Cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động

Thứ ba, 22/11/2022 20:27
(ĐCSVN) - Chương trình Better Work Việt Nam trong giai đoạn mới 2023-2027 dự kiến sẽ mở rộng triển khai tại các địa bàn mới và một số ngành nghề khác ngoài dệt may và da giầy.

Ngày 22/11, tại Hà Nội, Chương trình Better Work Toàn cầu và Better Work Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), đồng thời họp khởi động chiến lược cấp cao Chương trình Better Work giai đoạn 2023-2027. 

Với hình thức tổ chức trực tiếp và trực tuyến, sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu từ các lãnh đạo cấp cao của cơ quan đối tác ba bên, các cơ quan hợp tác phát triển, Đại sứ quán, các nhãn hàng quốc tế cùng đại diện các doanh nghiệp đang tham gia Chương trình. 

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: TG 

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, Chương trình Better Work Việt Nam bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 7/2009 với mục tiêu ban đầu là nâng cao điều kiện làm việc và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành dệt may tại Việt Nam. Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với vai trò Ban Tư vấn Chương trình đã phối hợp chặt chẽ với Chương trình trong thời gian vừa qua để đảm bảo các tác động và mục tiêu của chương trình phù hợp với các ưu tiên phát triển của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ, sau 14 năm hoạt động tại Việt Nam, các hoạt động của Chương trình Better Work được các đối tác ba bên đánh giá là phù hợp với mục tiêu quản lý lao động và hỗ trợ tích cực cho quá trình thúc đẩy thực thi pháp luật lao động tại Việt Nam. Việc phối hợp giữa ba bên trong nước đã góp phần đẩy mạnh và phát huy được hiệu quả của Chương trình, qua đó tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động để cùng xây dựng một môi trường lao động hài hòa, ổn định, giúp Việt Nam thành nơi cung ứng có trách nhiệm và đáp ứng các quy tắc đạo đức hàng đầu trong ngành dệt may và da giầy.

“Lễ ký kết Bản ghi nhớ ngày hôm nay khẳng định sự ủng hộ và cam kết của Chính phủ và các đối tác xã hội Việt Nam trong việc tiếp tục đồng hành với Chương trình nhằm phát huy hơn nữa những kết quả đạt được trong thời gian qua ở cả cấp độ doanh nghiệp, ngành và quốc gia, lan tỏa tác động của Chương trình tới nhiều hơn nữa các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giầy và một số ngành sản xuất khác”. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Giám đốc ILO tại Việt Nam, Bà Ingrid Christensen chia sẻ: “Hiệu quả của Chương trình Better Work Việt Nam đã chứng minh việc thúc đẩy đối thoại xã hội và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại nơi làm việc chính là yếu tố then chốt để cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập cho hàng trăm nghìn người lao động trong ngành may mặc và da giày”.

Giám đốc ILO tại Việt Nam khẳng định, trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2023-2027, Chương trình Better Work sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề ưu tiên, bao gồm đối thoại xã hội, bình đẳng giới và phát triển bao trùm, an toàn sức khỏe nghề nghiệp, dữ liệu và thông tin. Đồng thời, Chương trình sẽ thông qua đối tác để thúc đẩy các khía cạnh lao động liên quan đến vấn đề biển đối khí hậu, năng suất và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo biên bản ghi nhớ mới ký giữa Bộ LĐTBXH, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ILO và IFC, ngoài địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong giai đoạn 2023-2027, Better Work Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại các địa bàn mới và một số ngành khác sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về tác động tiềm năng của việc mở rộng cũng như cách thức tác động.

Bản ghi nhớ được ký giữa Bộ LĐTBXH, VCCI, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ILO và IFC. Ảnh: TG 

Sau Lễ ký kết, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của sự kiện, Better Work đã tổ chức phiên đối thoại với chủ đề “Khả năng chống chịu và phục hồi” và “Khả năng bền vững và Quy mô chiến lược”. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề như các tác động và dữ liệu do Better Work thu thập được trong 5 năm qua (2017-2022), từ đó giới thiệu về chiến lược mới của Better Work Toàn cầu và Better Work Việt Nam.

Đồng thời, các đại biểu tham gia đã chia sẻ quan điểm của họ về cách tiếp cận của Better Work và quá trình hợp tác với Chương trình trong thời gian qua, thảo luận tính bền vững, vai trò của mỗi bên trong chuỗi cung ứng ngành dệt may và da giầy, cũng như tác động lâu dài và tính lan tỏa của Chương trình./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực