Tạo không gian văn hóa trong hoạt động báo chí

Thứ bảy, 18/03/2023 18:49
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa sẽ ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa.

Khai mạc Hội Báo toàn quốc 2023: Ngày hội lớn của những người làm báo

Trưng bày "Xuân xưa trên báo Tết 1865 – 2000" tại Hội Báo toàn quốc 2023

Hội Báo toàn quốc năm 2023: Đoàn kết, chuyên nghiệp, văn hóa, sáng tạo

Lịch chương trình Hội Báo toàn quốc 2023

Sáng nay (17/3), khai mạc ​Hội Báo toàn quốc 2023

Trí tuệ nhân tạo và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn

Thách thức của người làm báo trong kỷ nguyên số

Chiều 18/3, tại Bảo tàng Hà Nội, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, Liên chi hội nhà báo Báo Quân đội nhân dân tổ chức tọa đàm “Văn hóa báo chí”.

Tham gia tọa đàm là hai diễn giả: Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng tham dự có đông đảo nhà báo, học viên Trường Sĩ quan Chính trị, sinh viên báo chí Lào đang theo học tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và các sinh viên báo chí Việt Nam.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm. 

Tại tọa đàm, hai diễn giả đã phân tích làm rõ giá trị cốt lõi văn hóa báo chí và vì sao cần phải đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, báo chí là một sản phẩm có tính văn hóa do con người tạo ra, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, giáo dục... Bản thân tác phẩm báo chí chứa đựng tri thức văn hóa, thông điệp có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ tới công chúng. Đặc biệt, nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới dự lãnh đạo của Đảng, luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn, nỗ lực phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những phẩm chất cao quý, kết tinh thành giá trị văn hóa luôn được giữ gìn, trao truyền, trở thành niềm tự hào của những người làm báo cách mạng.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, văn hóa trong báo chí không phải là điều gì đó cao siêu, trừu tượng. Báo chí nhân văn là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ mục đích, hoạt động theo pháp luật và có tính toán đến tác động của thông tin với độc giả và với chính nhân vật.

Bên cạnh những thành tựu to lớn, báo chí Việt Nam hiện nay cũng đứng trước nhiều thử thách. Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, sa đà vào thông tin mặt trái xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục, phản văn hóa; một số ít người làm báo vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm... 

Tọa đàm thu hút đông đảo nhà báo, học viên Trường Sĩ quan Chính trị, sinh viên báo chí.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, những tiêu cực trong hoạt động báo chí liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp - một phạm trù quan trọng của văn hóa. Khi nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi những lợi ích cá nhân, gắn với việc vụ lợi là hành vi phản văn hóa, để lại hình ảnh xấu. Cách làm nghề như vậy không chỉ làm tổn thương danh dự của người làm báo chân chính, làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí; nguy hại nhất là báo chí không còn giữ được bản chất văn hóa lành mạnh, tiến bộ, ảnh hưởng không tốt đến công cuộc xây dựng văn hóa và con người hiện nay.

Cho nên, việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” cũng không ngoài mục đích góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí; qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội.

Tại tọa đàm, hai diễn giả nhấn mạnh, chỉ khi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa sẽ ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa.  

Việc tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Làm tốt được điều này chính là góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; là vũ khí sắc bén của Đảng, chế độ ta trên mặt trận tuyên truyền./.

Tin, ảnh: Hoàng Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực