Hà Giang: Trống đồng Lô Lô nét văn hoá độc đáo đang dần bị mai một
Thứ hai, 15/08/2011 14:11 (GMT+7)
Người Lô Lô ở Hà Giang hiện có khoảng trên một nghìn người, sống tập trung chủ yếu ở 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Mặc dù dân số ít nhưng dân tộc Lô Lô là một cộng đồng có cấu kết mạnh mẽ. Đồng bào luôn sống tập trung thành từng làng nhỏ. Đây là một trong những yếu tố giúp cho dân tộc này giữ gìn hầu như nguyên vẹn nét văn hoá truyền thống. Từ lâu, người ta đã biết đến hình ảnh các thiếu nữ Lô Lô trong bộ trang phục truyền thống cầu kỳ bậc nhất, với làn điệu dân ca sâu lắng, điệu múa rộn ràng… Nói đến văn hoá truyền thống của dân tộc Lô Lô này không thể không nhắc đến chiếc trống đồng.
Người Lô Lô ở Hà Giang cho rằng từ thửa có trời, có đất là có trống đồng. Trống đồng Lô Lô được cấu tạo tang mở, thân eo, chân choãi. Trống có 4 quai, bố trí thành 2 cặp đối xứng nhau qua trục thân. Chính giữa mặt trống là hoa văn hình ngôi sao nhiều cánh. Trống được trang trí nhiều loại hoa văn như: vòng tròn chấm, sóng nước, hình người cách điệu… Nếu nghiên cứu kỹ sẽ thấy hoa văn trên mặt trống đồng có nhiều điểm tương đồng với hoa văn trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc này. Điểm khác biệt giữa trống đồng Lô Lô với trống đồng của các dân tộc khác chính là những lỗ tròn thủng trên mặt trống. Trống đồng được sử dụng trong những dịp lễ của dân tộc. Trong lễ tế trời, người ta dùng trống mồ dảnh (trống trời). Lễ cúng thổ thần dùng trống Po dảnh (trống ếch). Trong tang ma dùng trống múi dảnh, thắng dảnh. Người Lô Lô dùng trống đồng theo bộ. Mỗi bộ gồm 2 chiếc: Trống đực và trống cái. Trống cái bao giờ cũng to hơn trống đực. Khi đánh trống, người ta treo trống đực và trống cái quay mặt vào nhau, 2 tay cầm hai dùi đánh 36 điệu. Người đánh trống phải được lựa chọn, đó là những người đàn ông chưa vợ và nếu có vợ thì vợ phải không trong thời kỳ mang thai. Tiếng trống đồng đại diện cho tiếng nói thần linh đưa hồn người chết về với đất mẹ. Ông Sùng Đại Hùng, Bí thư huyện uỷ huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang cho biết: Người Lô Lô xem trống đồng như một báu vật thiêng liêng mà cha ông truyền lại, là biểu tượng về sức sống trường tồn của dân tộc mình. Trước đây, mỗi dòng họ thường có một đôi trống đồng nhưng hiện nay số lượng trống đồng trong các làng Lô Lô còn rất ít; may ra có làng giữ được nguyên vẹn cả bộ, còn đa phần các làng đi mượn lẫn của nhau . Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến trống đồng bị mất đần đi chủ yếu là bị đánh cắp, hoặc đem bán đi vì đa phần các trống đồng Lô Lô đều là những cổ vật rất có giá trị, có tuổi thọ hàng nghìn năm.
Theo ông Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cho biết: Trống đồng Lô Lô đang bị mai một dần có nguy cơ sẽ biến mất khỏi trong cộng đồng của người Lô Lô, do một nhóm người chuyên săn tìm buôn bán các loại cổ vật có giá trị về văn hoá để mang đi nước ngoài tiêu thụ với giá trị cao gấp hàng trăm, hàng nghìn lần chúng bỏ tiền ra mua của đồng bào. Trước thực tế đó, tỉnh Hà Giang đã có nhiều nỗ lực nhằm giữ gìn trống đồng Lô Lô nói riêng cũng như những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc trong tỉnh nói chung. Hàng chục chiếc trống đồng Lô Lô đã được ngành Bảo tàng tỉnh Hà Giang sưu tầm, phát hiện và quản lý./.