Độc đáo Mứt gừng Kim Long xứ Huế

Thứ bảy, 21/01/2023 22:03
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Dịp giáp Tết Nguyên đán, làng mứt gừng Kim Long nức tiếng ven sông Hương lại rực lửa suốt ngày đêm để cho ra lò những sản phẩm đậm phong vị xứ Huế.

Những ngày cuối năm cũng là lúc những gia đình làm nghề nấu mứt gừng truyền thống ở Kim Long lại hào hứng với công việc của mình. Mỗi người một việc, không khí tất bật hiện rõ trên từng khuôn mặt của từng “nghệ nhân” nơi đây. Mứt Kim Long nổi tiếng là đặc sản vì có cách làm truyền thống hơn 200 trăm năm được ông cha lưu giữ truyền lại cho con cháu qua từng thế hệ.

leftcenterrightdel
 Gừng trước khi bước sang công đoạn làm mứt sẽ được cạo sạch vỏ và thái mỏng.

Những dịp như thế này mùi mứt gừng từ những bếp củi quyện mùi khói phảng phất từ đầu ngõ đến cuối xóm làm vương vấn những người qua lại, báo hiệu sắp đến thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới.

Mứt gừng Kim Long sở dĩ nổi tiếng vì đây là làng ven sông, nguyên liệu làm mứt được mua về từ vùng Bằng Lãng, ngã ba Tuần sông Hương. Với nguyên liệu là gừng củ được lựa chọn khắt khe từ vùng gò đồi khô cằn phía thượng nguồn sông Hương. Từ đó, người dân Kim Long đã chế biến ra loại mứt gừng đặc trưng, không “đụng hàng” với sản phẩm mứt của những nơi khác.

leftcenterrightdel
Những cũ gừng tươi được cạo sạch. 

Theo nhiều người làm mứt gừng chuyên nghiệp ở đây thì gừng phải được chọn từ những củ gừng vừa phải, không quá già cũng không quá non, gừng già quá khi làm mứt sẽ có xơ, còn dùng gừng non thì sẽ không đủ độ thơm.

Mứt gừng Kim Long nổi tiếng không chỉ ở xứ Huế mà với toàn miền Trung, với hương vị cay nồng khác biệt so với các nơi khác.

leftcenterrightdel
 Gừng ngào trong chảo đường trên bếp lửa trong khoảng một giờ đồng hồ. Trong thời gian này, người thợ phải dùng đũa đảo liên tục để tránh bị cháy.

Muốn làm được mẻ mứt gừng thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, củ gừng được làm sạch, cạo vỏ rồi bào thành từng lát mỏng vừa tay, sau đó mang đi ngâm với nước vo gạo để giảm bớt độ cay của gừng. Tiếp đó, vớt ra rửa lại với nước sạch để ráo, bà con sẽ cân đo đong đếm lượng đường vừa đủ bỏ vào gừng. Tiếp tục đun sôi nước luộc gừng rồi thêm một ít chanh tươi vào. Nổi lửa lên rồi rim gừng với đường trên chảo lớn.

Ngào mứt gừng là công đoạn tốn nhiều công sức bởi người thợ phải canh rồi đảo gừng liên tục đến khi mứt gần sánh lại thì đảo đều tay cho tới khi đường thật khô và bắt từng lát gừng duỗi thẳng đặt chồng lên nhau từng lớp. Sau khi mứt gừng đã thẳng và khô thì cho vào thẩu thuỷ tinh hoặc túi bóng để bảo quản chất lượng được lâu ngày.

leftcenterrightdel
 Rim gừng dưới lửa củi cháy nhỏ và phải đảo được đều tay để tránh cháy khét, gừng vón cục.

Dù phương pháp chế biến hoàn toàn thủ công và sử dụng nhiên liệu củi theo truyền thống tốn nhiều thời gian, công sức nhưng những người làm mứt làng Kim Long vẫn “sắc son” với cách làm này để lưu giữ hương vị đặc trưng của sản phẩm địa phương.

Tết đến xuân về làm mứt là nét đẹp không chỉ riêng bà con làng Kim Long mà còn là truyền thống của người Huế. Cũng chính vì thế mà trên mâm bánh kẹo của người dân trong những ngày Tết không thể thiếu mứt gừng, chén trà đầu môi với lát mứt gừng trong tiết trời đầu xuân se lạnh chính là nét đặc trưng ngày tết của Huế. Hương vị này sẽ khiến nhiều người xa xứ trở về hay những du khách nước ngoài ghé thăm và thưởng thức sẽ nhớ mãi vùng đất Cố đô này.

leftcenterrightdel
 Mứt gừng Kim Long không phẩm màu, không chất bảo quản. Mọi công đoạn sản xuất đều được làm thủ công, đảm bảo vệ sinh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (62 tuổi, chủ cơ sở sản xuất mứt gừng tại Kim Long) chia sẻ: “Cách đây hơn 40 năm tôi đã nối gót làm mứt gừng từ cha mẹ; bao buồn vui với nghề nhưng vẫn tự hào vì mình là một trong những gia đình làm lâu nhất ở đây. Dịp Tết Quý Mão này, cơ sở tôi làm mứt sớm hơn mọi năm và chế biến khoảng trên 3 tạ mứt mỗi ngày và đều được khách hàng ưa thích. Do không làm nhiều, sản xuất đến đâu được bán hết tới đó, giá bán dao động từ 60.000 đến 80.000 đồng/1kg”.

Tuy mứt gừng làng Kim Long nổi tiếng là thế nhưng người dân ở nơi đây đã không còn mấy mặn mà với nghề, từ một vùng có hơn 100 trăm hộ làm nghề, nay chỉ còn lác đác hơn chục hộ gia đình còn làm mứt gừng.

Theo lãnh đạo phường Kim Long (thành phố Huế), mứt gừng truyền thống Kim Long thường được người dân sản xuất vào dịp cận Tết. Mỗi năm, các hộ dân sản xuất và cung cấp được ra thị trường từ 20 đến 30 tấn mứt gừng/năm.

leftcenterrightdel
 Mứt gừng Kim Long nổi tiếng xứ Huê với hương vị cay ngon nồng khác biệt. Củ gừng được lựa chọn làm mứt không được  già quá sẽ bị xơ, cũng không được non để có vị cay nồng đặc trưng.

Những năm trở lại đây, do tính chất thời vụ và thu nhập thấp nên nghề làm mứt gừng tại Kim Long có rất ít người làm. Mặt khác, thị trường mứt rất sôi nổi khi được nhập đa dạng từ hàng nước ngoài và nội địa nên hiện tại chỉ có trên dưới 20 lò sản xuất mứt gừng. Đa số là những người lớn tuổi bám trụ nghề, bởi người trẻ thì kiếm nghề thu nhập cao hơn.

Gác qua sự âu lo khi nghề có khả năng mất đi, người dân làng Kim Long hiện tại vẫn tự hào và cố gắng sản sinh ra những mẻ mứt gừng tuyệt hảo để phục vụ khắp đất nước…

Tết đến Xuân về, mong cho nghề xưa vẫn tồn tại và tìm được cách đi đúng hướng./.

Bài, ảnh: Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực