Hơn 20.300 cây gậy trắng tặng người khiếm thị

Thứ tư, 16/11/2022 01:44
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Đến nay, đã có hơn 20.300 cây gậy trắng được trao tặng cho người mù tại 55 tỉnh, thành phố và một số nhóm người mù sinh hoạt tại các Câu lạc bộ, tổ massage trên địa bàn Hà Nội.

Sáng 15/11, Trung tâm Đào tạo cán bộ phục hồi chức năng (Hội Người mù Việt Nam) tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động của Trung tâm Đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù (1997-2022) và Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù”.

Tại hội nghị sơ kết, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh chia sẻ, cây gậy trắng không chỉ là công cụ thân thiết để người khiếm thị có thể tự đi lại an toàn, mà còn là biểu tượng của người khiếm thị trên thế giới, thể hiện sự tự tin tham gia hoà nhập với cộng đồng. Từ khi thành lập đến nay, mặc dù Hội Người mù Việt Nam đã dành sự quan tâm và có nhiều nỗ lực cho việc tập huấn, hướng dẫn phục hồi chức năng, trong đó, có định hướng không gian và đi lại, vận động hỗ trợ gậy trắng cho người mù nhưng hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực còn hạn chế.

Từ năm 2019, các hoạt động bảo trợ, đồng hành cùng nhóm người yếu thế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt quan tâm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra chủ trương và quyết tâm thực hiện một số hoạt động xã hội có ý nghĩa thiết thực, vừa nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, hưởng ứng các phong trào hướng tới cộng đồng, người dễ bị tổn thương, vừa khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa nhân ái, tốt đẹp của dân tộc ta trong toàn cơ quan, từ đó, lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong xã hội.

Đặc biệt, hiểu rõ nhu cầu về cây gậy trắng của người mù Việt Nam, cuối năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng và Phát động sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam với thông điệp: Cả nước chung tay mang lại hạnh phúc cho người mù. 

"Tính đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao tặng hơn 20.300 cây gậy trắng cho người mù tại 55 tỉnh, thành phố và một số nhóm người mù sinh hoạt tại các Câu lạc bộ, tổ massage trên địa bàn Hà Nội. Hiện nay, Bộ đang tiếp tục đặt hàng Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội 8.350 cây" - bà Đinh Việt Anh cho biết.

Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao tặng Hội Người mù Việt Nam 300 cây gậy trắng (Ảnh: KT) 

Theo báo cáo, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng của cây gậy trắng đối với cuộc sống của người mù, động viên cán bộ, hội viên thường xuyên sử dụng gậy trong đi lại, phát huy tính tích cực, chủ động, tham gia vào mọi mặt đời sống xã hội; đồng thời, lan tỏa giá trị nhân văn của chương trình trong tổ chức Hội và cộng đồng. 

Hầu hết người mù được nhận gậy đã sử dụng gậy để đi học, đi làm, đi mua sắm, tham gia các hoạt động cộng đồng... Cây gậy trắng đã giúp người mù đảm bảo an toàn trong đi lại, mạnh dạn, tự tin hơn để hòa nhập vào đời sống xã hội.

Theo bà Đinh Việt Anh, việc lan tỏa và tiếp tục Hành trình cây gậy trắng cho người mù Việt Nam là thông điệp thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng và của xã hội nói chung với những người khiếm thị, để không ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Chương trình này vẫn còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế.

Đó là những khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp gậy trắng đạt chuẩn, phù hợp với người khiếm thị Việt Nam và có giá cả phải chăng. Nếu mua gậy đạt chuẩn, phù hợp từ nước ngoài thì giá cả rất cao. Ở Việt Nam chưa có nhiều công ty, đơn vị sản xuất gậy trắng cho người mù, không có nguồn dự trữ gậy thường xuyên với số lượng lớn mà phải làm theo đặt hàng riêng; bên cạnh đó lại chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID – 19 nên thời gian sản xuất gậy khá lâu.

Một số tỉnh, thành hội sau khi nhận được gậy chưa thể tổ chức phát gậy và tập huấn cho hội viên do còn trong thời gian giãn cách xã hội hoặc chưa có kinh phí cho hoạt động tập huấn. Do đó gậy trắng đến được với hội viên và người mù chưa kịp thời.

Ở các tỉnh chưa có hội, việc rà soát, tổng hợp nhu cầu cũng như trao gậy gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào sự nhiệt tình, hỗ trợ của ngành lao động, thương binh và xã hội tại địa phương.

Bà Đinh Việt Anh mong muốn, đơn vị sản xuất gậy đẩy nhanh tiến độ để có thể có nguồn gậy đã đăng ký của năm 2022 vào cuối năm nay để Hội có thể tiến hành trao gậy cho các đơn vị trước Tết Nguyên đán. Gậy cần được đảm bảo đúng quy cách, chất lượng như đã cam kết. Bên cạnh đó, cần có nguồn gậy dự phòng để phát cho người mù có nhu cầu kịp thời hơn.

Các cấp Hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát, tổng hợp danh sách người mù có nhu cầu trao tặng gậy; đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của cây gậy trắng với người mù trong tổ chức Hội và cộng đồng, trao tặng gậy cho người mù ngay sau khi được tiếp nhận. Trung tâm và các cấp Hội chủ động lập kế hoạch, huy động nguồn lực để tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn phục hồi chức năng nói chung, trong đó, có định hướng không gian và đi lại, sử dụng gậy trắng đảm bảo an toàn, đẹp mắt. 

Bà cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục hỗ trợ chương trình chi phí mua gậy trắng, vận chuyển gậy, chi phí tổ chức các lớp tập huấn tại các địa phương.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao Hội Người mù Việt Nam 300 cây gậy trắng để tặng người khiếm thị các tỉnh, thành trong cả nước.

* Báo cáo tại lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động của Trung tâm Đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù (1997-2022), ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm cho biết, chính thức hoạt động từ năm 1997, với nhiệm vụ là đào tạo và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh, thành Hội Người mù trong cả nước, Trung tâm đã không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo. Đến nay đã đào tạo được 89 khóa, với gần 9.000 lượt học viên ở 23 loại hình lớp khác nhau như: Đào tạo cán bộ các cấp Hội, giáo viên dạy phục hồi chức năng và xóa mù chữ, dạy trẻ em tiền hòa nhập, đào tạo nghề xoa bóp bấm huyệt, công tác xã hội, công nghệ thông tin, thủ công mỹ nghệ, cộng tác viên báo chí, bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ...

Sau các khóa học, các học viên trở về địa phương áp dụng các kiến thức, kĩ năng tại Trung tâm để thi vào các trường đại học hoặc tiếp tục tham gia học phổ thông đạt kết quả tốt. 100% học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt sau khi tốt nghiệp đều có việc làm với thu nhập ổn định, bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

 
Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực