Ngày 12/4, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới.
|
Đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Đánh giá qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định cho biết, trong 15 năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tại tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của VHNT trong thời kỳ mới được nâng lên. Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng phát triển, nhiều tác phẩm VHNT có giá trị ra đời, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thẩm mỹ đa dạng của Nhân dân.
Các hoạt động VHNT tiếp tục duy trì, chất lượng nghệ thuật được nâng lên, gắn kết chặt chẽ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, bảo đảm chất lượng nghệ thuật, nội dung tư tưởng. Mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được cải thiện.
Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương và địa phương chú trọng phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xã hội hóa các hoạt động VHNT được quan tâm.
Công tác giao lưu, hợp tác quốc tế về VHNT tiếp tục được quan tâm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình và Hội VHNT trong việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng chặt chẽ, hiệu quả….
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, nhiều hạn chế trên cũng đã bộc lộ như: Hoạt động VHNT của tỉnh tuy có bước phát triển nhưng chưa đồng bộ; các tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật còn ít. Việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực VHNT chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa ngang tầm với sự phát triển VHNT; lực lượng làm công tác nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT và các hoạt động lý luận, phê bình còn mỏng, chưa thường xuyên.
Mức đầu tư ngân sách cho lĩnh vực VHNT còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển VHNT trong tình hình mới. Chính sách đối với VHNT còn một số bất cập, chưa tạo được sự đột phá; công tác quản lý nhà nước về VHNT trên không gian mạng còn lỏng lẻo…
|
Các tập thể, cá nhân có những đóng góp tích cực trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Bình Định được tuyên dương, khen thưởng tại Hội nghị.
|
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh. Đồng chí lưu ý: VHNT loại hình, lĩnh vực quan trọng, đặc biệt, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người. VHNT có vai trò quan trọng trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Văn nghệ sĩ là lực lượng nòng cốt trong sáng tạo và truyền bá VHNT. Không chỉ tác phẩm mà cả lối sống, phát ngôn của họ cũng tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo công chúng.
Do đó, để tiếp tục và xây dựng, phát triển VHNT nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp Nhân dân, đưa VHNT trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người Bình Định, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lê Kim Toàn đề nghị, trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh cần tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, VHNT, nhất là những mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc gắn với hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đồng chí đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực VHNT; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội VHNT Bình Định. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình VHNT, chú trọng giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo VHNT; đấu tranh, phản bác, loại bỏ các sản phẩm độc hại, coi trọng sáng tác các tác phẩm, sản xuất các chương trình văn hóa, văn nghệ giàu tính nhân văn, khoa học để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho Nhân dân. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn hóa, VHNT, nhất là văn nghệ sỹ, người yêu sáng tác văn học, nghệ thuật trẻ. Tăng cường kết nối, giao lưu, hợp tác VHNT với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Thúc đẩy, khuyến khích sáng tác VHNT về du lịch, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh./.