Hello Mù Cang Chải Homestay

Thứ ba, 02/08/2022 16:52
(ĐCSVN) - Bằng sự nỗ lực không ngừng, chàng thanh niên Giàng A Dê trở thành thanh niên tiêu biểu của người Mông - Mù Cang Chải dám nghĩ, dám làm, vượt lên những rào cản, định kiến về nguồn gốc dân tộc, khởi nghiệp "Hello Mù Cang Chải Homestay" thành công ngay trên mảnh đất quê hương.
leftcenterrightdel
 Vợ chồng Giàng A Dê – Vàng Thị Ly

Khó khăn chồng chất khó khăn…

Sinh ra và lớn lên tại bản thuộc xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), nơi nổi tiếng với những đồi mâm xôi xanh, mâm xôi vàng, chàng thanh niên người Mông Giàng A Dê (SN1989) đã quyết định khởi nghiệp và vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Giàng A Dê chia sẻ: “Quê em nghèo khó, ước mơ của em là làm sao quê hương mình hết đói nghèo, người dân nơi đây có việc làm, đời sống no đủ, con em được đi học…”. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Quản trị và Kinh Doanh Thái Nguyên chuyên ngành Maketing, anh trở về với mong ước được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Song mong muốn ban đầu ấy trở thành hiện thực là điều không đơn giản.

Nhận thấy quê hương mình có tiềm năng phát triển du lịch, với diện tích ruộng bậc thang 288ha, anh nung nấu hoài bão làm du lịch homestay. “Ước mơ làm du lịch homestay của mình là tình cờ, cơ duyên một lần gặp được người nhà nói chuyện và giới thiệu việc làm du lịch homestay. Điều đó đã gợi cho mình sự phấn khích, tò mò và quyết tâm theo học. Mình đã bắt đầu có ý thức học từ cách nấu ăn, giao tiếp với khách, tổ chức tour… Càng làm lại càng đam mê với cách làm du lịch homestay” - Giàng A Dê tâm sự.

Năm 2017, anh bắt tay vào làm du lịch nhà nghỉ cộng đồng mang tên “Hello Mù Cang Chải Homestay”, đồng thời xây dựng các chương trình tour nội huyện với mục tiêu chào đón tất cả các du khách trong nước và quốc tế đến với Mù Cang Chải.

Nhưng không phải muốn là được. Ban đầu những người thân trong gia đình chưa ủng hộ vì từ xưa đến nay trên mảnh đất khô cằn ấy đến cây xanh cũng không mọc được. Khó nữa là vốn, từ 2 bàn tay trắng anh liều vay 50 triệu từ ngân hàng Agribank, chưa dựng xong cái nhà đã hết vốn. Công tác truyền thông, quảng bá, dịch vụ vẫn là con số không. Cộng thêm nhân lực ít ỏi, vốn ngoại ngữ, kinh nghiệm cũng yếu kém. Khó khăn chồng chất khó khăn…

leftcenterrightdel
 Đường lên "Hello Mù Cang Chải"

Hello Mù Cang Chải Homestay - “Đi là thích, đến là mê”

Như người thợ dệt cần mẫn gỡ từng nút thắt rối, Giàng A Dê nỗ lực từng bước giải quyết những khó khăn. Anh thuyết phục gia đình đổi mảnh đất màu mỡ lấy mảnh đất rộng hơn nhưng cằn khô để đủ diện tích xây dựng Homestay. Và "Hello Mù Cang Chải" với slogan ấn tượng “Đi là thích - đến là mê” của vợ chồng Giàng A Dê ra đời ngay trên đỉnh đồi ở độ cao trên 1.000m. Với địa thế này, du khách có thể thỏa thích ngắm nhìn La Pán Tẩn, một kiệt tác thiên nhiên đẹp mê hồn, hùng vĩ với những ruộng bậc thang lên đến tận trời cao và được tận hưởng không khí trong lành của trời đất giao hòa; thấy được cuộc sống của người dân chồng cày vợ cấy, trẻ em tung tăng đến trường... - một khung cảnh nhộn nhịp nơi vùng cao.

Vợ chồng Giàng A Dê kể lại, ngày đầu mọi thứ vô cùng khó khăn, trước hết là huy động vốn, vay mượn cả hai bên nội, ngoại, người thân và vay ngân hàng… được hơn 500 triệu đồng cho khởi nghiệp "Hello Mù Cang Chải". Vừa làm vừa hoàn thiện, vừa tháo gỡ khó khăn, tiền thiếu thì vay tín chấp sổ đỏ cho Ngân hàng. Thấy anh quyết tâm, họ hàng, bạn bè bắt đầu ủng hộ cho vay mượn thêm vốn. Có lúc bí quá anh đã phải liều vay lãi ngoài cao ngất ngưởng. Thế rồi, những cố gắng của anh bước đầu đã được đền đáp.

