Mạng xã hội VCNet với việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác tuyên giáo

Thứ hai, 20/12/2021 16:24
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Mặc dù mới ra đời, VCNet đã thể hiện rõ hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong thời gian tới, VCNet cần xác định được hướng đi đúng và cần được quan tâm đầu tư về mọi mặt để tiếp tục thu hút đông đảo người dùng, qua đó góp phần thực hiện các nhiệm vụ của công tác tuyên giáo.

Hơn 13 vạn người thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” tuần 10

Sức lan tỏa từ Cuộc thi trắc nghiệm "Chung tay vì an toàn giao thông"

Chương trình nghệ thuật Giữ trọn niềm tin và trao giải Cuộc thi tìm hiểu 90 năm ngành Tuyên giáo của Đảng

Sâu sắc và lắng đọng Chương trình Nghệ thuật Màu cờ tôi yêu

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trao giải cho các thí sinh đoạt giải cuộc thi trắc nghiệm "Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam" trên mạng VCNet, ngày 1/2/2020. (Ảnh: Tuấn Anh) 

Kết quả bước đầu sau hơn hai năm hoạt động

Với phương châm “Tuyên giáo đi trước, đi cùng, hướng mạnh về cơ sở”, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo VCNet (Tiếng Anh: Vietnam Communication Network, còn được biết tới với tên gọi là mạng xã hội VCNet hay mạng VCNet, tên miền: https://vcnet.vn). Việc triển khai đưa vào vận hành mạng VCNet nhằm đổi mới phương thức hoạt động của công tác tuyên giáo, tăng cường ứng dụng công nghệ trong điều hành, tăng cường kết nối, tương tác trong ngành Tuyên giáo và giữa ngành Tuyên giáo với cộng đồng trong tình hình mới.

Ngày 11/6/2019, Ban Tuyên giáo Trung ương khai trương Hệ thống thông tin điện tử Tuyên giáo VCNet. Tròn một tháng sau, ngày 11/7/2019, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Quyết định số 2245-QĐ/BTGTW thành lập Tổ Biên tập và quản trị nội dung Hệ thống thông tin điện tử Tuyên giáo VCNet với tổng số 46 người, trong đó có 32 người là cán bộ, phóng viên của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 14 người là cán bộ, chuyên viên một số vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ngày 13/4/2020, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Quyết định số 2832-QĐ/BTGTW, bổ sung nhiệm vụ cho Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vận hành, quản trị nội dung Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo VCNet. Theo Quyết định này, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp với Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vận hành Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo VCNet đảm bảo an toàn, ổn định.

Được tiếp nhận một công việc hoàn toàn mới là quản trị nội dung mạng xã hội, trong điều kiện phải làm việc với chế độ kiêm nhiệm, các thành viên Tổ Biên tập và quản trị nội dung VCNet đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở lịch trực được xây dựng hàng tháng và triển khai thực hiện liên tục 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, Tổ Biên tập và quản trị nội dung VCNet kiểm soát chặt chẽ mọi thông tin do người dùng đăng tải lên mạng VCNet, từ đó đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng trăm lượt bài đăng có nội dung xấu, độc như: Thông tin xuyên tạc, thù địch, chống phá chế độ, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm anh hùng dân tộc; thông tin cổ súy, quảng bá, mời tham gia cá độ, cờ bạc; thông tin dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam… Đồng thời, trên cơ sở định hướng công tác thông tin, tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, các thành viên Tổ Biên tập và quản trị nội dung VCNet thường xuyên đăng tải các bài viết có nội dung tích cực, với phương châm “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Hàng nghìn bài viết do các thành viên Tổ Biên tập và quản trị nội dung đăng lên mạng VCNet trong thời gian qua đã phản ánh về mọi mặt đời sống xã hội, gương người tốt, việc tốt, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiều bài viết được người dùng quan tâm, chia sẻ, bình luận, qua đó lan toả thông tin tích cực, góp phần định hướng dư luận, đấu tranh chống thông tin xấu, độc.

 Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải cho các thí sinh đoạt giải Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” trên mạng VCNet, ngày 26/7/2020. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sau hơn hai năm hoạt động, VCNet đã khẳng định được vị trí, vai trò và sức sống trong hệ thống các mạng xã hội của Việt Nam; số người dùng tăng nhanh, đến nay đạt hơn 2,5 triệu tài khoản người dùng và số tài khoản đăng ký mới hiện vẫn tiếp tục tăng. Trong thời gian qua, VCNet đã trở thành phương tiện để kết nối người dùng, là diễn đàn để người dùng chia sẻ, lan tỏa nhiều thông tin hữu ích, như: Chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; phản bác thông tin, quan điểm sai trái, chống tin giả; thông tin phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; gương người tốt, việc tốt; thông tin giải trí lành mạnh…

Số liệu trích xuất trên hệ thống tại thời điểm 10 giờ 00 ngày 17/12/2021: Số tài khoản: 2.539.369, số lượng bài đăng: 313.162, số lượt bình luận: 105.014, số nhóm do người dùng lập trên mạng: 1.343; hơn 17 triệu lượt truy cập trang từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, gần 148 triệu lượt xem bài đăng...

 Theo TS. Trần Doãn Tiến - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo VCNet, những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định VCNet là kênh thông tin hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lan toả thông tin tích cực, góp phần định hướng dư luận xã hội, tăng “sức đề kháng” của người dùng trước những ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin do các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Những cuộc thi thiết thực, hiệu quả

Mặc dù mới ra đời, VCNet đã có những đóng góp thiết thực trong công tác tuyên giáo, thể hiện qua các cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, nhân dân tại các địa phương trong cả nước.

Chỉ hơn hai tháng sau ngày khai trương VCNet, Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12/2019 trên mạng xã hội này đã thu hút hơn 3,2 triệu lượt thi. Tiếp theo, Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” diễn ra từ tháng 3 đến tháng 7/2020 đã thu hút hơn 6,2 triệu lượt thi. Trong hai năm 2020 và 2021, Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” đã thu hút hơn 4,6 triệu lượt thi.

Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải tham gia Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng VCNet năm 2021 tại Lễ phát động Cuộc thi, ngày 6/4/2021 (Ảnh: Kiều Giang) 

Trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tiếp nối thành công của các cuộc thi trước, năm 2021, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet. Cuộc thi nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để người dân chủ động phòng tránh lây nhiễm bệnh; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho mọi người dân. Thông qua Cuộc thi cũng góp phần hình thành thói quen, lối sống lành mạnh trong việc tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Dự kiến diễn ra trong 15 tuần (từ ngày 13/10/2021 đến ngày 26/1/2022), chỉ sau hơn 9 tuần thi (từ 10h00 ngày 13/10/2021 đến 10h00 ngày 17/12/2021), Cuộc thi đã thu hút gần 1,3 triệu lượt người tham gia với hơn 3,4 triệu lượt thi.

Các cuộc thi trên mạng xã hội VCNet thời gian qua đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đối tượng dự thi thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Nhiều người tham gia dự thi thường xuyên, là người trong cùng gia đình, cùng địa bàn cư trú; là cán bộ, hội viên các cơ quan, đoàn thể; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; giáo viên và học sinh các nhà trường. Nhiều cá nhân đã đầu tư thời gian, công sức để tìm hiểu, nghiên cứu, tham gia dự thi rất nhiệt tình, nghiêm túc, hiệu quả, đoạt giải trong hai, ba tuần thi.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng VCNet, ngày 13/10/2021 (Ảnh: Mạnh Hùng) 

Nhận thấy ý nghĩa và hiệu quả thiết thực của các cuộc thi, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, chỉ đạo triển khai sâu rộng; phổ biến nội dung, thể lệ cuộc thi, hướng dẫn cách thi; khuyến khích cán bộ, đảng viên tham gia dự thi. Nhiều nhà trường đã phối hợp cùng Ban Tổ chức phổ biến thông tin về cuộc thi, hướng dẫn, động viên học sinh và giáo viên tham gia thi. Một số trường đại học đã tổ chức phát động hưởng ứng các cuộc thi tới đông đảo sinh viên trong trường.

Song song với việc công bố bộ câu hỏi các tuần thi, hướng dẫn thi và thường xuyên đưa tin về tiến độ, kết quả các tuần thi, để tạo thuận lợi cho người dự thi tra cứu thông tin để làm bài thi, Ban Tổ chức chú trọng việc sưu tầm và cung cấp các tài liệu tham khảo. Người dự thi có thể dễ dàng truy cập để xem các thông tin, tài liệu này trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc mạng VCNet.

Trong thời gian diễn ra các cuộc thi, thông tin trên mạng xã hội VCNet cho thấy nhiều tài khoản hoạt động rất tích cực, đặc biệt vào buổi sáng những ngày Ban Tổ chức công bố kết quả thi tuần vừa qua và bộ câu hỏi thi tuần mới. Nhiều tài khoản tương tác, trao đổi sôi nổi về các câu hỏi thi, về tài liệu tham khảo của cuộc thi để tìm đáp án đúng, qua đó được nâng cao hiểu biết, bổ sung kiến thức liên quan đến cuộc thi.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các cuộc thi trên mạng VCNet và hoạt động của mạng xã hội non trẻ này trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Giai đoạn đầu, cơ sở hạ tầng của VCNet được thiết kế đáp ứng cho hoạt động của khoảng 1 triệu người dùng, nhưng do số lượng người dùng tăng nhanh nên đôi khi cơ sở hạ tầng không đáp ứng được, có thời điểm việc đăng ký, đăng nhập khó thực hiện. Một số tính năng của mạng hoạt động chưa ổn định, chưa có các ứng dụng, tính năng cơ bản của mạng xã hội như chia sẻ video, gọi điện thoại, video trực tuyến… Nội dung trên VCNet chưa phong phú, chưa có sự tham gia mạnh mẽ của các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương và đông đảo cán bộ, đảng viên ngành Tuyên giáo trong cả nước nên chưa hấp dẫn người dùng, lượng tương tác còn thấp.

TS. Trần Doãn Tiến – Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo VCNet phát biểu khai mạc Lễ phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng VCNet, ngày 13/10/2021 (Ảnh: Mạnh Hùng) 

Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của VCNet

TS. Trần Doãn Tiến – Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo VCNet khẳng định: Là một trong số ít các mạng xã hội của Việt Nam hiện đang hoạt động có hiệu quả và tiếp tục phát triển, thực tế thời gian qua cho thấy VCNet không chỉ đáp ứng nhu cầu chia sẻ thông tin của người dùng mà còn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, việc xem xét, nghiên cứu, tìm giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng xã hội này là một vấn đề thiết thực. Trong bối cảnh phải nỗ lực để “sống chung” với những “người khổng lồ” về công nghệ, tài chính và có bề dày nhiều năm hoạt động như Facebook, YouTube, Instagram… và các mạng xã hội trong nước, VCNet cần xác định được hướng đi đúng và cần được quan tâm đầu tư về mọi mặt để tiếp tục thu hút đông đảo người dùng.

Theo TS. Trần Doãn Tiến, cùng với việc tăng cường đầu tư về kỹ thuật, công nghệ và nội dung, từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế đã nêu ở trên, là hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo, VCNet cần hướng đến đối tượng chủ yếu là đội ngũ cán bộ, đảng viên, trọng tâm là đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác tuyên giáo các cấp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, người nắm vai trò quan trọng trong thông tin, tuyên truyền của hệ thống chính trị trên cả nước. Về nội dung, bên cạnh cấu phần động là mạng xã hội, cần sớm triển khai, đưa vào hoạt động cấu phần tĩnh của VCNet (đăng tải các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn, đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, tài liệu của Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo, thông tin của Tạp chí Tuyên giáo và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam… để cán bộ ngành Tuyên giáo truy cập, tham khảo và triển khai nhiệm vụ. Nghiên cứu áp dụng hình thức học tập lý luận chính trị trên không gian mạng (qua VCNet), xây dựng bộ câu hỏi và đáp án về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị dành cho cán bộ, đảng viên để học tập thường xuyên trên VCNet… Áp dụng đồng bộ những giải pháp này, VCNet sẽ không chỉ là một mạng xã hội thân thiện, hữu ích đối với đông đảo người dùng, mà còn trở thành một phương tiện nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ngành Tuyên giáo trong cả nước, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác tuyên giáo./.

Phạm Đức Thái

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực