Nhà văn Sơn Tùng qua đời ở tuổi 93

Thứ sáu, 23/07/2021 11:24
(ĐCSVN) – Nhà văn Sơn Tùng, tác giả có nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều danh nhân Việt Nam đã qua đời vào 23h ngày 22/7 tại nhà riêng, hưởng thọ 93 tuổi.

Nhà văn Sơn Tùng, tên thật là Bùi Sơn Tùng (sinh năm 1928 tại Nghệ An), là nhà văn Việt Nam viết nhiều tác phẩm về lãnh tụ Hồ Chí Minh và các danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Búp sen xanh viết về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ 1944 đến 1971, trước khi trở thành nhà văn, 27 năm ông tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoạt động trên các lĩnh vực tuyên huấn, tuyên truyền, huấn luyện, quân sự, phóng viên. Sau khi Hà Nội giải phóng, Sơn Tùng vào học tại Trường Đại học nhân dân và sau đó trở thành cán bộ tuyên truyền của Đảng. Năm 1961, ông về viết cho Báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên của Báo Tiền phong.

Nhà văn Sơn Tùng. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán). 

Ông tác nghiệp chủ yếu tại vùng lửa đạn chiến sự ác liệt ở Quân khu 4, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh. Tới năm 1967, ông xung phong đi B, vào chiến trường Đông Nam Bộ thành lập và phụ trách tờ báo Thanh niên Giải phóng. Ông cùng đồng nghiệp bám sát các mặt trận, gần gũi dân, đến nhiều địa điểm nóng bỏng để phản ánh kịp thời cuộc sống và chiến đấu của bộ đội, đồng bào. Từ thực tế chiến trường, ngoài tin tức, bài vở đăng trên các số báo Thanh niên Giải phóng, Sơn Tùng còn viết ký, truyện gửi ra các báo ngoài Bắc với bút danh Sơn Phong, và miệt mài ghi chép tài liệu với ý thức chuẩn bị cho các tác phẩm dày dặn sau này.

Năm 1971, ông bị thương rất nặng. Xuất ngũ với 14 vết thương trên mình và vẫn còn mảnh đạn găm trong sọ não, mất 81% sức khỏe, song nhà văn Sơn Tùng vẫn tiếp tục cầm bút.

Sơn Tùng có viết về chiến tranh qua các tiểu thuyết: “Vườn nắng”, “Lõm”; về danh nhân cách mạng qua các truyện lịch sử như Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến… Mảng sách thành công nhất của ông, để lại ấn tượng nhất là mảng sách về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã viết hàng loạt tiểu thuyết về Bác Hồ như: “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Trái tim quả đất” và truyện ký “Bác về”, “Nguyễn Ái Quốc qua ký ức một bà mẹ Nga”… Trong đó, nổi tiếng nhất có tiểu thuyết “Búp sen xanh”. Ra mắt lần đầu năm 1982, cho tới nay tác phẩm đã được tái bản lần thứ 30, xuất bản lên tới hơn 800.000 bản, được dịch ra tiếng Anh phát hành ra nước ngoài.

Ngoài tiểu thuyết, cuối năm 1987 Sơn Tùng còn hoàn thành kịch bản phim mang tên “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” và năm 1990 được dựng phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (Đạo diễn Long Vân, quay phim Nguyễn Quang Tuấn, diễn viên Tiến Lợi vào vai Bác Hồ). Sơn Tùng còn sáng tác thơ, trong đó đáng chú ý là bài “Gửi em chiếc nón bài thơ” (1955) và “Cửa sổ xanh” (1971).

Năm 2011, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, trở thành người thứ 4 thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được nhận danh hiệu này.

Chia sẻ về nhà văn Sơn Tùng trên trang cá nhân ngay sau khi ông mất, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động viết: “Ông là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn”./.

VH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực