã hội phụ trách công tác Văn hóa - Thông tin xã Cổ Bi đã có văn bản báo cáo đề xuất xử lý với hành vi xâm phạm di tích chùa Vàng gửi Chủ tịch UBND xã Cổ Bi.
Ngày 16/1/2021, ông Đinh Xuân Dương - công chức Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Gia Lâm có văn bản báo cáo đề xuất xử lý sai phạm xâm hại vào khu vực di tích chùa Vàng gửi Chủ tịch xã Cổ Bi. Trước những xâm phạm nghiêm trọng di tích Quốc gia ngày 12/10/2021 Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) đã có văn bản số 815/DSVH-DT gửi Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hà Nội về việc xử lý xâm phạm di tích quốc gia chùa Vàng, huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, cho đến nay, những vi phạm này vẫn chưa hề được xử lý.
Mới đây nhất, một số người xâm hại di tích lại kiến nghị chính quyền xã Cổ Bi cho dùng khu vực II của di tích thành sân chơi thể thao. Theo ông Nguyễn Huy Khải (85 tuổi) người dân thôn Vàng cho biết: “Thôn Vàng đã có sân bóng rộng hàng mẫu ở khu nhà văn hóa, sao còn chiếm đất chùa”.
|
Khu vực II của di tích tiếp tục bị xâm phạm và đang bị đề nghị thu hồi để làm sân bóng. |
Di tích Quốc gia là Di tích lịch sử văn hóa, là tài sản quốc gia của mỗi địa phương, mỗi dân tộc, mỗi đất nước và cả nhân loại. Nó có vị trí và vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của mỗi một địa phương, một quốc gia, một dân tộc… Di tích Quốc gia chùa Vàng được hun đúc và hình thành từ lâu đời, ngoài giá trị vật chất như đã nói ở trên còn chứa đựng giá trị tinh thần to lớn của cộng đồng dân cư. Trước diễn biến của vụ việc, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc trả lại sự tôn nghiêm, toàn vẹn cho Di tích./.