Khách du lịch đến với homestay ngày một đông. Thấy lượng khách có đến 70% là người ngoại quốc, anh nhận thấy nhu cầu biết ngoại ngữ là thiết yếu. Giàng A Dê và vợ lao vào học ngoại ngữ. Vợ anh đến Sa pa giúp việc cho các nhà hàng để học tiếng anh. Còn anh học từ lớp học, học từ thực tiễn, học từ chính những người khách của mình. Nhận thức nhanh, quyết tâm lớn, qua tiếp xúc ăn, ở, đi thăm quan cùng khách du lịch, vốn ngoại ngữ của anh khá dần lên và có thể giao tiếp thông thạo với khách.

Đến nay, Khu du lịch Hello Mù Cang Chải Homestay đã có 8 Bungalow, 1 homestay với 5 phòng, vận hành 18 tour du lịch trong huyện như: Trải nghiệm, leo núi, dù lượn, tham quan bản làng, đi xe máy, bắt cá, làm ruộng…; liên kết và ký hợp đồng với nhiều công ty du lịch Lữ hành; có tài khoản tại một số trang booking như: Booking, agoda, AinB&B, Expiedia, Intagram… Ngoài ra, còn có 7 hướng dẫn viên tiếng anh, 15 hướng dẫn tiếng Việt, 53 xe ôm, 14 hộ mở đường và tu sửa leo núi; mở và vận hành thành công các tour leo núi: Tháp trời, Tà Chì Nhù hướng Mù Cang Chải, Lùng Cúng…; tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 thanh niên thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ. Câu Slogan “Đi là thích - đến là mê” đã thực sự thu hút và chinh phục được khách du lịch khi đến với “Hello Mù Cang Chải”.  

leftcenterrightdel
 Tổ chức cho khách nước ngoài ăn Tết Độc lập tại homestay

 Đổi thay trên mảnh đất quê hương

Với những cách làm sáng tạo, kiên trì và khát vọng vươn lên, năm 2018, Homestay Hello Mù Cang Chải chính thức đưa vào hoạt động, đón trên 350 lượt khách với doanh thu trên 180 triệu đồng. Năm 2019, đón trên 600 lượt khách với doanh thu trên 250 triệu đồng. Năm 2020, trong điều kiện thích ứng với dịch bệnh COVID-19, Homestay được nâng cấp lên Doanh nghiệp “Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải” với câu slogan “Đi là thích - đến là mê”, doanh thu trên 250 triệu. Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải đã tạo việc làm thường xuyên ổn định cho 8 lao động và 6 hướng dẫn viên theo thời vụ, 20 xe ôm du lịch.

Không chỉ mở rộng vốn tiếng Anh cho bản thân mình, Giàng A Dê còn mở lớp học tiếng Anh cho 15 thanh niên trong bản với thời gian 2 tháng có giảng viên nước ngoài; mở tủ sách miễn phí với tên “I Have A Book” (có nghĩa là “Em có sách”) tại xã La Pán Tẩn để khuyến khích, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khai thác thông tin cho mọi người dân. Tổ chức các buổi ngoại khóa trẻ em được nói chuyện với người nước ngoài. Tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, nhất là đối với thanh niên người Mông ở nông thôn như: Hướng dẫn làm thổ cẩm truyền thống dân tộc bán cho du khách; mua lợn, gà, các loại rau, củ quả, rượu thóc truyền thống địa phương… phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch. Đặc biệt, anh còn tập hợp, thống nhất 6 hộ gia đình trong khu dân cư thực hiện tốt việc chăn nuôi nhốt trâu bò, lợn, gà, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, trồng hoa từ cổng đến khuôn viên từng nhà để làm du lịch, mang lại thu nhập một phần cho các hộ dân, góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tạo môi trường cho trẻ em được giao lưu, ngoại khoá với khách nước ngoài, giúp các em nâng cao kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong quá trình học tập, giao tiếp, phát triển toàn diện.

Bằng sự nỗ lực không ngừng, Giàng A Dê trở thành thanh niên tiêu biểu của người Mông Mù Cang Chải dám nghĩ, dám nói, dám làm, đổi mới, sáng tạo, biến ý tưởng thành hiện thực, vượt lên những rào cản, định kiến về nguồn gốc dân tộc, đang từng bước chiến thắng bản thân, mạnh dạn đi đầu trong phát triển du lịch của xã, của huyện; tích cực quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu miền đất, con người Mù Cang Chải tươi đẹp, mến khách đến bạn bè trong nước và quốc tế. Năm 2020, Giàng A Dê vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; năm 2021 anh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Danh hiệu Thanh niên sống đẹp toàn quốc và nhiều cấp, ngành khác khen thưởng.

Cách làm và hướng khởi nghiệp của Giàng A Dê đã và đang tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội, góp phần thiết thực trong thực hiện mục tiêu xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến “Bản sắc, an toàn, thân thiện”./.

Đào Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực