Lương tối thiểu và mức sống tối thiểu: Bài toán chưa có lời giải

Thứ tư, 24/04/2013 11:45

(ĐCSVN)Mức lương tối thiểu hiện nay là thấp, cần phải điều chỉnh. Đó là thực tế được các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận nhưng vấn đề phải điều chỉnh mức lương tối thiểu như thế nào, lấy gì để điều chỉnh thì vẫn chưa có lời giải. Bởi vậy tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu vẫn như hình với bóng, không biết đến bao giờ mới gặp nhau.

 

Lương tối thiểu hiện nay vẫn không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu
của người lao động. (Ảnh: KT)

Lương không đủ sống

Việt Nam đã có nhiều lần cải cách tiền lương, chính sách tiền lương tối thiểu đã có đổi mới phù hợp hơn với giá cả thị trường, nhưng giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu vẫn có sự chênh lệch.

Tại hội thảo về “Mức sống tối thiểu và những vấn đề đặt ra đối với việc xác định lương tối thiểu và lương đủ sống cho người lao động” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội mới tổ chức, Phó vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Lê Xuân Thành thừa nhận, với mức lương hiện nay, lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp chỉ chi trả được 50% mức sống tối thiểu. Con số này ở khu vực sản xuất là 70%. Cũng vì vậy mà năm 2012 vừa qua có tới 80% các cuộc đình công nổ ra với nguyên nhân chính là tranh chấp về lương.

Tuy nhiên, theo ông, nếu điều chỉnh lương tối thiểu theo đúng lộ trình thì sợ doanh nghiệp không chịu đựng được. Còn nếu điều chỉnh để đảm bảo ngay nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong năm 2013 thì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm dệt may, da giày, gia công sẽ phá sản. "Với mức lương hiện tại, các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn, họ nợ lương, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Nếu tăng nữa, sợ họ không chịu nổi", ông Lê Xuân Thành chia sẻ.

Còn ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa kết thúc một cuộc khảo sát tại các loại hình doanh nghiệp ở 10 tỉnh, thành phố trên cả nước về tiền lương. Kết quả khảo sát cho thấy, để đảm bảo có đủ dinh dưỡng 2.300 kcal/ngày, người lao động phải chi trả 750.000 - 900.000 đồng/tháng. Cộng với nhu cầu lương thực, thực phẩm và chi phí nuôi con, mức sống tối thiểu của người lao động vào khoảng 2,4 - 3,7 triệu đồng/tháng. Với cách tiếp cận này, phía công đoàn cũng khẳng định, tiền lương tối thiểu khu vực sản xuất kinh doanh chỉ đáp ứng được 65 - 70% mức sống tối thiểu.

Theo bà Văn Thu Hà (đại diện Oxfam Việt Nam), lương tối thiểu của Việt Nam đã rơi xuống mức quá thấp nên có điều chỉnh, có tăng lên đến mấy vẫn không thể cân đối được với mức sống người dân. "Ít nhất có 9,4 triệu người đang đóng BHXH chiếm 18% lực lượng lao động năm 2009 sẽ tham gia vào một lớp người nghèo mới khi họ nghỉ hưu. Trong số họ, những lao động nghèo sẽ trở thành nhóm người về hưu cực nghèo, sẽ tham gia vào các nhóm bảo trợ xã hội trong tương lai", bà Văn Thu Hà cảnh báo.

Điều chỉnh lương theo 2 phương án

Mức lương tối thiểu hiện nay là thấp, cần phải điều chỉnh. Đó là thực tế được các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận nhưng vấn đề phải điều chỉnh mức lương tối thiểu như thế nào, lấy gì để điều chỉnh vẫn chưa có lời giải.

Theo ông Lê Xuân Thành, căn cứ đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2008 - 2012, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung với cán bộ, công chức và 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng với các doanh nghiệp. Cải cách nhiều như vậy nhưng vì sao vẫn có sự khác biệt quá lớn giữa mức tiền lương chi trả cho người lao động và nhu cầu đời sống? “Vì chưa có tiêu chí cụ thể quy định mức sống tối thiểu để có thể dựa trên cơ sở đó quy định mức lương tối thiểu. Chính vì vậy mà cứ điều chỉnh tiền lương dựa chủ yếu vào ngân sách. Tiền có bao nhiêu thì điều chỉnh bấy nhiêu chứ không dựa vào nhu cầu hay mức sống của người lao động" – ông Lê Xuân Thành trả lời. Ông cho biết thêm: Tại các đơn vị hành hính nhà nước, việc điều chỉnh lương chủ yếu dựa vào túi tiền của ngân sách. Còn trong khu vực doanh nghiệp chủ yếu dựa vào CPI và tình hình làm ăn. Năm qua, khu vực sản xuất kinh doanh còn được cải thiện, trong khi khối Nhà nước thì không có điều chỉnh nào.

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, khó có thể cải cách tiền lương khi ngân sách có hạn, mà số lao động biên chế lại tăng cao hằng năm. Muốn tăng lương, chắc chắn phải rà soát, thanh lọc lại và cắt giảm biên chế một số vị trí, thành phần.

"Tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu vẫn như hình với bóng, chưa bao giờ gặp nhau. Mục tiêu năm 2015 lương tối thiểu đủ sống còn viển vông lắm" - ông Đặng Quang Điều nhìn nhận. Theo ông, cần tăng cường quản lý tiền khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải xây dựng thang bảng lương, định mức lao động và đăng ký với cơ quan quản lý lao động địa phương. Đồng thời cần nâng cao năng lực của công đoàn cơ sở trong thương lượng tiền lương.

Thừa nhận kế hoạch lương tối thiểu đảm bảo được mức sống tối thiểu vào năm 2015 đã bị vỡ. Lý do vì mức tăng năm 2013 chỉ bằng nửa so với lộ trình đã đề ra, do vậy nếu thực hiện đúng như kế hoạch thì mức tăng năm 2014 và 2015 rất cao, doanh nghiệp sẽ khó có thể chịu được với bối cảnh kinh tế như hiện nay. Hệ quả sẽ là doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc...Tuy nhiên, ông Lê Xuân Thành cho biết, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đưa ra hai phương án điều chỉnh lộ trình tăng lương. Phương án 1 là lương tối thiểu sẽ đảm bảo nhu cầu tối thiểu vào năm 2017, theo đó, mức tăng bình quân chung trong các năm từ nay đến 2017 sẽ khoảng 16,5 – 20% mỗi năm. Phương án 2 là lương tối thiểu sẽ đảm bảo nhu cầu tối thiểu vào năm 2016, theo đó mức tăng bình quân chung các năm sẽ khoảng 18 – 23% mỗi năm.

Hai phương án này dự kiến sẽ được trình Chính phủ, nếu thuận lợi, sẽ thực hiện sớm vào năm 2016 với mức tăng hàng năm cao hơn phương án còn lại./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực