Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt hơn 97,36%

Thứ năm, 16/01/2020 17:46
(ĐCSVN) - Theo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm 2019 tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tổng hợp từ các địa phương đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp, tăng 0,16% so với cùng kỳ năm 2018.
 
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Bích Liên 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết, về công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (GCN) và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Tổng cục đã tập trung chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện một số giải pháp để tiếp tục đẩy nhanh việc cấp GCN và xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai.

Đến nay, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ cấp GCN lần đầu tổng hợp từ kết quả thực hiện của các địa phương đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp (tăng lên 0,16%, tương đương khoảng 20.900 GCN  so với cùng kỳ năm 2018).

Kết quả này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật đất đai.

Phó Tổng cục trưởng Đoàn Thị Thanh Mỹ cũng cho biết, Tổng cục đã hoàn thiện báo cáo Quốc hội khóa XIV về kết quả thực hiện Nghị quyết số 112 về kết đo đạc, rà soát cắm mốc giới và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp. Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.

Hiện nay, cả nước có 165/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 46 tỉnh, thành phố đang vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai. Tổng cục đang chỉ đạo thực hiện các hạng mục của dự án “Tăng cường Quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” và đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Tổng cục cũng đã thực hiện xong các nội dung thanh tra và kiểm tra theo kế hoạch, ngoài ra, đã thực hiện nhiều Đoàn kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, gồm: Kiểm tra, xác minh thông tin do Truyền hình Thông tấn đưa tin tại xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các dự án tâm linh; kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của báo chí về quản lý sử dụng đất tại một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Giang; tham gia các đoàn công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Bộ chủ trì tại Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang.

Trong năm 2019, Tổng cục đã tiếp nhận 620 thông tin phản ánh sai phạm về đất đai, trong đó: đã ban hành 350 văn bản chuyển địa phương yêu cầu xem xét, xử lý; 180 văn bản hướng dẫn công dân nêu kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết; chuyển Thanh tra Bộ xem xét, giải quyết 7 kiến nghị; các trường hợp còn lại do không đủ cơ sở, điều kiện để xem xét, giải quyết hoặc đơn đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động năm 2020, Phó Tổng cục trưởng cho biết sẽ tổ chức triển khai thực hiện lập nhiệm vụ quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh; tổng hợp xây dựng báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 134/2016/QH13 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia…/.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực