Kỷ niệm 95 năm khởi nghĩa Thái Nguyên

Thứ sáu, 31/08/2012 21:36

Tối 31/8, tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 95 năm Khởi nghĩa Thái Nguyên.

Diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm đã nêu rõ: Sau khi thiết lập được ách thống trị và tiến hành khai thác thuộc địa tại Việt Nam, biết rõ vị trí chiến lược của Thái Nguyên và tinh thần yêu nước của người dân nơi đây, thực dân Pháp đã tập trung một lực lượng quân sự lớn bao gồm lính viễn chinh và lính khố đỏ, khố xanh, trải ra dày đặc trên địa bàn tỉnh. Nhà tù Thái Nguyên cùng với nhà tù Côn Đảo là 2 nhà tù lớn nhất được mệnh danh là địa ngục trần gian xứ An Nam lúc bấy giờ. Ách cai trị của bọn thực dân đã khiến cho đời sống của nhân dân hết sức cùng cực. Giữa đêm trường tối tăm đó, cuộc hội ngộ giữa viên đội khố xanh Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn) và người tù chính trị Lương Ngọc Quyến đã trở thành cuộc gặp gỡ lịch sử, tạo nên một cuộc dấy binh long trời lở đất.

Đêm 30 rạng ngày 31/8/1917, các mũi tiến công của nghĩa quân đã toả đi, phá nhà tù, giải phóng tù nhân. Sau đó, lần lượt đánh chiếm Dinh công sứ, Nhà dây thép, Sở Lục lộ, Sở Điền bạ, Toà án, Nhà đoan, Kho vũ khí, Kho bạc... Chỉ trong một đêm, dưới sự lãnh đạo của Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến, nghĩa quân đã làm chủ được tỉnh lị, phát đi các tuyên ngôn, tuyên bố “Thái Nguyên độc lập”, đặt quốc hiệu là Đại Hùng, quốc kỳ là lá cờ “Nam Binh Phục Quốc” nền vàng có 5 ngôi sao đỏ, thành lập Thái Nguyên Quang phục Quân, kêu gọi nhân dân tham gia khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa hợp lòng dân nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng với lực lượng lên tới trên 600 nghĩa sỹ. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, nghĩa quân đã làm chủ tỉnh lị trong vòng 1 tuần và liên tục chiến đấu kéo dài hơn 6 tháng trên một địa bàn khá rộng lớn tại Thái Nguyên và các vùng lân cận thuộc Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phúc Yên, Hà Nam, Hưng Yên... Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, chấn động dư luận thế giới, viết nên một trang sử vàng oanh liệt chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc khởi nghĩa không chỉ để lại cho thế hệ sau những giá trị tinh thần cao đẹp, mà còn để lại cả một di sản về truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

Kế thừa truyền thống anh hùng, bất khuất kể từ sau Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục trở thành mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng, là nơi thành lập đội Cứu quốc quân II - một trong những tiền thân của QĐND Việt Nam anh hùng. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), Thái Nguyên là trung tâm của ATK - Thủ đô kháng chiến với hầu hết các cơ quan đầu não của kháng chiến ở và chỉ đạo cách mạng, là nơi khởi nguồn chiến thắng Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động toàn cầu". Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Thái Nguyên tự hào đã làm nên kỳ tích khi xây dựng Khu Gang Thép Thái Nguyên - cánh chim đầu đàn của nền công nghiệp Việt Nam; tự hào đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 1000 của địch trên bầu trời miền Bắc... Bước vào thời kỳ đổi mới, Thái Nguyên liên tục có những bước phát triển toàn diện, trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của vùng Việt Bắc. Với những thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế, thương mại, giáo dục - đào tạo... Thái Nguyên đang ra sức thi đua, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.

Chương trình Lễ kỷ niệm 95 năm khởi nghĩa Thái Nguyên kết thúc bằng màn sử thi nghệ thuật "Khởi nghĩa Thái Nguyên - Một thời để nhớ" với sự tham gia của các diễn viên Đoàn nghệ thuật tỉnh và Đoàn nghệ thuật Quân khu I, tái hiện những phút giây hào hùng, bi tráng về cuộc khởi nghĩa cũng như những hình ảnh quả cảm, lẫm liệt của lực lượng nghĩa quân, tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc Thái Nguyên, trong đó nổi bật là vai trò lãnh đạo của Đại đô đốc Trịnh Văn Cấn và Quân sư Lương Ngọc Quyến./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực