Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện các hiện vật của văn hóa Sa Huỳnh. Từ khu mộ chum ở Sa Huỳnh, qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã liên tục phát hiện dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử và tìm thấy khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong đó, Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh, với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu.
Nói đến Văn hóa Sa Huỳnh là người ta nghĩ đến những khu mộ chum rộng lớn với các chum gốm to, nhỏ, cao được dùng để lưu giữ phần xác của con người khi về thế giới bên kia, là nói đến những đồ trang sức bằng thuỷ tinh, bằng mã não rất độc đáo; những khuyên tai hai đầu thú, hạt cườm, những bình gốm con tiện, bát đồng, chậu, vò… Những đồ gốm này đều được trang trí hoa văn đẹp và tinh xảo.
|
Tỉnh Quảng Ngãi đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. |
Từ năm 1909 đến nay, 4 hội thảo khoa học về văn hóa Sa Huỳnh đã được tổ chức vào các năm 1985, 1990, 1999, 2009. Trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài đã dành nhiều tâm huyết, sức lực để tìm tòi, nghiên cứu và giải mã một nền văn hóa phát triển rực rỡ, đồng thời cũng hết sức kỳ bí này.
Từ khi phát hiện đến nay, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi đã không ngừng nỗ lực trong phát hiện, khai quật, phục dựng, nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh và đạt được những bước tiến đáng kể. Qua đó, đã phát hiện được hàng trăm di tích văn hóa Sa Huỳnh từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai; từ các cồn cát ven biển đến đảo Lý Sơn, lên vùng Trường Sơn hiểm trở, với hàng nghìn hiện vật được phát hiện và phục hồi...
Những hiện vật của Văn hóa Sa Huỳnh có giá trị rất lớn và được các nhà khoa học, khảo cổ học đánh giá rất cao. Sự hiện diện của nền văn hóa cổ này tại tỉnh Quảng Ngãi là thế mạnh không phải nơi nào cũng có.
Năm 1997, Bộ VH,TT&DL đã xếp hạng di tích cấp Quốc gia cho di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Đến ngày 29/12/2022, Văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
|
Các hiện vật trong Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. |
Di tích gồm 6 địa điểm được khoanh vùng bảo vệ: Địa điểm Long Thạnh, hay còn gọi là Gò Ma Vương (thuộc thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh); địa điểm Phú Khương (thuộc thôn Phú Long, xã Phổ Khánh); địa điểm Thạnh Đức (thuộc thôn Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh); quần thể di tích Chăm pa gồm: Tháp Núi Một, tháp Gò Đá, cầu Đá, miếu Chăm pa, bia ký Vũng Bàng, hệ thống giếng Chăm pa gồm 12 giếng, con đường xếp đá cổ, hệ thống mương dẫn nước cổ; địa điểm Đầm An Khê và lạch An Khê – sông Cửa Lỗ thuộc xã Phổ Khánh. Các điểm di tích trên tạo nên một không gian lịch sử, sinh thái, văn hóa nhân văn quý hiếm.
Di tích Văn hóa Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị đặc biệt của di tích. Để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về những giá trị của di tích, thu hút khách tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị để Di tích Văn hóa Sa Huỳnh mãi mãi là niềm tự hào, là tài nguyên quý báu của nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ sớm có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích, kết hợp với phát triển du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.
Để đưa di tích Văn hóa Sa Huỳnh trở thành Di sản Văn hóa thế giới trong thời gian tới nhằm giáo dục lịch sử, văn hóa cho các thế hệ, đồng thời trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách cả nước và bạn bè quốc tế, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cũng mong muốn tỉnh Quảng Ngãi triển khai một số công việc như: Triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy Di sản Văn hóa Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch; giữ gìn và phát huy các giá trị xung quanh khu vực đầm An Khê về tri thức dân gian, về ẩm thực, nghề truyền thống đúng với bản sắc văn hóa dân tộc và địa phương, tiến tới xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới trong thời gian tới; đưa di tích Văn hóa Sa Huỳnh thành điểm đến của du lịch và hấp dẫn bền vững mang tầm khu vực và quốc tế...