Xòe Thái kết tinh giá trị văn hóa

Chủ nhật, 11/12/2022 14:38
(ĐCSVN) - Từ bao đời nay, múa xòe như là “cơm ăn, nước uống”, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Xòe là kết tinh những giá trị văn hóa bền vững, là khúc ca gắn kết cộng đồng.

Những vòng xòe đắm say lòng người

Bốn mùa trong năm, đồng bào dân tộc Thái ở các tỉnh vùng Tây Bắc tổ chức múa xòe, làm nên những vòng xòe nhịp nhàng, uyển chuyển, đắm say lòng người. Từ trong truyền thống, xòe là hình thức nghệ thuật gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Thái ở các tỉnh Yên Bái, Lao Châu, Sơn La, Điện Biên.

Theo các nhà nghiên cứu và thực tiễn diễn xướng dân gian tại các vùng như Nghĩa Lộ (Yên Bái), Phong Thổ (Lai Châu), Mường Lay (Điện Biên), Quỳnh Nhai (Sơn La) thì múa xòe ra đời từ xa xưa, gắn liền với cuộc sống mưu sinh, lao động, chinh phục tự nhiên và đời sống tinh thần của đồng bào Thái Tây Bắc. Sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng, núi rừng, đồng bào Thái đã cùng nhau tổ chức điệu múa xòe để có nhiều người tham gia, tất cả mọi người cùng nắm tay nhau, không phân biệt già trẻ, giới tính, giàu nghèo. Mọi người cùng kết thành những vòng tròn, vòng xòe quanh đống lửa lớn.

Vòng xoè Nghĩa Lộ (Yên Bái) trong lễ vinh danh xoè Thái năm 2022 (Ảnh: Thế Lượng) 

Cùng với dòng chảy của thời gian, xòe đã đi sâu và có sức sống bền bỉ trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Xòe có mặt không chỉ sau những buổi lao động mà còn đi vào lễ hội, những nghi lễ thiêng liêng, những buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ mừng cơm mới, lễ tết, hội bản…Xòe trở thành cơm ăn, nước uống hằng ngày không thể thiếu đối với đồng bào Thái. Ở đâu có lễ hội, có sinh hoạt cộng đồng thì ở đó có xòe. Nếu thiếu đi những điệu xòe, vòng xòe thì cuộc vui chưa trọn vẹn, tình thân chưa gắn kết và vạn vật, con người dường như thiếu đi sức sống. Xòe đã trở thành phương tiện kết nối tình cảm giữa con người với nhau, gắn kết cộng đồng và là hình thức sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng của đồng bào Thái vùng Tây Bắc.

Nghệ nhân Lò Văn Biến (Nghĩa Lộ- Yên Bái) chia sẻ: “Xòe là loại hình nghệ thuật độc đáo, gắn liền với đời sống cộng đồng của dân tộc Thái, kết tinh những giá trị nhân văn bền vững. Múa xòe gắn kết cộng đồng, làm cho con người gần nhau hơn, đoàn kết và hòa điệu tâm hồn”.

Loại hình nghệ thuật độc đáo

Khi tìm hiểu về xòe, các nhà nghiên cứu nhận thấy, xòe Thái là loại hình nghệ thuật có sự kết hợp độc đáo, nhịp nhàng giữa âm nhạc, trang phục, ẩm thực và một yếu tố rất quan trọng là sự hòa điệu tâm hồn của con người khi tham gia múa xòe. Trong đó, các vùng đất lưu truyền và diễn xướng ba loại xòe chính là xòe nghi lễ, xòe vòng, xòe biểu diễn. Nhạc cụ giữ vai trò rất quan trọng để tạo nên âm hưởng, nhịp điệu cho vòng xòe. Trong nhạc cụ, trống tượng trưng cho đất, cồng tượng trưng cho trời, chũm chọe tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật, con người trong trời đất. Từ những loại xòe, đồng bào Thái đã sáng tạo ra 30 điệu xòe. Trong đó xoay quanh các điệu như nâng khăn mời rượu, bổ bốn, tiến lùi, tung khăn, vòng tròn vỗ tay, nắm tay. Các vật dụng đi cùng xòe sẽ tạo nên những điệu xòe đặc trưng như xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe gậy…

 Xoè Thái tạo không gian và âm hưởng đậm chất Tây Bắc (Ảnh: Thế Lượng)

Khi tham gia những vòng xòe, người biểu diễn thường mặc trang phục truyền thống, khoác chiếc khăn thổ cẩm dài trên vai tạo nên sắc màu truyền thống và dáng vẻ duyên dáng, nhịp nhàng hòa cùng giai điệu của các nhạc cụ. Ở giữa vòng xòe thường là đống lửa lớn để tạo nên ánh sáng bập bùng, thổi bùng lên ngọn lửa say mê, đoàn kết trong tâm hồn mỗi người. Người múa xòe muôn người như một, họ nắm tay nhau, cất lên lời hát và những động tác nhịp nhàng của tay, chân và cơ thể  cùng hòa điệu theo nhạc điệu của điệu xòe. Vòng xòe không quy định số người mà phụ thuộc vào lượng người có trong những cuộc vui, cuộc giao lưu, miễn là họ nắm tay nhau để kết lại thành vòng tròn xòe. Có vòng xòe vài chục người nhưng có vòng xòe lên đến hàng trăm, hàng ngàn người.

Gắn kết cộng đồng

Trong ánh sáng của lửa đuốc bùng lên những hoa lửa rực rỡ, âm thanh của trống, cồng, chũm chọe hòa vào những lời hát ngọt ngào và sắc màu rực rỡ của hoa văn thổ cẩm đã tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng vô cùng sinh động và nhân văn. Ở nơi đây, con người như xua tan đi bao ưu phiền, mệt nhọc để hòa mình vào tình đoàn kết, kết nối những mối giao lưu thắm đượm tình người. Mỗi không gian múa xòe như cất lên bài ca của lòng say mê, của sự gắn kết cộng đồng và vang lên những triết lý về sự hòa hợp giữa trời, đất và con người. Để từ những vòng xòe ấy, con người nói lên khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, về mối quan hệ đoàn kết giữa người với người, về mong ước vạn vật, con người không ngừng sinh sôi, nảy nở.

Chị Lò Thị Loan (Nghĩa Lộ - Yên Bái) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên cùng với điệu xòe Thái. Dù sinh sống và làm việc ở đâu, tôi luôn nhớ về xòe của dân tộc mình, nhớ như cơm ăn, nước uống hằng ngày”.

 Những vòng xoè Tây Bắc gắn kết cộng đồng (Ảnh: Thế Lượng)

Với sự độc đáo và những giá trị bền vững, lan tỏa của nghệ thuật xòe Thái Tây Bắc, năm 2013, nghệ thuật xòe Thái được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến ngày 15/12/2021, loại hình này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này đã khẳng định giá trị và vai trò to lớn của nghệ thuật xòe Thái vùng Tây Bắc trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Đồng thời khẳng định sự lan tỏa, kết nối và nối dài sức sống của xòe ra tầm nhân loại. Đó là niềm tự hào không chỉ của cộng đồng dân tộc Thái vùng Tây Bắc mà còn là niềm vinh dự của dân tộc Việt Nam.

Thầy giáo Lê Văn Cường, giáo viên Lịch sử, trường THPT Cảm Ân (Yên Bình-Yên Bái) chia sẻ: “Xòe có sức sống và sự lan tỏa rộng rãi trong đời sống cộng đồng của dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Không gian diễn xướng của xòe Thái góp phần tạo nên âm hưởng và chất men say trong lòng người”.

Về Tây Bắc trong hành trình khám phá vẻ đẹp của những miền đất xa xôi. Tại những bản làng người Thái, nghe vang đâu đây những điệu xòe đắm say lòng người. Con người dừng chân ở xứ sở Tây Bắc và hòa mình vào những vòng xòe độc đáo để lắng nghe được những thanh âm trong trẻo của đất trời, kết nối lòng người trong những cái nắm tay thắm tình đoàn kết./.

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực