Về thăm quê hương Anh hùng Núp

Thứ ba, 25/01/2022 23:44
(ĐCSVN) - Làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai là nguyên mẫu của làng Kông Hoa trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc. Nơi đây có một người mà tên tuổi ông là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên - đó là Anh hùng Đinh Núp (Anh hùng Núp) người đầu tiên dám dùng nỏ “bắn Pháp chảy máu”.
Thiếu nữ Bah Nar trên quê hương Anh hùng Núp 

Huyền thoại “Làng kháng chiến” Stơr

Anh hùng Núp sinh năm 1914 tại làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai. (Ông mất năm 1999 tại thành phố Pleiku). 15 tuổi đã mồ côi cha, cậu bé Núp phải đi phu cho Pháp nên đã chứng kiến nhiều nỗi bất công, khổ đau của người dân dưới ách thống trị của thực dân và từ đó đã hun đúc ý chí đấu tranh cách mạng. Tận mắt chứng kiến quân Pháp bắt dân làng Stơr đi phu, khiến người dân phải bỏ làng bỏ buôn. Năm 1935, trong một lần quân Pháp về làng bắt phu, dân làng trốn hết vào rừng, một mình cậu bé Núp ở lại dùng nỏ phục kích “bắn Pháp chảy máu” để chứng minh với dân làng rằng, lính Pháp cũng là người, có thể chống lại được.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Stơr khi ấy chỉ chừng hơn chục nóc nhà. Xung quanh làng là rừng cây rậm rạp, thâm u, phía trước có suối Kzắc, phía sau có núi Ta gu sừng sững ôm lấy làng khiến cho nơi đây trở thành một địa điểm rất hiểm trở. Địa thế đó đã khiến cho người con Bah Nar Đinh Núp không một ngày trải qua thao trường luyện tập nhưng với tài trí và lòng căm thù giặc, ông đã bài binh bố trận một cách tài tình và hiểm hóc. Những chông treo, bẫy đá, hầm chông, cung nỏ… đơn sơ như chính con người Tây Nguyên yêu nước đứng lên đánh giặc đã bao phen khiến quân thù khiếp đảm.

Đội tự vệ trên 40 người ngày ấy được thành lập do chàng trai trẻ Đinh Núp chỉ huy, đã kết nối được sức mạnh lòng dân để giữ vững buôn làng. Từ tháng 9/1950 đến tháng 2/1951, quân Pháp đã tổ chức 10 cuộc hành quân đánh lên làng Stơr; có lần, chúng đã sử dụng tới một lực lượng gồm 400 quân vây quét, suốt lúa, phá rẫy, đốt làng, quyết phá, đốt cho được dấu tích làng Stơr. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và thôn trưởng Đinh Núp, dân làng Stơr đã dựa vào núi rừng hiểm trở, bằng vũ khí thô sơ như chông che, bẫy đá, cung tên… giăng thành chiến lũy, đánh bại nhiều cuộc càn quét, tiêu diệt quân địch. “Làng kháng chiến” Stơr với tên tuổi của Anh hùng Núp đã trở thành biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất. Làng phải dời tới chín lần, đồng bào các dân tộc nơi đây trong những năm tháng kháng chiến chống giặc, giữ nước phải đào củ rừng, đốt rễ cỏ tranh ăn thay muối, mặc khố váy bằng vỏ cây, dù đói cơm, lạt muối nhưng vẫn một lòng sắt son theo Đảng, tổ chức đánh bại nhiều cuộc vây lùng, càn quét hung dữ của địch.

Cuộc đời cách mạng của Đinh Núp đã trở thành thiên anh hùng ca bất tử, ông là người Tây Nguyên đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1955, là người được bạn bè quốc tế hết sức ngưỡng mộ, trong đó, Chủ tịch Cu ba Phi-đen Cát-xtơ-rô nhận là anh em kết nghĩa.

Ông đã đi xa nhưng trong tâm khảm của mỗi người dân, Anh hùng Núp luôn trường tồn, như cồng chiêng mãi ngân vang khúc khải hoàn và như sức sống mãnh liệt của núi rừng Tơ Tung này. Anh hùng Núp và làng Stơr đã trở thành huyền thoại trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trở thành biểu tượng cho một Tây Nguyên bất khuất.

Tiếp nối truyền thống anh hùng

Chúng tôi về Stơr vào những ngày giáp Tết Nhâm Dần. Ngôi làng của Anh hùng Núp huyền thoại chào đón năm mới với rực đỏ sắc cờ Tổ quốc. Đi tới đâu, nhắc đến tên Bok Núp, tất thảy người già, người trẻ đều vanh vách kể chuyện vị anh hùng Tây Nguyên đánh giặc như là chuyện mới hôm qua vậy. Ấy là bởi, hình ảnh Bok Núp luôn ở trong trái tim mỗi người Bah Nar.

 Lễ cơm mới của người Bah Nar ở làng Stơr

Ông Đinh Bư, Bí thư Đảng ủy xã Tơ Tung thân tình, cởi mở đi cùng chúng tôi một vòng quanh làng Stơr. Làng Stơr bây giờ là nơi chung sống không chỉ riêng của đồng bào dân tộc Bah Nar, mà còn có cả người Kinh, Tày, Mường… từ tận Cao Bằng, Lạng Sơn vào lập nghiệp. Bức thư của Bác Hồ gửi đồng bào các dân tộc Tây Nguyên năm 1946 được treo trang trọng trong Nhà văn hóa của làng để nhắc nhở đồng bào luôn ghi nhớ lời Bác dạy. Địa phương đã có sáng kiến in Bức thư thành nhiều bản tặng cho mỗi nhà một bức, treo ngay dưới ảnh Bác Hồ.

Bí thư Chi bộ, Trưởng làng Stơr Đinh Rới phấn khởi cho biết: “Stơr mình là làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh mà, chi bộ làng có 13 đảng viên rồi. Người Stơr phải sống xứng với truyền thống anh hùng, xứng với Bok Núp. Không tin, không nghe, không theo lời kẻ xấu, phải chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp”- ông nói trong niềm tự hào, tin tưởng.

Stơr bây giờ không chỉ có hơn chục nóc nhà thưa thớt mà đã nhân lên thành 100 hộ, 464 khẩu. Khu nhà lưu niệm Anh hùng Núp được xây dựng bề thế, khang trang ngay chính giữa làng, đối diện nhà rông. Điểm trường làng Stơr chỉ cách nhà rông mươi thước. Con đường huyết mạch Đông Trường Sơn xuyên qua làng, như sợi chỉ nối dài vô tận giữa quá khứ với hiện tại. Dòng Kzắc hiền hòa, cần mẫn bao đời miệt mài dẫn dòng nước mát lành từ suối mẹ Tơ Tung về với làng, tưới mát cho cánh đồng lúa nước hơn 7 ha, 150 ha mía, đậu, bắp... Những quả đồi bát úp lơ lửng bao quanh làng, từng ruộng mía, nương bắp mới lên xanh nối tiếp nhau kéo dài tít tắp. Xa xa, núi Kông vẫn sừng sững như một điểm tựa của niềm tin và lòng quả cảm của người dân nơi đây.

Về làng Stơr, chúng tôi được nghe già làng Đinh Dom, ông Đinh Nhuý, cháu gọi Anh hùng Núp bằng bác, kể những câu chuyện cảm động về làng kháng chiến Stơr xưa qua những ký ức của hai ông. Nhưng vấn đề quan tâm nhất, được nói nhiều nhất lại là chuyện làm kinh tế, giảm nghèo, dựng xây nông thôn mới.

Chủ tịch xã Tơ Tung Trần Xuân Nam cho biết: “Chương trình 135, 134... của Nhà nước đầu tư cho xã Tơ Tung, cho làng Stơr đã tạo nên một diện mạo mới. Đời sống của đồng bào đã ổn định, nhiều gia đình khá giả, các dân tộc trong xã cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau đi lên. Đặc biệt, làng Stơr luôn là làng đi đầu trong các phong trào, phát huy truyền thống cách mạng trong sự nghiệp đổi mới, xứng đáng là quê hương Anh hùng Núp, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Nhân dân cả nước”.

Còn ông Đinh Nhuý, con rể của Anh hùng Núp tâm sự: “Ngày trước, người Bah Nar ở Stơr đánh giặc kiên cường bao nhiêu thì nay cũng phải quyết tâm chiến thắng đói nghèo bấy nhiêu. Dân làng Stơr ơn Đảng cho nhiều thứ nhưng không vì thế mà ỷ lại, trông chờ”.

Sức vươn lên, sự đồng tâm hiệp lực của người dân nơi đây đã thành những đồng lúa, rẫy bắp, nương mì, vườn mía tốt tươi, xanh thẳm buôn làng. Có một số hộ trồng cây xoan đào, cây thuốc lá, cây bạch đàn xuất khẩu hoặc phát triển chăn nuôi đã có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Làng Stơr giờ không còn hộ đói, chỉ còn rất ít hộ nghèo. “Làng anh hùng trong kháng chiến cũng phải đi đầu trong đổi mới chứ, cán bộ nhỉ” - ông Đinh Plung, người cháu vợ của Anh hùng Núp vui vẻ nâng chén rượu hỏi vui Bí thư Đinh Rới. Mọi người cười vui, hưởng ứng.

 Dòng máu cách mạng, truyền thống đoàn kết, một lòng son sắt theo Đảng, theo Bác Hồ luôn chảy trong huyết quản mỗi người dân Stơr. Kiên cường, bất khuất trong kháng chiến và mạnh mẽ, sáng tạo vươn lên trong đổi mới, mảnh đất Tơ Tung - quê hương của Anh hùng Đinh Núp huyền thoại nay đã khoác lên mình tấm áo mới với những gam màu tươi sáng của cuộc sống no ấm, đủ đầy./.

Bài, ảnh: Trọng Sáng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực