Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Mỗi thắng lợi và mỗi bước đi lên của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự soi đường, dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thực vậy, hơn nửa thế kỷ từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhưng tư tưởng của Người, phong cách của Người vẫn là kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong “cuộc chiến” phòng chống đại dịch COVID-19.
Không giống với các thách thức mà cách mạng Việt Nam phải đối mặt trong lịch sử 90 năm qua, đại dịch COVID-19 là một cuộc chiến cam go với rất nhiều khác biệt. Cùng với nhân loại, đất nước ta đứng trước một kẻ địch gần như vô hình, bất định và khôn lường. Một kẻ địch khiến cho cả thế giới ngừng trệ, tác động đến tuyệt đại đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ, và ngay cả những quốc gia hùng cường nhất cũng phải rúng động. Đây đó trên thế giới, lãnh đạo các quốc gia lúng túng, chính trị nội bộ chia rẽ, chỉ trích và công kích lẫn nhau, hệ thống y tế bị đánh sập, lòng dân xáo động. Quan hệ quốc tế bị tác động nhiều chiều khi các quốc gia đều phải lo cho mình trước và cạnh tranh nước lớn có thêm biểu hiện phức tạp.
Giữa cơn xáo động toàn cầu đó, cái tên Việt Nam một lần nữa xuất hiện như một biểu tượng chiến thắng đầy cảm xúc. Một đất nước với sức mạnh kinh tế ở mức trung bình thấp, độ mở cao, song đã làm thế giới ngỡ ngàng với số lượng người mắc bệnh thấp, tỷ lệ chữa khỏi rất cao với những ca rất nghiêm trọng và cho đến nay chưa có trường hợp tử vong. Chưa hết, thế giới còn ngỡ ngàng trước niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, trước sự đoàn kết trên dưới một lòng, trước lòng yêu nước nồng nàn, nghĩa đồng bào sắt son của dân tộc Việt Nam. Cộng đồng quốc tế cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp của một dân tộc tuy còn khó khăn nhưng dốc lòng mình để hỗ trợ cho bạn bè, đối tác; cảm phục trước tinh thần trách nhiệm phất cao ngọn cờ đoàn kết ASEAN, hợp tác đa phương, kết nối các quốc gia để cùng nhau vượt qua đại dịch thế kỷ. 50-60 năm rồi, kể từ khi Việt Nam là “lương tri của nhân loại”, nay một Việt Nam hiện thân cho chính nghĩa và nhân văn lại rạng ngời đến vậy trong tâm khảm nhân dân thế giới. Những người bạn nước ngoài ở Việt Nam giương cao tấm biển “Cảm ơn nghĩa cử của các bạn, cảm ơn sự hy sinh, cảm ơn sự tử tế, cảm ơn lòng nhân từ” và “với sức mạnh của các bạn, chúng tôi không sợ gì nữa”. Truyền thông quốc tế, bạn bè năm châu đã cố gắng phân tích tìm nguyên nhân thành công của Việt Nam, pháo đài sừng sững vững chãi trong cơn sóng thần đại dịch.
|
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân nhận gạo từ cây ATM gạo. Ảnh: TTXVN |
Nguyên nhân thành công thật ra không mới, đó là các bài học kinh điển của cách mạng Việt Nam. Đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta – một Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, luôn kiên định mục tiêu tối thượng, xuyên suốt là “tất cả vì nhân dân”. Đó là đường lối đúng đắn, tư duy khoa học, trên cơ sở biết mình, biết người, biết thời, biết thế, biết lực. Đó là sức mạnh đại đoàn kết vô địch, là lòng yêu nước nồng nàn, truyền thống nhân nghĩa quý báu của dân tộc Việt Nam. Đó là tinh thần trách nhiệm cao cả của một quốc gia thủy chung, tình nghĩa đối với bạn bè, đối tác. Những bài học này đều xuất phát từ các giá trị quý báu trong tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh.
Trước hết, là bài học lấy dân làm gốc. Là người am hiểu văn hóa – lịch sử nước nhà nói chung và văn hóa - chính trị phương Đông nói riêng, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng tư tưởng “Dân là gốc” quyết định mọi thành bại trong lịch sử Việt Nam. Trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, Người đã kế thừa và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin về cách mạng vô sản, trong đó có lý luận về việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, đặc biệt là với đặc thù một nước thuộc địa nửa phong kiến Đông Á. Để giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong điều kiện đặc thù Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích dân tộc là trên hết và coi đây là nguyên tắc tối cao trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Tháng 5 - 1941, tại Hội nghị Trung ương Tám, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[1]. Theo đó, nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, là nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn Đảng, toàn dân. Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” bởi lẽ đây là nguyện vọng lớn nhất, xuyên suốt nhất của toàn dân tộc và Người hiểu rõ CNXH chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng độc lập tự do của dân tộc.
Có thể nói, đặt vấn đề lợi ích dân tộc lên trên hết không chỉ là một sáng tạo lý luận của Hồ Chí Minh trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong điều kiện đặc thù Việt Nam. Đây còn là sự phát triển vượt bậc so với truyền thống chính trị Việt Nam bởi Người đã thực sự biến “dân vi bản” trở thành “dân làm chủ”. Với tầm nhìn xa và trí tuệ siêu việt, Người nhận thức sâu sắc lợi ích của nhân dân là cao nhất, đồng thời chỉ có phục vụ lợi ích của nhân dân thì Đảng mới huy động được sức mạnh toàn dân để thực hiện mục tiêu cách mạng thành công, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Do đó, Người đã khẳng định: “Có dân là có tất cả”, tin ở dân, dựa vào dân, tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người. Trọn cuộc đời mình, Người luôn kiên định một mục đích: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[2]. Đây cũng chính là sự hòa quyện cao nhất lợi ích của dân tộc và lợi ích của giai cấp mà toàn Đảng, toàn dân luôn hướng tới.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, dựa trên sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam là sự thống nhất giữa lợi ích của Đảng và lợi ích của nhân dân, Đảng đã đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử, lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua mọi thách thức to lớn nhất, giành được những thắng lợi vẻ vang. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) rút ra các bài học lớn trong quá trình Đảng lãnh đạo đất nước, trong đó nhấn mạnh “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân”[3]. Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta cũng nhấn mạnh bài học “dân là gốc” và “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”[4].
Trong ứng phó với đại dịch COVID-19, mặc dù là quốc gia đối mặt với đại dịch từ rất sớm, song Đảng ta cũng sớm xác định ngay từ đầu chủ trương “tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân”. Chính vì vậy, dù lúc đầu phải đối mặt với một số khó khăn từ cả đối nội và đối ngoại, song thực tiễn đã chứng minh việc sớm minh định mục tiêu “vì sức khỏe nhân dân” đã đem lại những lợi thế to lớn mang tính quyết định đối với công cuộc phòng, chống đại dịch ở nước ta.
Thứ hai, tư tưởng của Người về đại đoàn kết dân tộc và huy động sức mạnh toàn dân. Ngay từ những năm tháng bôn ba năm châu hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã hình thành tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc, coi trọng sức mạnh nhân dân. 10 số đầu của báo Thanh niên chỉ tập trung nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết. “Cách mệnh là một công việc to. Muốn thành đạt, người cách mạng phải đoàn kết lại” (Báo Thanh niên số 1)[5]. Năm 1941, sau khi về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh lập Mặt trận Việt Minh, nêu khẩu hiệu đoàn kết toàn dân, hầu như không bỏ sót một lực lượng yêu nước nào. Đây chính là điểm mấu chốt tạo nên sức mạnh vĩ đại để Đảng ta lãnh đạo toàn dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn “Để giành lấy thắng lợi trọn vẹn trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân”. Khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tổng kết súc tích về tư tưởng đại đoàn kết của Người, một chân lý làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong đại dịch COVID-19, với mục tiêu “vì nhân dân”, Đảng ta đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của toàn dân, của đồng bào ở xa Tổ quốc. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 thể hiện ở sự đồng tâm nhất trí từ trên xuống dưới, ở sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ở sự tận tâm tận lực của các lực lượng tham gia chống dịch, ở sự ủng hộ của nhân dân trước các biện pháp của Chính phủ, ở sự ủng hộ tài lực, vật lực của các tầng lớp nhân dân, từ cụ già, cháu bé đến các tập đoàn hàng đầu quốc gia. Chính vì vậy, mặc dù Việt Nam chưa phải là nước phát triển, tiềm lực vừa phải, nhưng đã có được “lực lượng vĩ đại” để chiến thắng đại dịch.
