Còn những tồn tại, sai phạm...
Để chia sẻ một phần khó khăn, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần ổn định xã hội trước tình hình dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với giá trị 62.000 tỷ đồng. Thực hiện quyết định này, các địa phương đã tiến hành các bước để hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; hộ kinh doanh; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc; người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Tính đến giữa tháng 6/2020, trên cả nước đã có khoảng hơn 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ. Nhìn chung, việc hỗ trợ kịp thời theo quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giúp người lao động có điều kiện ổn định cuộc sống, sớm vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, tại một số địa phương vẫn còn những tồn tại, sai phạm nhất định. Những tồn tại, sai phạm này đã ảnh hưởng đến ý nghĩa của gói hỗ trợ, gây bức xúc trong dư luận địa phương.
Điển hình là tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, người nhà của nhiều lãnh đạo xã đã được đưa vào danh sách hộ cận nghèo để hưởng hỗ trợ. Cụ thể, theo phản ánh của người dân xã Thiệu Thành, vợ, con và cháu của ông Hách Văn Thắng - bí thư Đảng ủy xã Thiệu Thành - có tên trong danh sách hộ cận nghèo. Ngoài ra bố, mẹ, vợ và con trai ông Nguyễn Quốc Cường - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã - cũng nằm trong danh sách hộ cận nghèo; bà Nguyễn Thị Giảng, bí thư Đoàn xã, cũng có chồng và hai con có tên trong danh sách hộ cận nghèo.
|
Ngôi nhà của một công chức xã Quý Hòa nằm trong danh sách được nhận hỗ trợ. |
Tại một số xã trên địa bàn huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình như xã Tân Lập, xã Quý Hòa..., người dân cũng phản ánh tình trạng nhiều trường hợp hộ nghèo bị sót, không có trong danh sách được nhận hỗ trợ; đồng thời, cũng có nhiều gia đình khá giả và nhiều hộ là cán bộ, đảng viên nhưng lại nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo được nhận hỗ trợ của Nhà nước.
Anh Nguyễn Văn Vĩnh ở thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) chia sẻ: “Chủ trương hỗ trợ tiền đối với các hộ nghèo, hộ gặp khó khăn do dịch COVID-19 thể hiện rõ tính nhân văn của Đảng, Chính phủ. Thực tế số tiền hỗ trợ không quá lớn nhưng đối với các hộ nghèo, hộ khó khăn, hộ gia đình đồng bào dân tộc thì đây là sự hỗ trợ kịp thời, có ý nghĩa giúp họ ổn định cuộc sống sau dịch COVID-19. Mặt khác, đây còn là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, thật đáng trách khi chính quyền cơ sở lại để xảy ra những sai sót, vi phạm gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân”.
Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm túc
Trước những phản ánh nói trên, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và với tinh thần nghiêm túc, các địa phương đã nahnh chóng xác minh và có những hình thức chấn chỉnh, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với nwhnxg tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong chi trả hỗ trợ ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Cụ thể, tại Thanh Hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa đã quyết định dừng tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Thiệu Thành để chuẩn bị lại phương án nhân sự Đại hội, yêu cầu không tái cử cấp ủy đối với Bí thư Đảng ủy xã; đưa ra khỏi nhân sự đối với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và Bí thư Đoàn xã. Đồng thời, yêu cầu xã này rà soát lại các hộ cận nghèo có dấu hiệu không đúng đối tượng, căn cứ trên bộ tiêu chí của Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội.
Còn tại tỉnh Hòa Bình, sau khi có phản ánh của người dân, UBND huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) đã thành lập 6 đoàn kiểm tra nhằm xác minh, làm rõ, rà soát việc triển khai chi trả hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Đến nay, xã Quý Hòa và xã Tân Lập đã tạm đình chỉ nhiệm vụ đối với 02 công chức Lao động - Thương binh và Xã hội; tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong tham mưu chi trả hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại địa phương.
|
Chi trả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Anh Tuấn |
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của các tồn tại, sai phạm nói trên là do cá biệt có địa phương vẫn còn tình trạng bệnh thành tích; việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo ở cơ sở được thực hiện thiếu nghiêm túc; một số cán bộ ở cơ sở thiếu gương mẫu khi đưa người nhà không đủ điều kiện vào danh sách hộ cận nghèo... Trên cơ sở phản ánh của người dân, tình trạng này đã được kịp thời phát hiện, ngăn chặn và các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm khắc.
Thực tế cho thấy, chủ trương hỗ trợ tiền đối với các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả; qua đó góp phần quan trọng giúp người dân sớm ổn định đời sống.
Để việc chi trả gói hỗ trợ dành cho các hộ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của gói hỗ trợ; phổ biến rõ quy định về các nhóm đối tượng và điều kiện được nhận hỗ trợ; đồng thời, cơ quan chức năng các cấp theo phân công nhiệm vụ cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kể cả kiểm tra đột xuất các địa phương nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm (nếu có)./.