Hội thảo khoa học “Nhà trí thức yêu nước Phùng Văn Cung với Cách mạng miền Nam”

Thứ tư, 15/05/2013 16:56

Ngày 15/5, tại Vĩnh Long, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học “Nhà trí thức yêu nước Phùng Văn Cung với Cách mạng miền Nam”. Ông là một bác sĩ, một cán bộ kiên trung đã được Đảng và Nhà nước giao cho nhiều trọng trách, là một người con yêu quý của quê hương Vĩnh Long.

Bác sĩ Phùng Văn Cung sinh ngày 15/5/1909 tại thôn Tân Bình, làng Tân An, tổng Bình Long, nay là khóm 1 phường 9, thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), mất ngày 7/11/1987 tại thành phố Hồ Chí Minh. Thân sinh bác sĩ Phùng Văn Cung là Phùng Văn Thân - Hương cả trong làng, mẹ là Nguyễn Thị Lới - một phụ nữ Huế chịu nhiều ảnh hưởng của Nho học. Ông đã kế thừa xuất sắc truyền thống yêu nước, Nho giáo, hiếu học của gia đình, dòng họ và đã tốt nghiệp xuất sắc trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1937. Ông đã hành nghề y ở nhiều nơi trong nước và ngoài nước (Campuchia) với uy tín lớn về đức độ, lương tâm, đạo đức của người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo. Ông là tấm gương sáng về sự tận tụy phục vụ bệnh nhân với phương châm “hết bệnh, không tính giờ giấc, không quản mệt nhọc, không tính đến tiền bạc”.

Trong Cách mạng Tháng Tám, vừa hành nghề y, ông vừa tham gia giành chính quyền ở Sa Đéc, rồi tiếp tục giữ mối liên hệ và hoạt động cách mạng. Giữa năm 1960, theo yêu cầu của sự phát triển Cách mạng miền Nam, bác sĩ Phùng Văn Cung và vợ là bà Lê Thoại Chi đã từ bỏ cơ sở, tài sản ở nội thành, bí mật đưa các con vào chiến khu (Tây Ninh) hoạt động cách mạng, tham gia vào quá trình chuẩn bị thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, dựng lên ngọn cờ tập hợp lực lượng cách mạng giải phóng miền Nam. Vợ chồng bác sĩ Phùng Văn Cung đã có nhiều cống hiến cho các phong trào của Cách mạng miền Nam . Trong thời gian đó, vợ chồng bác sĩ Phùng Văn Cung đã có những lần được cử dẫn đầu đoàn đại biểu của nhân dân miền Nam ra Bắc gặp Bác Hồ. Ngày 20/6/1966, trong một chuyến đi công tác ở vùng căn cứ Dương Minh Châu, bà Lê Thoại Chi đã hy sinh trong một trận càn của địch, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng của mình, bác sĩ Phùng Văn Cung đã được Đảng, Nhà nước giao cho đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Phó Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Ủy viên Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Dù ở cương vị nào bác sĩ Phùng Văn Cung cũng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao.

Trong số 7/24 bài tham luận của các đại biểu trình bày tại Hội thảo đã cung cấp nhiều tư liệu về bác sĩ Phùng Văn Cung và đều khẳng định: Trong suốt hơn 40 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời, sự nghiệp của Bác sĩ Phùng Văn Cung đã gắn liền với những trang sử vẻ vang của của Cách mạng miền Nam; là tấm gương tiêu biểu cho lớp người trí thức yêu nước của Vĩnh Long nói riêng và Nam bộ nói chung, dám từ bỏ mọi danh lợi, quyết một lòng đi theo cách mạng. Ông là một trí thức Nam bộ yêu nước nhiệt thành, một cán bộ cách mạng, một đảng viên cộng sản mẫu mực được Đảng, Nhà nước ta tôn vinh, được đồng bào, đồng chí ca ngợi, được nhân dân và Chính phủ nhiều nước biết đến. Ông là niềm tự hào của gia đình, của dòng họ, của quê hương Vĩnh Long, của Nam bộ thành đồng và mãi mãi là một tấm gương sáng trong thời đại Hồ Chí Minh. /.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực