Hơn 36.000 người được nâng cao nhận thức về giải quyết tranh chấp đất đai qua hòa giải

Thứ sáu, 26/05/2023 20:20
(ĐCSVN) - Triển khai Dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số” đã có hơn 36.000 người được nâng cao nhận thức về quyền đất đai và con đường giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Hơn 630 hòa giải viên, trưởng xóm, người có uy tín.. được đào tạo về kỹ năng hòa giải trong lĩnh vực đất đai.
Giám đốc quốc gia Helvetas Việt Nam Phạm Văn Lương chia sẻ tại Hội thảo.

Nhằm góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 26/5, tại tỉnh Hoà Bình, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Helvetas phối hợp với Liên minh đất đai LANDA/Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng nông thôn (CCRD) tổ chức Hội thảo Kết thúc dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số”.

Thúc đẩy quyền đất đai cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc quốc gia Helvetas Việt Nam Phạm Văn Lương cho biết: Dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số” được thực hiện trong 3 năm từ năm 2020 đến năm 2023, cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Hòa Bình và Cao Bằng. Dự án được tài trợ bởi Liên minh châu Âu EU với mục tiêu thúc đẩy quyền đất đai cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc.

Giám đốc quốc gia Helvetas Việt Nam cho biết, quá trình triển khai đến nay, Dự án đã xây dựng được bộ tài liệu hướng dẫn về quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đóng góp ý kiến vào xây dựng và giám sát thực thi chính sách liên quan tới quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng. Tiếp cận thông tin về quyền sử dụng đất và tài nguyên rừng của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương được cải thiện. Cùng với đó, năng lực của các thành viên LANDA và tổ hòa giải cơ sở, già làng, trưởng bản được nâng cao.

Kết quả cụ thể, đã có hơn 36.000 người được nâng cao nhận thức về quyền đất đai và con đường giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Hơn 630 hòa giải viên, trưởng xóm, người có uy tín, thành viên các tổ chức đoàn thể địa phương đã được đào tạo về kỹ năng hòa giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai, kỹ năng tuyên truyền và đóng góp xây dựng chính sách đất đai.

Các đại biểu tham dự tại Hội thảo. 

Hơn 2.000 người dân được tư vấn về pháp luật đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai. 6 sáng kiến cộng đồng được dự án cấp vốn thực hiện nhằm thúc đẩy quyền đất đai và chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Dự án cũng đã xây dựng một bộ cẩm nang về hòa giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai...

Dự án cũng đã tổ chức thành công một cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu về pháp luật đất đai và hòa giải ở cơ sở với hơn 16.410 thí sinh tham gia. Từ kết quả của cuộc thi, có thể thấy rằng người dân tại khu vực dự án đã có những kiến thức cơ bản cần thiết về quyền đất đai cũng như hiểu biết về những con đường hiệu quả để giải quyết các vấn đề liên quan tới đất đai.

Chia sẻ tại Hội thảo, Giám đốc Khu vực Nam và Đông Nam Á, Liên minh châu Âu Mario Ronconi bày tỏ, bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số là một ưu tiên trong hợp tác của EU tại Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án này từ năm 2020 - 2023 rất đúng lúc, khi đầu năm 2020 Quốc hội Việt Nam đã thông qua chính sách đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (SEDEMA) giai đoạn 2021 – 2030.

Giám đốc Khu vực Nam và Đông Nam Á Mario Ronconi cho biết: “Hội đồng châu Âu đã thông qua vào năm 1994 Công ước khung về Bảo vệ các dân tộc thiểu số đã được 39 quốc gia phê chuẩn. Dự án “Đảm bảo quyền sử dụng đất cho tất cả mọi người - Mang lại tiếng nói cho các dân tộc thiểu số” do EU đồng tài trợ hoàn toàn phù hợp với mục tiêu này”.

 Giám đốc Khu vực Nam và Đông Nam Á, Liên minh châu Âu Mario Ronconi chia sẻ tại Hội thảo.

Phát huy vai trò làm chủ của người dân sử dụng đất và giải quyết tranh chấp về đất

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, phân tích kết quả đạt được, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện; vai trò của tổ hoà giải ở cơ sở trong giải quyết các vướng mắc, đặc biệt liên quan tới quản lý sử dụng tài nguyên đất và rừng. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số vấn đề để thời gian tới dự án có thể được nhân rộng mô hình ở các địa phương khác trong tỉnh.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) Nguyễn Đức Thịnh cho biết: Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện, dự án cũng gặp phải không ít thử thách, cụ thể: Địa bàn của dự án nhỏ, nguồn lực hạn chế. Phạm vi hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở là các tranh chấp nhỏ giữa các cá nhân, hộ gia đình, chưa giải quyết được các tranh chấp với tổ chức, doanh nghiệp.

“Bên cạnh đó, đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi chưa biết cách chủ động tìm kiếm thông tin, tài liệu để tự học trên internet (chủ yếu để giải trí, đọc báo, nhắn tin), cần thêm thời gian và nguồn lực để tuyên truyền”, Phó Giám đốc CCRD Nguyễn Đức Thịnh nêu rõ.

Theo Phó Giám đốc CCRD Nguyễn Đức Thịnh, đối với chủ đề nhạy cảm như quyền đất đai, cần xác định các mục tiêu và thiết kế nội dung hoạt động thật rõ ràng, thu hẹp chủ đề càng cụ thể càng dễ thực hiện, tránh chung chung sẽ gây khó khăn khi xin phê duyệt và triển khai.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Sơn, huyện Mai Châu Hà Thanh Đạt chia sẻ, trong mấy năm trở lại đây, tranh chấp đất sản xuất, nương rẫy, đất canh tác ranh giới giữa các hộ gia đình, giữa xóm với xóm trong xã Thành Sơn có nhiều trường hợp xảy ra. Trong đó, có nhiều nguyên nhân, một phần là do người dân chưa hiểu rõ các quy định của Luật Đất đai, các thửa đất sản xuất chưa phân giới rõ rang; việc lấn chiếm của một số ít hộ dân xảy ra do đất đang có giá… Công tác đo đạc chính quy đang triển khai trên địa bàn vì vậy cũng kéo theo các tranh chấp giữa các hộ dân có đất canh tác liền kề nhau bộc lộ rõ hơn.

Những hoạt động tuyên truyền về dự án triển khai tại các địa phương. 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Sơn chia sẻ, sau khi được tham gia Dự án các hoạt động mà dự án đem lại rất hữu ích cho các thành viên tham gia cũng như tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng về lĩnh vực đất đai và hòa giải ở cơ sở.

Theo đó, người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Tổ hòa giải ở cơ sở đã hiểu được quy trình, kỹ năng hòa giải từ đó đã góp phần làm giảm các vụ tranh chấp đất đai, khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp trên địa bàn xã. Các tổ hòa giải ở thôn xóm cũng đã tạo được niềm tin của người dân trong công tác hòa giải, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai…

Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Mai, Mai Châu Hà Văn Hiệp chia sẻ: Thông qua các hoạt động của dự án đã tạo sức lan tỏa đến nhận thức của cộng đồng, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng. Dự án cũng góp phần thúc đẩy sự tham gia và phát huy vai trò làm chủ của người dân trong quản lý, sử dụng đất tại địa phương cũng như giải quyết những vướng mắc, tranh chấp về đất đai.

Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Mai, Mai Châu Hà Văn Hiệp  cho rằng, để tiếp tục hỗ trợ các tổ hòa giải và Hội viên nông dân nâng cao nhận thức về đất đai trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã mong dự án sẽ tiếp tục được duy trì và phối hợp với Hội Nông dân các cấp để tiếp tục triển khai các nội dung của dự án…/.

Tin, ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực