|
Ảnh minh hoạ |
Phân tích về quá trình phát triển của điện ảnh Việt Nam, nhà nghiên cứu- phê bình điện ảnh, TS. Ngô Phương Lan cho rằng, nền công nghiệp điện ảnh nước nhà đã manh nha ngay từ cuối những năm 1990 của thế kỷ trước.
Theo bà Lan, năm 1986 được coi là dấu mốc đối với nền điện ảnh Việt Nam khi thực hiện xóa bỏ dần bao cấp và chuyển cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước vào năm 1989.
Kể từ đó, Nhà nước không còn bao cấp cho toàn bộ hoạt động điện ảnh nữa, các hãng phim và các công ty điện ảnh chuyển sang cơ chế tự hạch toán - kinh doanh. Điện ảnh gần như bị “thả nổi” vào thị trường. Nhà nước cũng không còn độc quyền trong khâu sản xuất phim.
Trong khoảng 2 năm (1990- 1992), Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép thành lập khoảng ba chục hãng phim của các hội nghề nghiệp, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể. Các hãng phim này cũng được phép sản xuất phim như 5 hãng phim quốc doanh vẫn hoạt động suốt mấy chục năm.
Trên thực tế, các hãng phim mới thành lập hầu hết chỉ tồn tại trên danh nghĩa, còn cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn liếng hầu như không có. Tiền làm phim chủ yếu do tư nhân góp, nhưng vì luật pháp Việt Nam chưa cho phép tư nhân sản xuất phim nên họ phải thông qua các hãng phim để có giấy phép để làm phim.
Kết quả là từ chỗ Việt Nam chỉ có một dòng phim chính thống được làm theo định hướng của nhà nước suốt thời kỳ bao cấp giờ đây xuất hiện một dòng phim thương mại do tư nhân đầu tư, với những bộ phim “câu khách” để kiếm lãi là chính, mà đa số được sản xuất trên băng hình VHS!
“Phải khẳng định rằng cũng như việc chuyển đổi cơ chế của nền kinh tế, điện ảnh Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường là tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển chung”- bà Ngô Phương Lan nhận định.
Sự ra đời và tàn lụi của dòng phim thương mại vào những năm đầu thập kỷ 1990, có thể thấy cả điều hay và cái dở, cả những thất bại lẫn bài học quý báu khi địên ảnh đối mặt với thị trường.
Về mặt được, phim thương mại - mì ăn liền khi xuất hiện ồ ạt đã có tác dụng thay thế dòng băng hình trôi nổi nước ngoài nhập lậu - trong đó có rất nhiều phim đen, phim độc hại - tràn lan ở Việt Nam. Với số lượng trên 50 bộ phim sản xuất hàng năm, phim thương mại - mì ăn liền cũng đã “cứu đói” cho rất nhiều nhà làm phim, văn nghệ sĩ vào lúc cái “phao bao cấp” của các hãng phim không còn.
Nhưng về mặt trái, mặc dù lụi tàn nhanh chóng sau khoảng 3-4 năm, nhưng hậu quả của phim thương mại - mì ăn liền để lại cho xã hội nói chung và điện ảnh nói riêng lại lâu hơn nhiều! Các rạp chiếu bóng bị phim thương mại - mì ăn liền quần nát suốt thời gian dài, đã khiến người xem mất hết cảm tình. Sự kém cỏi về nội dung và nghệ thuật, sự thảm hại về chất lượng bằng hình chiếu ở rạp làm cho khán giả quay lưng với rạp chiếu bóng, họ thà ngôi nhà xem băng video còn hơn. Do vậy, bằng video gia đình trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết vào giữa thập kỷ 90, và điều này cũng góp phần đẩy thị trường phim điện ảnh đến chỗ teo tóp.
Bài học đắt giá có thể rút ra từ sự ra đời và tàn lụi dòng phim thương mại - mì ăn liền là các nhà quản lý đã vội vàng thả nổi điện ảnh vào thị trường trong khi chưa thiết lập được một cơ chế quản lý hợp lý và hiệu quả.
Ngày 30/12/2002, Quyết định số 38/2002/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin “quy định về điều kiện thành lập cơ sở sản xuất phim và thẩm quyền, thủ tục duyệt phim” được ban hành. Đây là dấu mốc quan trọng vì Quyết định này công nhận tư cách pháp nhân đầy đủ của hãng phim tư nhân.
Thêm vào đó, năm 2003, có một hiện tượng đáng nhớ là sự ra đời của bộ phim Gái nhảy, bộ phim ăn khách nhất từ trước cho đến thời điểm đó (với doanh thu tương đương với 700.000 USD trong vòng 3 tháng phát hành, gấp 10 lần số tiền đầu tư cho sản xuất phim). Bộ phim hâm nóng tình cảm của khán giả đối với phim Việt Nam, tạo một bầu không khí sôi nổi hơn cho hoạt động điện ảnh.
Sau thành công của Gái nhảy, các nhà sản xuất phim tư nhân mạnh dạn đầu tư làm phim, những bộ phim thuộc “dòng giải trí” đáp ứng được nhu cầu của thanh niên - bộ phận khán giả đông nhất ở Việt Nam.
Các hãng phim tư nhân liên tục ra đời, bên cạnh 5 hãng phim lớn của Nhà nước, có 25 hãng phim trực thuộc các tổ chức đoàn thể, các địa phương và khoảng 30 hãng phim tư nhân - trong đó có hơn 10 hãng phim hoạt động rất hiệu quả, phim của các hãng này trở thành sản phẩm chính trên thị trường điện ảnh trong những năm qua.
Nếu như năm 2003 còn là năm “nghe ngóng"”thị trường và chuẩn bị lực lượng (chưa có bộ phim nào của hãng tư nhân xuất xưởng (tuy nhiên, trong số 9 phim của năm có 1 phim do hãng phim Nhà nước huy động vốn tư nhân) thì đến năm 2004, trong số 15 phim truyện nhựa được cấp giấy phép phổ biến có 4 phim của các hãng tư nhân (chiếm gần 1/3 tổng số).
Năm 2005 có 6 phim tư nhân trên tổng số 16 phim truyện nhựa (chiếm hơn 1/3 tổng số), ngoài ra còn 2 bộ phim do các hãng phim nhà nước đứng tên nhưng được thực hiện bằng đồng vốn của tư nhân là Việt kiều.
Năm 2006 có 4 phim tư nhân trên tổng số 8 phim (chiếm 1 nửa số lượng phim sản xuất). Năm 2007, điện ảnh Việt Nam xuất xưởng được 14 bộ phim truyện, với 8 phim tư nhân và 6 phim nhà nước. Năm 2009, chỉ có 8 phim truyện nhựa với 4 phim của các hãng tư nhân và 4 phim thuộc các hãng phim Nhà nước.
Như vậy là bên cạnh dòng phim nhà nước (của các hãng phim nhà nước, sản xuất bằng tiền tài trợ hoặc đặt hàng của nhà nước) đã hình thành một dòng phim tư nhân và dòng phim này ngày càng phát triển (số lượng ngày càng lấn át phim của các hãng nhà nước).
Màu sắc chính của phim tư nhân là giải trí, ăn khách nên khu vực điện ảnh tư nhân đem lại sự sôi nổi của thị trường điện ảnh, thu hút khán giả đến rạp, làm “sống lại” các rạp phim từng “ngắc ngoải” trong suốt hơn 1 thập kỷ.
Phim ảnh là sản phẩm của ngành công nghiệp điện ảnh. Bởi vậy, một mặt cần quan tâm đến ý nghĩa xã hội (giá trị tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ) của phim ảnh nhưng mặt khác cần quan tâm đến cả khía cạnh kinh doanh của nó.
Theo các nhà chuyên môn, phát triển nền công nghiệp điện ảnh bền vững chính là đảm bảo xây dựng một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập và phát triển trong điều kiện mở rộng và phát huy khả năng huy động vốn cho sản xuất và hoạt động điện ảnh.
Để đạt được mục tiêu ấy, cũng theo các chuyên gia, cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp cho các cơ sở điện ảnh kinh doanh đa năng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Cụ thể, đó là cần có sự thay đổi cơ bản trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, cổ phần hóa và hội nhập quốc tế nhằm đạt hiệu quả trong việc đầu tư trong sản xuất và phát hành.