|
Chiếc mũ “Khùn Tằng” thường được mặc với bộ váy truyền thống với hai màu chủ đạo là xanh và đen của người Pa Dí
|
Người Pa Dí ở vùng núi phía Bắc Việt Nam gọi chiếc mũ này là “Khùn Tằng”, mũ có hình giống như những mái nhà được đội trên đầu của những người phụ nữ. Tương truyền, có cả một câu chuyện riêng cho chiếc mũ này. Những già làng người Pa Dí kể rằng xa xưa người Pa Dí vì không muốn sống xa con cháu, nên tất cả gia đình, họ hàng cùng chung sống trong một mái nhà lớn. Sau này, khi con cháu quá đông, ăn ở chật chội, phải cho con cái ra ở riêng. Để thể hiện ý thức nhớ về cội nguồn, về bố mẹ, dòng tộc, người Pa Dí lấy hình tượng mái nhà sáng tạo ra chiếc mũ truyền thống của dân tộc mình.
Chiếc mũ “Khùn Tằng” được làm thủ công từ chính đôi tay của những người phụ nữ trong mỗi gia đình. Mũ có hai phần, phần trên cùng hình mái nhà, được làm từ vải lanh dệt thủ công. Họ phết hồ sáp ong thành nhiều lượt để tạo độ cứng cho vải, sau đó gấp thành hình mái nhà. Đây chính là linh hồn của chiếc mũ “Khùn Tằng”, trở thành điểm nhấn dễ dàng nhìn thấy trên đầu mỗi người phụ nữ Pa Dí.
Phần thứ hai của chiếc mũ là dải khăn có đính những hạt bạc hình sin, ôm gọn cả phần trán và vòng ra phía sau đầu. Những hạt bạc này là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho hạt ngô, hạt gạo – những nguồn lương thực giúp bà con người Pa Dí no ấm, đầy đủ. Mặt sau của mũ cũng có một khuôn bạc hình chữ nhật, được chạm khắc hình cây cối và chim muông.
Trước khi đội mũ, người con gái Pa Dí cẩn thận vấn mái tóc dài của mình lại, sau đó búi cao tóc lên tận đỉnh đầu, cuối cùng, khi cố định phần tóc thật chặt, họ mới úp phần trên của mũ lên. Phần dưới của mũ “Khùn Tằng” được quấn tròn ngay sát trán để giữ cho tóc và phần trên của mũ được chặt, giúp cho người đội có thể cử động thoải mái mà không lo bị xô lệch.
|
Chiếc mũ “Khùn Tằng” có phần trên cùng hình mái nhà, được làm từ vải lanh dệt thủ công. |
Chiếc mũ “Khùn Tằng” đại diện cho vẻ đẹp truyền thống của người Pa Dí, đặc biệt nó gắn với hình ảnh những người phụ nữ. Con gái Pa Dí rất khéo tay, ngay từ nhỏ, họ đã được mẹ dạy cho cách để thêu thùa, may vá. Đối với họ, việc tự tay may lên những bộ trang phục, đặc biệt chiếc mũ “Khùn Tằng” là niềm vui, tự hào về dân tộc.
Vì chiếc mũ “Khùn Tằng” là đại diện cho sự sung túc, hạnh phúc của một gia đình, cho nên, nó cũng là một món quà, người mẹ chồng sẽ dành tặng cô con dâu khi mới về gia đình. Đó như lời chúc phúc may mắn dành cho cô dâu mới, hy vọng cô sẽ luôn giữ được tình cảm gia đình hòa thuận, ấm áp, trở thành “mẹ hiền, dâu thảo”, tiếp nối truyền thống của người Pa Dí đã lưu giữ suốt bao thế hệ.
Chiếc mũ “Khùn Tằng” cũng thường được mặc với bộ váy truyền thống với hai màu chủ đạo là xanh và đen của người Pa Dí. Đến vào các dịp lễ hội của bản làng, không khó nhận ra những người phụ nữ Pa Dí duyên dáng trong bộ váy suông màu đen với thắt lưng xanh, đeo vòng bằng bạc. Trên đầu họ đội chiếc mũ may mắn – “Khùn Tằng”, hai bàn tay cầm bình rượu ngô mang hương thơm vấn vít, khiến cho thực khách nhìn một lần là mãi chẳng thể quên nét đẹp dịu dàng, nhưng vô cùng độc đáo ấy.
Ngày nay, người phụ nữ Pa Dí vẫn rất yêu mến và tự hào về chiếc mũ “Khùn Tằng”, đối với họ đây là một vật biểu trưng cho sự may mắn, sung túc của dân tộc. Với sự phát triển của xã hội hiện đại, người Pa Dí không còn đội chiếc mũ này thường xuyên, mà chỉ sử dụng trong các dịp lễ tết, nhưng họ vẫn lưu truyền cho con cháu cách làm ra chiếc mũ “Khùn Tằng”.