Thứ ba là tấm lòng nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cơ sở của sức mạnh nhân văn truyền thống của dân tộc Việt Nam là các giá trị văn hóa và lịch sử Việt Nam, có thể cô đọng lại là truyền thống yêu hòa bình, kiên cường bất khuất nhưng hòa hiếu, nêu cao độc lập, tự do nhưng sẵn sàng kết giao, vì nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các giá trị đó được hệ thống, bổ sung và củng cố dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp cận chủ nghĩa nhân văn mác-xít, Bác Hồ đã vận dụng sáng tạo và phát triển khoa học các giá trị nhân văn Việt Nam, từ đó hình thành nên tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Người nói “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa…. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà. Hiểu chủ nghĩa Mác – Lê-nin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lê-nin được”[6].
Trên cơ sở các giá trị nhân văn truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa nhân loại và dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh hướng tới giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và luôn gắn liền với mục tiêu “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là cơ sở mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Độc lập dân tộc là điều kiện, cơ sở để giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột. Độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội thì độc lập mới bền vững, hạnh phúc của nhân dân mới được thực sự, người lao động mới hoàn toàn được giải phóng. Người nói “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”[7]. Suy rộng ra, còn có nghĩa là phải chăm lo mọi mặt cho nhân dân, trong đó có sức khỏe. Hơn thế nữa, trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Người nhấn mạnh “quyền được sống”.
|
Tích cực điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng. Ảnh: bachmai.gov.vn |
Xuất phát từ tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Đảng ta đã nêu cao tinh thần vì con người, chăm lo cả về sức khỏe, tính mạng và đời sống nhân dân. Sự chăm sóc chữa trị hết lòng đối với các bệnh nhân dương tính, người Việt cũng như người nước ngoài; những khu cách ly đảm bảo đủ tiện nghi; những gói cứu trợ quan tâm đến người lao động, thất nghiệp, yếu thế… là nỗ lực rất lớn của Đảng để “không một ai bị bỏ lại phía sau”. Chính tinh thần nhân văn trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã tạo cảm hứng cho những nghĩa cử cao đẹp trong toàn xã hội, khiến cho thế giới khâm phục, ngạc nhiên. CNN, hãng thông tấn hàng đầu của Mỹ và thế giới, nhận xét “việc này tuyệt vời đến mức khó tin” [8] với sáng kiến ATM gạo của Việt Nam. Những người nước ngoài ở Việt Nam bày tỏ “Cảm ơn nghĩa cử của các bạn, cảm ơn sự hy sinh, cảm ơn sự tử tế, cảm ơn lòng nhân từ” và “với sức mạnh của các bạn, chúng tôi không sợ gì nữa”[9].
Thứ tư, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, trách nhiệm quốc tế. Cùng với việc nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, Hồ Chí Minh cũng khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Người luôn kết hợp nhuần nhuyễn giữa lợi ích dân tộc với nghĩa vụ quốc tế, giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc. Ngay từ rất sớm, Người tham gia thành lập Hội liên hiệp thuộc địa ở Pháp, hoạt động không mệt mỏi để tăng cường tình đoàn kết chiến đấu giữa giai cấp vô sản các nước và các dân tộc thuộc địa. Bên cạnh việc tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế cho dân tộc mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì hoàn thành tốt và phù hợp nghĩa vụ quốc tế, coi “giúp bạn là tự giúp mình”, nhất là với cách mạng Lào và cách mạng Campuchia.
Phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế của Người, trong đại dịch COVID-19, Việt Nam nổi lên như một “hình mẫu thành công” không chỉ với việc chặn đứng dịch ở trong nước, mà còn với sự thể hiện trách nhiệm cao đối với bạn bè quốc tế. Cộng đồng quốc tế cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp của một dân tộc tuy còn khó khăn, nhưng sẵn sàng hỗ trợ cho bạn bè, đối tác; cảm phục trước tinh thần trách nhiệm phất cao ngọn cờ đoàn kết ASEAN, hợp tác đa phương, kết nối các quốc gia để cùng nhau vượt qua đại dịch thế kỷ. Có thể mạnh dạn nhận định, nếu như trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam là lương tri của nhân loại, thì hiện nay hình ảnh Việt Nam như một biểu tượng nhân văn đang nổi bật trên thế giới.
Thứ năm, phong cách làm việc sát sao, quên mình vì nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về việc tận tâm, tận lực đối với sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân. Năm 1951, Người nói “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”[10]. Các thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, ngay từ Cách mạng Tháng Tám chỉ với 5000 đảng viên, là đều dựa trên sự tận tâm, tận lực đó của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể dân tộc Việt Nam.
Trong đại dịch COVID-19, tinh thần phụng sự nhân dân thể hiện rõ nét trong những hành động xứng danh người cộng sản, từ Lời kêu gọi, những dặn dò thấu tận tâm can đồng bào của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, đến những chỉ đạo sát sao đêm ngày của Thủ tướng Chính phủ, trong những chỉ thị, hành động sát cánh cùng nhân dân của Bộ Chính trị, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Chính phủ cho đến lãnh đạo các bộ, ngành địa phương. Sự tận tâm, tận lực thể hiện ở những hy sinh lặng thầm mà lớn lao trên tuyến đầu của các lực lượng y tế, quân đội, công an; ở những chuyến bay đi vào tâm dịch; ở những hoạt động thắm tình đồng bào để cứu trợ khó khăn về cuộc sống. Có thể nói, tinh thần phụng sự của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đại dịch COVID-19 đã củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng ta.
Các khía cạnh nói trên mới chỉ phần nào phân tích các giá trị quý báu của tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch hiện nay. Dẫu hiện tại cuộc chiến còn chưa ngã ngũ, nhưng với niềm tin to lớn vào sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất định Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch. Điều còn quan trọng hơn, đó là thắng lợi này một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của một Đảng vì nhân dân mà chiến đấu và phụng sự. Thắng lợi này cũng khẳng định sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc ta, một dân tộc giàu lòng yêu nước, nhân nghĩa và anh hùng. Thắng lợi này cũng khẳng định vị thế của Việt Nam – một quốc gia nhân văn đầy trách nhiệm, tích cực chung tay cùng nhân loại. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”. Trong những ngày tháng Năm lịch sử kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, thấm nhuần tư tưởng của Người, noi gương phong cách và đạo đức của Người, dân tộc ta tiếp tục vững tin vượt qua những thách thức to lớn của thời cuộc, khẳng định cơ đồ và vị thế của đất nước trong một thế giới đầy những biến động chưa từng có./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.113.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 4, tr. 161.
[5] GS. Song Thành, Hồ Chí Minh – Nhà Tư tưởng lỗi lạc, Nxb Chính trị - Hành chính, H.2013, trang 593.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2010, t.5, tr. 668.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2010, t.5, tr. 175.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2010, t.7, tr. 50.
TS. Lê Hải Bình